Tội lỗi không bao giờ thực hiện cách trọn vẹn những lời hứa đầy quyến rũ với con người. Thay vì để thỏa mãn những ước muốn, nó đánh lừa cơn đói khát của lòng tham nơi con người và làm cho con người càng ngày càng thêm bi đát.
Những trang đầu Kinh Thánh đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về tội. Tội là một sự bất tuân phục, một hành vi chống đối Thiên Chúa cách có ý thức và tự do bằng việc vi phạm các giới luật của Thiên Chúa. Ông bà nguyên tổ muốn thay thế Thiên Chúa để tự định đoạt về điều lành, điều dữ: lấy mình làm khuôn mẫu, làm chủ vận mạng của mình và tự ý quyết định về chính mình (x. St 3, 3. 5). Từ chối phục tùng Đấng dựng nên mình, nên đã làm lệch lạc mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Vì thế, tội đã gây ra một sự rạn nứt giữa Thiên Chúa và con người. Sự rạn nứt đó còn lan ra cho cả con cháu Ađam nữa (x. St 4, 8.24).
Tội lỗi gây sự chia rẽ và rạn nứt, không chỉ trong mỗi cá nhân mà còn trong nhiều hình thức của cuộc sống con người: trong mối liên hệ với gia đình, với nghề nghiệp và môi trường xã hội. Điều này thể hiện rõ trong sách Sáng Thế viết về tháp Baben (x. St 11, 1 – 9). Với ý định xây dựng một công trình được xem là biểu tượng của sự hiệp nhất, những người này nhận thấy họ bị phân tán hơn trước đó, chia rẽ trong ngôn ngữ, và giữa họ với nhau, không có khả năng đồng tâm nhất trí.
Sở dĩ họ thất bại, vì họ đã thiết kế như là dấu hiệu và bảo chứng của sự hiệp nhất mà họ mơ ước, một công trình bằng chính tay họ làm mà quên đi hoạt động của Thiên Chúa. Họ chỉ để ý tới chiều ngang của hoạt động và đời sống xã hội, quên đi chiều dọc là mối tương quan với Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa và Chủ Tể của họ; lẽ ra họ phải hướng về Người như về cứu cánh tối hậu của các tiến bộ của mình.
Theo Tin Mừng Thánh Luca, Đức Giêsu cho chúng ta thấy: tội là hành động lìa bỏ Cha mà “trẩy đi phương xa” (15, 13), xa lìa Thiên Chúa, không còn được gặp gỡ Thiên Chúa và gắn bó với Người, cắt đứt mối tương quan giữa của người với Thiên Chúa. Vì thế, căn nguyên của tội là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Trong dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (15, 11 – 32), thánh Luca còn cho thấy: tội không phải được diễn tả như một sự nổi loạn của những đầy tớ chống lại chủ, nhưng đó là ý muốn của người con từ bỏ cha mình, muốn thoát khỏi quyền giám hộ của cha. Qua đó, Đức Giêsu cung cấp cho chúng ta một chỉ dẫn rất cụ thể của ý niệm về tội đó là: tội phải luôn luôn được xem là một lỗi phạm đến mối tương quan giữa người con với Thiên Chúa. Chính khi lỗi phạm đến Thiên Chúa, là lúc chúng ta tạo nên một tình trạng bi thảm (Jean Galot).
Khi người con thứ “xin cha chia phần tài sản cho con” (x. Lc 15, 12) và sau đó anh đã bỏ cha để “trẩy đi phương xa” (x. Lc 15, 13). Điều đó cho thấy: cái mà anh quan tâm không phải là tình phụ tử, không phải là cuộc sống bên cha, nhưng là của cải mà anh gọi là của anh. Anh nhận lấy và ra đi.
Tội cũng là một cái gì tương tự. Con người đòi làm chủ tuyệt đối những điều thiện hảo mà Thiên Chúa đã ban, muốn chiếm hữu và sử dụng theo ý mình, muốn hoàn toàn độc lập, tự tách mình ra khỏi Thiên Chúa. Tội nhân muốn chiếm đoạt lấy ân huệ quý giá mà Thiên Chúa ban, thay vì làm theo ý Thiên Chúa, ở trong nhà Thiên Chúa mà lại hành động theo “tự do” cá nhân và xa tránh Thiên Chúa.
Như vậy, con người đã lật ngược ân huệ mà họ nhận được từ Thiên Chúa và phản bội lại Ngài, họ đã để cho tính tự do cá nhân, sự ích kỷ, lòng tham lam của cải thế gian dẫn họ đi về hướng khác, quay lưng lại với lòng xót thương mà Thiên Chúa đã dành cho họ (Jean Galot). Điều đó nói lên rằng tội lỗi gây thái độ tệ bạc, vô ơn bội nghĩa đối với lòng xót thương của Thiên Chúa. Được đầy tràn ơn phúc, được lòng xót thương của Thiên Chúa bao bọc chở che, con người không biết tạ ơn, trái lại dùng ân ban đó để phản lại Ngài.
Tội lỗi không bao giờ thực hiện cách trọn vẹn những lời hứa đầy quyến rũ với con người. Thay vì để thỏa mãn những ước muốn, nó đánh lừa cơn đói khát của lòng tham nơi con người và làm cho con người càng ngày càng thêm bi đát.
Không chỉ dừng lại ở đó, tội lỗi còn “bóc lột” những kẻ bị nó quyến rũ mọi của cải vật chất lẫn tinh thần, dẫn họ vào con đường lầm lạc, bần cùng khổ cực, nhục nhã và chán nản (x. 15, 14 – 16). Họ cứ ảo tưởng rằng nơi mà trước đây họ đến là nơi họ sẽ được hưởng tự do, được thỏa mãn mọi thú vui trần thế; trái lại, đó lại là vực sâu của vũng lầy nhơ nhớp, hố thẳm của nô lệ và tội lỗi. Khi lún sâu vào đó, họ mất đi phẩm giá con người, mất đi sự tự do, hạnh phúc đích thực, mà lẽ ra họ được hưởng, nếu ở lại với Thiên Chúa.
Con người không ý thức được chính hành động của họ đã khiến họ lìa xa Thiên Chúa giàu lòng thương yêu. Những thú vui bên ngoài của đời sống tội lỗi sẽ qua mau, và không bao giờ mang lại sự thỏa mãn, trong khi đó một đời sống với Người Cha thì trọn vẹn và phong phú. Đời sống tội lỗi chỉ đưa đến sự hủy diệt, trong khi đời sống với Người Cha thực sự dẫn đến sự sống (x. 15, 17).
“Tội chính là khước từ tôn vinh Thiên Chúa, và không tỏ lòng biết ơn Ngài (x. Rm 1, 18tt). Sự bất công của tội lỗi chính là yêu thích ‘thế giới đã bị ô nhiễm’ bởi kiêu căng, ích kỷ, lừa đảo và tự lừa dối mình hơn là tình yêu vô biên của Đức Ki-tô (x. 2Pr 2, 20)” (Bernard Haering CSsR). Đàng khác, tội không chỉ là khước từ tôn vinh Thiên Chúa, làm cho con người xa cách Thiên Chúa, mà nó còn làm cho con người phải xa cách nhau. Vì khi phạm tội, con người đánh mất tình yêu đích thực với Thiên Chúa, đồng thời cũng đánh mất tình yêu đó giữa con người với nhau.
Giáo lý dạy rằng “Tội (…) là thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân, vì quyến luyến lệch lạc với thụ tạo. Tội làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại (…), là xúc phạm đến Thiên Chúa… Tội chống lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và khiến lòng ta xa lánh Người. Cũng như đầu tiên tội là một sự bất tuân, một sự nổi loạn chống Thiên Chúa, lại muốn “trở nên như những vị thần” biết và quyết định điều thiện, điều ác (St 3, 5). Như thế, tội là “yêu mình đến mức khinh thị Thiên Chúa”. Vì kiêu căng tự cao tự đại, tội hoàn toàn trái ngược với thái độ vâng phục của Đức Giê-su, Đấng thực hiện ơn cứu độ” (Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, # 1849 – 1850).
Thảm kịch của những người đã kinh nghiệm khi sống trong tội lỗi cho thấy: cuộc đời tội lỗi rất buồn chán, trống rỗng, làm mất phẩm giá con người, nên chỉ có đời sống hòa hợp với Thiên Chúa mới có thể làm no lòng thỏa dạ cho đời sống đích thực của mình. Và chỉ có “Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, là Đấng giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi, là nguồn của sự tự do mới. Ngài là Vị Ngôn Sứ duy nhất, Đấng không chỉ vạch trần sự tha hóa của ta mà còn dẫn ta tới vùng đất của sự thật và hòa giải. Ngài là Giao ước, là hiện thân của sự liên đới cứu độ, là Con Đường duy nhất dẫn đến tự do khỏi phải lụy phục sự liên đới với tội lỗi” (Bernard Haering CSsR).
Như thế, tội làm cho con người đánh mất tương quan với Thiên Chúa. Mỗi khi quay lưng lại với Ngài, chúng ta chỉ có thể được phục hồi nhờ vào lòng xót thương, khoan dung, nhân hậu của Ngài mà thôi, và tấm lòng xót thương đó là do sáng kiến của Thiên Chúa.
Đình Tộ, C.Ss.R.