Tòa Thánh: Xóa nợ cho các nước đang phát triển là một “trách nhiệm luân lý”

Phái đoàn ngoại giao của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc khẳng định cam kết của Giáo hội trong việc xóa bỏ nghèo đói và kêu gọi các quốc gia phát triển hỗ trợ các nước đang phát triển xóa nợ nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York

Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York (Ảnh: Vatican News)

Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York, đã phát biểu tại hai hội nghị của Liên Hợp Quốc về việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Đức Tổng Giám mục Caccia khẳng định rằng cộng đồng quốc tế có “trách nhiệm đạo đức và chính trị” trong việc giúp các quốc gia đạt được sự phát triển bền vững.

Ngài đặc biệt tập trung vào các quốc đảo nhỏ đang phát triển, các quốc gia châu Phicác quốc gia đang phát triển trong hai bài phát biểu tại New York vào ngày 16 tháng 7.

“Thực tế dai dẳng và lan rộng của tình trạng nghèo đói tiếp tục gây đau khổ cho hàng triệu người, tước đoạt của họ sự an sinh vật chất và làm suy yếu phẩm giá mà Thiên Chúa ban cho họ, đồng thời kìm hãm sự phát triển toàn diện của con người”, Đức Tổng Giám mục Caccia cho biết.

Tòa Thánh, Đức Tổng Giám mục Caccia cho biết thêm, tin chắc rằng cộng đồng quốc tế phải tiếp tục tập trung vào mục tiêu xóa bỏ nghèo đói, điều mà ngài gọi là vừa là “mệnh lệnh đạo đức” vừa là một hoạt động kinh tế.

“Việc xóa nợ không phải là một hành động quảng đại”, Đức Tổng Giám mục Caccia nói, “mà là một bước cần thiết hướng tới việc tạo ra không gian tài khóa (fiscal space) mà các quốc gia cần để đầu tư vào sự phát triển toàn diện”.

Do đó, Đức Tổng giám mục Caccia đã kêu gọi việc “giảm trừ nợ ngay lập tức, bao gồm xóa nợ và tái cấu trúc nợ”, cũng như việc tiếp cận các khoản tài trợ cho các quốc gia đang phải vật lộn với mức nợ không bền vững.

Tập trung vào các quốc đảo nhỏ đang phát triển, ngài cho biết gánh nặng nợ nần của họ vẫn là một trong những trở ngại lớn nhất đối với thế giới trong việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Liên Hợp Quốc.

Khoảng 40% các quốc gia này đang gặp khó khăn về nợ nần và gánh chịu gánh nặng lớn hơn từ nợ sinh thái và các thảm họa môi trường ảnh hưởng chủ yếu đến các quốc gia đang phát triển.

“Chỉ riêng việc xóa nợ không phải là giải pháp tối ưu”, Đức Tổng Giám mục Caccia nói. “Tuy nhiên, nó có tiềm năng thay đổi triển vọng phát triển của các quốc đảo nhỏ đang phát triển bằng cách cung cấp cho họ không gian tài khóa (fiscal space) để đầu tư vào các trụ cột thiết yếu, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng, thích ứng với khí hậu, hệ thống y tế và giáo dục”.

Cuối cùng, đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc kêu gọi cần phải khẩn trương hơn nữa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ mà các quốc gia đang phát triển phải đối mặt.

“Như Đức Thánh Cha Lêô XIV đã mạnh mẽ tuyên bố”, Đức Tổng giám mục Caccia nói, “Năm Thánh, được Giáo hội Công giáo cử hành trong năm nay, ‘mời gọi chúng ta hoàn trả và tái phân phối của cải tích lũy bất công, như một con đường dẫn đến sự hòa giải cá nhân và dân sự’”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết