Đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Liên hiệp quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovič hôm thứ tư 14/12 đã kêu gọi chấm dứt bạo lực tại Nam Sudan.
“Cuộc xung đột đã tạo ra một trong những tình huống nhân đạo trầm trọng nhất đối với cộng đồng quốc tế và nó phải được giải quyết ngay lập tức, đặc biệt bởi các bên có liên quan” – vị đại diện của Tòa Thánh cho biết – “Bất kỳ giải pháp nào đối với cuộc xung đột cần phải được xem xét không chỉ ở sự căng thẳng rõ ràng giữa các bên, mà còn ở những động cơ nền tảng cũng như các yếu tố châm ngòi gây ra xung đột”.
Tuyên bố của Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič – Đại diện thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva – tại kỳ họp đặc biệt lần thứ 26 của Hội đồng Nhân quyền, “Về Tình hình nhân quyền tại Nam Sudan” Geneva, ngày 14/12/2016.
Thưa Ngài Chủ tịch, Phái đoàn Tòa Thánh bày tỏ lòng biết ơn của mình tới các nước thành viên của Hội đồng vì đã đề xuất phiên họp đặc biệt này để giải quyết tình hình đang ngày càng xấu đi của vấn đề nhân quyền tại Nam Sudan. Cường độ bạo lực đang ngày càng gia tăng – trong đó các quy tắc của luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế đã bị bỏ qua gần như hoàn toàn – đã góp phần làm cho tình hình của dân tộc này vốn đã bấp bênh đang trở nên ngày càng xấu đi.
Hậu quả của cuộc xung đột được nhìn thấy rõ ràng nhất qua sự đau khổ của người dân Nam Sudan. Khoảng 2,3 triệu người – đa số là phụ nữ và trẻ em – tiếp tục bị buộc phải di tản khỏi nhà của họ ở trong nước, và 600.000 người phải tìm cách lánh nạn ở các nước láng giềng, khoảng 70% trong số này là trẻ vị thành niên không có thân nhân đi kèm. Ước tính cho thấy khoảng 5 đến 7 triệu người hiện đang phải đối diện với tình trạng thiếu lương thực. Cuộc xung đột đã tạo ra một trong những tình huống nhân đạo trầm trọng nhất đối với cộng đồng quốc tế và nó phải được giải quyết ngay lập tức, đặc biệt là các bên có liên quan. Bất kỳ giải pháp nào đối với cuộc xung đột cần phải được xem xét không chỉ ở sự căng thẳng rõ ràng giữa các bên, nhưng còn ở những động cơ cơ bản và các yếu tố châm ngòi gây ra xung đột.
Thưa Ngài Chủ tịch, Đoàn đại biểu của chúng tôi muốn nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với Nam Sudan, khi Ngài kêu gọi các bên liên quan và cộng đồng quốc tế hãy chung tay chấm dứt bạo lực, nhằm đảm bảo “quyền được tiếp cận với viện trợ nhân đạo của những người nghèo” và phấn đấu “không ngừng” đối với những giải pháp hòa bình, ngõ hầu “công ích sẽ đánh bại những quyền lợi đặc biệt”. Có một sự cấp bách phải “thúc đẩy một nền văn hóa của sự gặp gỡ” trong đó ngụ ý đầu tiên và trước hết hướng đến việc bác bỏ sự ích kỷ, để rồi “không còn nhìn tha nhân như kẻ thù mà như huynh đệ để biết đón nhận và cùng cộng tác với nhau”.
Chân thành cám ơn Ngài Chủ tịch,
Minh Tuệ chuyển ngữ