Tòa Thánh và Bắc Kinh thử nghiệm thỏa thuận Trung Quốc-Vatican

Quốc kỳ Trung Quốc tung bay trước Nhà thờ Thánh Giuse, còn được gọi là Nhà thờ Công giáo Vương Phủ Tỉnh, ở Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, ngày mà thỏa thuận bí mật năm 2018 giữa Bắc Kinh và Vatican được gia hạn thêm hai năm (Ảnh: Greg Baker/AFP)

Quốc kỳ Trung Quốc tung bay trước Nhà thờ Thánh Giuse, còn được gọi là Nhà thờ Công giáo Vương Phủ Tỉnh, ở Bắc Kinh vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, ngày mà thỏa thuận bí mật năm 2018 giữa Bắc Kinh và Vatican được gia hạn thêm hai năm (Ảnh: Greg Baker/AFP)

Vào ngày 26 tháng 11, Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố bày tỏ “sự ngạc nhiên và hối tiếc” về việc bổ nhiệm Đức Cha Gioan Bành Vệ Chiếu (John Peng Weizhao) gần đây làm Giám mục phụ tá của Giáo phận Giang Tây, một Giáo phận hiện không được Vatican công nhận. Có vẻ như việc thuyên chuyển này đã được thực hiện bằng vũ lực mà không hỏi ý kiến của Tòa Thánh.

Một tháng sau khi gia hạn thỏa thuận Trung Quốc-Vatican năm 2018, thỏa thuận được cho là định hình cách thức các Giám mục Trung Quốc nên được lựa chọn bởi Rôma và Bắc Kinh, diễn biến mới này xác nhận rằng mối quan hệ giữa hai cường quốc không suôn sẻ nhưng vẫn sống động.

Trong khi những bình luận bi quan ngày càng nhiều, một số khía cạnh phải được làm nổi bật để hiểu rằng Bắc Kinh không vi phạm thỏa thuận với Rôma. Thay vào đó, họ đang thử nghiệm thỏa thuận đó. Và Vatican cũng vậy.

Trước hết, chúng ta không phải đối mặt với việc bổ nhiệm bất hợp pháp. Đức Giám mục Bành đã được tấn phong với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha vào năm 2014. Trong nhiều năm, vị Giám chức được mô tả một cách không chính đáng là vị Giám mục thuộc “Giáo hội hầm trú” – hình thức lãnh đạo mà Đảng Cộng sản Trung Quốc không tin tưởng. Nhưng vào ngày 24 tháng 11, chính quyền dân sự đã thúc đẩy vị Giám chức chấp nhận một vị trí chính thức. Ngài trở thành Giám mục phụ tá của Giáo phận Giang Tây – một lãnh thổ bao gồm nhiều đất đai và nhà thờ hơn nhiều so với vị trí ban đầu của ngài.

Rõ ràng, chúng ta không đề cập đến việc tấn phong Giám mục mà không có sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng. Đây có lẽ sẽ là mục đích của thỏa thuận. Thay vào đó, Bắc Kinh đã dàn xếp việc công nhận chính thức một Giám mục hầm trú thông qua việc thuyên chuyển ngài đến một Giáo phận được Bắc Kinh công nhận.

Với động thái này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết: “Hãy nhìn xem, cuối cùng chúng tôi cũng đã công nhận một trong số các vị Giám chức, như quý vị đã yêu cầu trong nhiều năm. Tại sao quý vị cứ vẫn phàn nàn?”.

Nhưng, tất nhiên, đây cũng là một sự thử nghiệm đối với thỏa thuận. Phải chăng thỏa thuận Trung Quốc-Vatican chỉ đề cập đến việc tấn phong các Giám mục mới hay nó cũng điều chỉnh cách thức các Giám mục Trung Quốc có thể được thuyên chuyển đến các Giáo phận và các chức năng khác nhau? Vai trò chính xác của Vatican trong những thay đổi này là gì?

Thứ hai, sự bất bình của Vatican chủ yếu là về “Giáo phận Giang Tây”. Đối với Rôma, tỉnh miền trung Trung Quốc vẫn được chia thành 5 Giáo phận Công giáo và Phủ doãn Tông Tòa – như đã được thành lập trước năm 1949. Tuy nhiên, một số trên thực tế đã lỗi thời hoặc không có sức sống. Ở Giang Tây cũng như những nơi khác, chính quyền dân sự đã sáp nhập nhiều lãnh thổ Công giáo mà không cần sự chấp thuận của Vatican.

Hiện nay, Rôma giả vờ như không có gì thay đổi. Nhưng Bắc Kinh đang trở nên khá cứng rắn về bản đồ hành chính mà họ đã tạo ra trong những thập kỷ qua. Đây không phải là sự cởi mở để đàm phán. Và hai cường quốc đang trên đường đi đến sự thống nhất chung về số lượng và biên giới chính xác của các Giáo phận Công giáo Trung Quốc. Việc thuyên chuyển Đức Giám mục Bành đến một thực thể lãnh thổ chưa được Rôma công nhận là một lời nhắc nhở về điều này. Vấn đề tiếp theo là liệu thỏa thuận có liên quan đến việc phân định lãnh thổ của các Giáo phận Trung Quốc hay không và sẽ mất bao lâu để giải quyết vấn đề này.

Thứ ba, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta đang ở Giang Tây, một tỉnh còn khá thôn dã được bao quanh bởi các siêu đô thị như Quảng Châu, Vũ Hán, Hạ Môn và Hàng Châu. Điều này có nghĩa là rất nhiều dân số trẻ và doanh nhân đã rời khỏi tỉnh.

Giang Tây vẫn còn thôn dã hơn trong suy nghĩ của nó, và bối cảnh kinh tế xã hội này cũng tác động đến các cộng đồng Công giáo. Họ đã mất đi rất nhiều giáo dân trẻ trung hơn, linh hoạt và sáng tạo hơn. Nhiều người ở lại có tư duy chống lại sự thay đổi. Điều này cũng đúng một phần giữa các quan chức nhà nước địa phương, và điều này không làm giảm bớt việc thực hiện các chính sách tôn giáo ở địa phương.

Trong bối cảnh này và không có gì đáng ngạc nhiên, Giáo hội Công giáo địa phương từ lâu đã bị chia rẽ giữa một số phe phái hầm trú, mỗi phe phái tự xưng mình là Giáo hội Công giáo chân chính duy nhất. Trong nhiều năm, Đức Giám mục Bành đã được xác định là thuộc một trong những phe phái này. Hiện nay, chúng ta không biết các phe phái khác cảm nhận thế nào về sự thăng tiến đơn phương của vị Giám chức – và những lời bình luận từ Giang Tây phải được hiểu trong mối liên hệ với bối cảnh xã hội-Giáo hội này.

Với ba điểm này, chúng ta phải nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không vi phạm thỏa thuận. Đây là một cách giải thích khá thiển cận được thúc đẩy chủ yếu bởi những người chống lại nó. Đúng hơn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thử nghiệm thỏa thuận Trung Quốc-Vatican cũng như khí phách của Tòa Thánh. Nhưng sau 3 năm im lặng và trì trệ đáng lo ngại, kết hợp với sự kiểm soát hành chính ngày càng gia tăng trên tất cả các lĩnh vực xã hội, đây quả là một tin tức tốt lành.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như cuối cùng cũng được thúc đẩy để làm cho mọi thứ phát triển và làm rõ phạm vi của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican. Họ đang tích cực khuyến khích những cách thức mà Tòa Thánh muốn xác định ranh giới của các Giáo phận và thuyên chuyển các Giám mục. Nhiều vấn đề cần được làm rõ. Nói cách khác, sự tiến triển mới này nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không thể bỏ lỡ khu rừng Công giáo của Trung Quốc để tìm những cái cây của những cuộc bổ nhiệm Giám mục. Đây sẽ là chủ nghĩa giáo quyền lạc hậu.

Đồng thời, Rôma cũng đang thử nghiệm Bắc Kinh. Sau nhiều năm đàm phán rất thầm lặng và kín đáo sau những cánh cửa đóng kín, các vị Giám chức phụ trách các cuộc đàm phán dường như đã quyết định tiết lộ mọi việc diễn ra như thế nào. Họ dám công khai phản đối khi mọi việc không như họ mong muốn. Và chiến lược mới này đã được áp dụng kể từ vụ bắt giữ vô lý Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen) vào tháng Năm.

Nhưng như Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây đã nói với Thủ tướng Justin Trudeau, Bắc Kinh không thích khi những người đối thoại tiết lộ những chi tiết bí mật về các cuộc đàm phán đang diễn ra của họ. Tất nhiên, Rôma hoàn toàn biết điều đó. Vậy mà Vatican đã công bố thông tin một cách công khai. Hai ngày sau khi bổ nhiệm Đức Giám mục Bành, Tòa Thánh không chỉ công khai bày tỏ “sự ngạc nhiên và hối tiếc” mà còn tiết lộ chi tiết về những sự việc đang diễn ra. Nhưng điều này đã không được thực hiện thông qua một vụ rò rỉ được dàn dựng một phần. Thay vào đó, đây là một tuyên bố thẳng thắn và công khai vốn đang thử nghiệm cam kết đối thoại của Bắc Kinh.

Cuối cùng, khi nhiều vụ bê bối khác nhau ở Pháp và các nơi khác tiếp tục nhắc nhở chúng ta một cách đau đớn, chúng ta không thể quên rằng Vatican không nhất thiết phải là một hình mẫu về đạo đức và sự minh bạch khi đề cử, thuyên chuyển và thăng chức Giám mục. Không tham khảo ý kiến công chúng, và đôi khi bằng thẩm quyền, Tòa Thánh đã đề bạt các Giám mục phạm phải những tội lỗi nghiêm trọng lên các chức vụ giáo sĩ cao hơn. Những vị mục tử đáng hổ thẹn đó đã tạo ra một vụ bê bối lớn trong Giáo hội. Và điều này thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn khi các Giám mục, Hồng y và các tổ chức Công giáo đã cố gắng bao che cho họ. Vì thế, nếu hiểu được sự thất vọng và lo ngại của Tòa Thánh trước thái độ mập mờ của Bắc Kinh, chúng ta cũng không thể quên những sự việc đang xảy ra ở những nơi khác trong Giáo hội.

Dưới ánh sáng của “tinh thần đối thoại” được thúc đẩy bởi các vị Giám chức phụ trách các cuộc đàm phán Trung Quốc-Vatican, chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng Tòa Thánh sẽ sớm cải thiện cách thức riêng của mình để lựa chọn, thuyên chuyển và đề bạt các Giám mục. Đây là vấn đề chủ quyền và uy tín đối với toàn thể Giáo hội – không chỉ ở Trung Quốc!

Tóm lại, khi nói đến những bất đồng bất tận giữa Trung Quốc và Vatican vốn dường như kéo dài cuộc tranh cãi về nghi lễ Trung Quốc, chúng ta nên nhớ rằng chúng ta hầu như chỉ nghe từ một phía của câu chuyện. Nếu nhiều tín hiệu có vẻ đáng lo ngại, thì việc gia tăng các tuyên bố và các động thái chính trị-tôn giáo có thể được coi là một sự tiến triển tích cực. Cho dù chính quyền dân sự và tôn giáo có muốn hay không, mọi thứ vẫn đang tiến triển. Đời sống của Giáo hội cùng với những quy định, ở Trung Quốc cũng như các nơi khác, không thể cứ mãi bị đóng kín.

 Michel Chambon

** *Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm biên tập chính thức của UCA News.

Minh Tuệ (theo UCA News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết