Quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hợp Quốc đã tái khẳng định rằng Tòa Thánh ủng hộ một công ước ràng buộc về mặt pháp lý về tội ác chống lại nhân loại vốn tôn trọng các chuẩn mực quốc tế đã được thiết lập, duy trì các nguyên tắc công lý và đảm bảo sự hỗ trợ cho các nạn nhân, đồng thời tôn trọng chủ quyền quốc gia.
Trong khi Liên Hợp Quốc hoàn tất các cuộc thảo luận về việc thông qua Công ước về Phòng ngừa và Trừng phạt Tội ác chống lại Nhân loại, Tòa Thánh đã nhắc lại rằng văn bản pháp lý như vậy nên được xây dựng trên cơ sở luật tục hiện hành, “với mục đích bảo vệ phẩm giá của mỗi con người, thúc đẩy sự hợp tác quốc tế và chấm dứt tình trạng miễn trừ cho những kẻ phạm tội”.
Tiến trình kéo dài 5 năm
Không giống như tội ác chiến tranh, diệt chủng, tra tấn và cưỡng bức mất tích, hiện vẫn chưa có hiệp ước quốc tế nào dành riêng về tội ác chống lại nhân loại. Kể từ năm 2019, Liên Hợp Quốc đã nỗ lực xóa bỏ lỗ hổng này trong hệ thống tư pháp quốc tế và sau 2 năm tranh luận, Ủy ban thứ sáu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (UNGA) khóa 79 hiện dự kiến sẽ quyết định về một bộ “Điều khoản Dự thảo” và các khuyến nghị do Ủy ban Luật pháp Quốc tế của tổ chức đệ trình.
Phát biểu trước Ủy ban vào ngày 14 tháng 10, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hợp Quốc, đã nhắc lại sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với việc thông qua hiệp ước này.
Định nghĩa mờ hồ về giới trong văn bản dự thảo
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Caccia nhấn mạnh rằng bất kỳ định nghĩa nào về tội ác chống lại nhân loại cũng đều phải phù hợp với Luật tập quán quốc tế hiện hành, đặc biệt là các định nghĩa được nêu năm 2002 trong Quy chế Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), vì việc thay đổi có thể cản trở sự đồng thuận và hiệu quả của một văn bản pháp lý mới.
Trong bối cảnh này, Đức Tổng Giám mục Caccia bày tỏ quan ngại về việc “Điều khoản Dự thảo” không đưa ra định nghĩa rõ ràng về giới dựa trên thực tế sinh học của hai giới, điều mà theo ngài, sẽ làm suy yếu mọi nỗ lực truy tố những tội ác ảnh hưởng không cân xứng đến phụ nữ” như hiếp dâm, nô lệ tình dục và mại dâm cưỡng bức.
Tương tự như vậy, Tòa Thánh phản đối bất kỳ thay đổi nào đối với định nghĩa về việc cưỡng bức mang thai theo quy định tại Điều 7 của Quy chế ICC.
Chủ quyền và sự hợp tác của nhà nước
Đồng thời, Đức Tổng Giám mục Caccia tiếp tục, những nỗ lực nhằm ngăn ngừa và trừng phạt tội ác chống lại loài người phải tôn trọng chủ quyền của các quốc gia khác “trên cơ sở nguyên tắc bổ sung”, nghĩa là các quốc gia phải có trách nhiệm chính trong việc truy tố các tội ác chống lại loài người trong biên giới của mình và họ phải hợp tác với nhau trong việc dẫn độ thủ phạm và hỗ trợ các nạn nhân.
Quan sát viên thường trực của Vatican cũng nhấn mạnh thêm rằng bất kỳ văn bản pháp lý mới nào cũng phải duy trì các nguyên tắc về tính hợp pháp, quy trình tố tụng hợp lệ và nguyên tắc suy đoán vô tội. Vị Giám chức cũng lập luận rằng các cuộc đàm phán không nên đề cập đến quyền miễn trừ thủ tục của các viên chức công nước ngoài, vì quyền miễn trừ này xuất phát từ chủ quyền quốc gia và nguyên tắc không can thiệp, là rất quan trọng để duy trì quan hệ hòa bình giữa các quốc gia.
Đề cao phẩm giá con người
Đức Tổng Giám mục Caccia kêu gọi Công ước mới cho phép các quốc gia vốn đã bãi bỏ án tử hình từ chối dẫn độ những người bị cáo buộc phạm tội nếu họ có thể phải đối mặt với án tử hình. Ngài cũng khẳng định rằng không ai nên bị dẫn độ đến một khu vực tài phán nơi họ có nguy cơ phải chịu tội ác chống lại loài người, chịu tra tấn hoặc bị hành xử vô nhân đạo.
Đức Tổng Giám mục Caccia cũng nhấn mạnh thêm về sự cần thiết cần phải có văn bản mới để đảm bảo quyền được bồi thường và hỗ trợ của các nạn nhân nhằm tạo điều kiện để họ tái hòa nhập vào xã hội, với sự hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức tôn giáo khác, đặc biệt là khi sự hỗ trợ đó không có sẵn ở vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng.
Kết lời, Quan sát viên thường trực của Vatican nhấn mạnh rằng hiệp ước phải bảo vệ phẩm giá con người và thúc đẩy sự hợp tác quốc tế.
Thiên Ân (theo Vatican News)