VATICAN. Tòa Thánh kêu gọi quan tâm đến số phận của 1 triệu 200 ngàn người làm nghề biển trên thế giới.
Trong sứ điệp công bố hôm 8-7-2018, nhân dịp ”Chúa nhật Biển Cả”, ĐHY Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện, nhắc đến sự kiện 90% hàng hóa cần thiết cho đời sống thường nhật của con người, được chuyên chở bằng đường biển từ miền này sang miền khác trên thế giới. Công việc này đòi nhiều hy sinh từ phía những người làm nghề biển: nhiều người phải sống nhiều tháng trời trong những phòng chật hẹp trên các tàu chở hàng, xa cách gia đình và những người thân yêu, và tại nhiều hải cảng, họ thường không được lên bờ. Thời gian các tàu hàng dừng lại ở các cảng bị thu hẹp tối đa, khiến thủy thủ đoàn không có đủ thời giờ để nghỉ ngơi và giải trí. Nhiều khi các giới hữu trách biện minh cho biện pháp này vì những lý do an ninh hoặc vì những qui luật của xí nghiệp liên hệ.
Ngoài ra, nhiều khi các vị tuyên úy hoặc những người thiện nguyện thuộc các ban mục vụ dân biển không được phép lên tàu để viếng thăm và làm mục vụ cho các tín hữu làm công trên tàu.
Và mặc dù có một hiệp ước quốc tế về tiêu chuẩn tối thiểu trên biển, trong nhiều trường hợp, các công nhân làm nghề hàng hải bị lường gạt về vấn đề lương bổng hoặc bị bóc lột. Thêm vào đó, từ năm 2012 đến 2017, có 1.300 công nhân các tàu bị bỏ rơi vì những lý do khác nhau ở các cảng nước ngoài, không được nhiên liệu, lương thực hoặc lương bổng. Một điều tích cực là tình trạng an ninh trên biển cả tương đối được cải tiến.
Trong sứ điệp, Bộ Phát triển nhân bản toàn diện ca ngợi sự dấn thân của tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) chống lại sự ô nhiễm biển khơi vì những đống rác plastic và giảm bớt đồ phế thải của tàu.
Chúa nhật dân biển được đề ra hồi năm 1975 do sáng kiến của các vị tuyên úy Công Giáo, Anh giáo và các Giáo Hội tự do, nhắm lưu ý dư luận về số phận của những người làm nghề biển và các ngư phủ, để góp phần cải tiến.
Trong buổi đọc kinh Truyền Tin, trưa chúa nhật 8-7 vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô, ĐTC cũng nhắc đến Chúa nhật dân biển và nói: ”Tôi cầu nguyện cho họ và gia đình họ, cũng như cho các vị tuyên úy và những người thiện nguyện thuộc ”Tông Đồ Biển Cả”. Tôi đặc biệt nhớ đến những người đang sống trong những điều kiện làm việc không xứng đáng trên biển, cũng như những người dấn thân giải thoát các biển khỏi sự ô nhiễm” (KNA, Rei 8-7-2018)
G. Trần Đức Anh OP Radio Vatican