Tòa Thánh nói về việc trục xuất người nước ngoài: ‘Nhân quyền phải được đặt trước lợi ích quốc gia’

Người tị nạn Afghanistan ở Pakistan, đối mặt với việc bị trục xuất, quay trở lại biên giới (Ảnh: AFP)

Người tị nạn Afghanistan ở Pakistan, đối mặt với việc bị trục xuất, quay trở lại biên giới (Ảnh: AFP)

Đại diện Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc phát biểu trong một cuộc họp về việc trục xuất người nước ngoài rằng di cư là “một phản ứng tự nhiên của con người trước các cuộc khủng hoảng, dựa trên mong muốn chung của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở New York, đã phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về “Việc trục xuất người nước ngoài”.

Phát biểu tại cuộc họp của ủy ban thứ sáu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 78, Đức Tổng Giám mục Caccia lưu ý rằng những người tị nạn, người xin tị nạn, người di cư và nạn nhân của nạn buôn người bị đổ lỗi một cách bất công cho các vấn đề xã hội ngày nay.

Đức Tổng Giám mục Caccia nhắc lại rằng nhiều người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa vì bị đàn áp, bạo lực, thiên tai và nghèo đói.

“Di cư, trong những hoàn cảnh như vậy, là một phản ứng tự nhiên của con người trước các cuộc khủng hoảng, dựa trên mong muốn chung của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn”, Đức Tổng Giám mục Caccia nói.

Đặt quyền con người lên trên lợi ích quốc gia

Trong bài phát biểu của mình, Đức Tổng Giám mục Caccia đã bình luận về dự thảo Điều khoản của Ủy ban Luật pháp Quốc tế.

Vị Giám chức đã ca ngợi họ vì đã nhấn mạnh đến tính ưu việt của nhân quyền và phẩm giá con người so với lợi ích quốc gia.

Đức Tổng Giám mục Caccia đặc biệt hoan nghênh Điều 5, trong đó quy định rằng các biện pháp liên quan đến việc trục xuất người nước ngoài phải được thực hiện phù hợp với cả khuôn khổ pháp lý trong nước lẫn nghĩa vụ của Nhà nước theo luật pháp quốc tế.

Hạn chế hình phạt tử hình

Đức Tổng Giám mục Caccia bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Tòa Thánh đối với việc mở rộng nguyên tắc của Luật không gửi trả (tiếng Anh: Non-refoulement – ngăn cản các quốc gia trao trả các cá nhân cho một quốc gia nơi thực sự có nguy cơ bị đàn áp, tra tấn, đối xử vô nhân đạo hoặc hạ thấp phẩm giá), cũng như hạn chế dần dần hình phạt tử hình.

Đức Tổng Giám mục Caccia đặc biệt hoan nghênh các đoạn văn về việc cấm trục xuất người nước ngoài đến các quốc gia có nguy cơ thực sự là họ sẽ phải chịu án tử hình.

Đức Tổng Giám mục Caccia nhấn mạnh rằng không ai bị trục xuất, bị trả lại hoặc bị dẫn độ sang một quốc gia khác, nơi tính mạng hoặc sự toàn vẹn thể lý của họ sẽ bị đe dọa.

Đức Tổng Giám mục Caccia chỉ ra rằng phẩm giá của mỗi người bị trục xuất phải được tôn trọng và việc giam giữ phải là một ngoại lệ, chứ không phải là quy tắc.

“Nó cần được quản lý bởi các tiêu chí được xác định rõ ràng. Nó không mang tính độc đoán, không nhằm mục đích trừng phạt và hoàn toàn tôn trọng nhân quyền”, Đức Tổng Giám mục Caccia lưu ý.

Lợi ích của trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu

Một trong những điều dự thảo mà Đức Tổng Giám mục Caccia chỉ ra là Điều 18, trong đó nói rằng quyền ưu tiên cao nhất phải dành cho quyền sống gia đình và ngăn ngừa sự ly tán trong gia đình. Ngoài ra, Điều 18 quy định rằng mọi quyết định phải được xác định vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Đức Tổng Giám mục Caccia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp các quyền trọng yếu và các cơ chế thủ tục cần thiết cho những người nước ngoài đang phải đối mặt với việc bị trục xuất.

Số người bị loại trừ xã hội và đau khổ ngày càng tăng

Đức Tổng Giám mục Caccia lưu ý rằng số người bị gạt ra bên lề xã hội và đau khổ đang gia tăng cùng với các cuộc xung đột trên khắp thế giới.

“Chúng ta cần phải đưa ra những quyết định quan trọng khi chúng ta phải đối mặt với những xung đột ở nhiều nơi trên thế giới”, Đức Tổng Giám mục Caccia nói.

Đức Tổng Giám mục Caccia bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn của Tòa Thánh đối với việc thông qua một văn kiện ràng buộc quốc tế giải quyết việc trục xuất người nước ngoài, cũng như việc thành lập một ủy ban đặc biệt hoặc một nhóm làm việc mở rộng mở cho tất cả các quốc gia, để đàm phán một văn kiện như vậy.

Vì vậy, những chuẩn mực chung và tiêu chuẩn rõ ràng có thể được xây dựng về vấn đề nhạy cảm đang ảnh hưởng đến vô số người như vậy.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết