Toà Thánh đã kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn đối với những nhu cầu của người cao tuổi trong việc tôn trọng phẩm giá vốn có của họ.
Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Sứ Thần Toà Thánh tại LHQ, đã đưa ra lời kêu gọi trong một nhóm làm việc về người cao tuổi, có tựa đề “Các biện pháp tăng cường đóng góp của người cao tuổi đối với sự phát triển của xã hội”.
“Việc tập trung nhiều hơn đối với sự đóng góp của người cao tuổi vào sự phát triển cần được kết hợp với sự chú ý hơn đến các nhu cầu của họ”, Đức TGM Auza nói.
Đức Tổng Giám Mục Auza cho biết: “Các bậc cao niên ở giữa chúng ta rất dễ lâm vào cảnh nghèo đói, bệnh tật, suy nhược, cô lập xã hội, bị bạo lực, bỏ rơi, bị lạm dụng và thiếu sự cung ứng đầy đủ thực phẩm, nhà ở không đường hoàng, việc chăm sóc sức khoẻ kém chất lượng, không có các phương tiện liên lạc đáng tin cậy và việc nuôi dưỡng tình bằng hữu”.
Dưới đây là phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Auza:
Phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Sứ Thần Tòa Thánh, Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc, tại Kỳ họp thứ 8 của Nhóm Công tác về Người cao tuổi (5):
Các biện pháp tăng cường sự đóng góp của Người cao tuổi vào sự Phát triển Xã hội
New York, 5-7 tháng 7 năm 2017
Thưa ngài Chủ tịch,
Toà Thánh tận dụng Kỳ họp thứ 8 này của Nhóm làm việc không hạn chế về Người cao tuổi nhằm đổi mới cam kết thúc đẩy việc tôn trọng phẩm giá vốn có của người cao tuổi.
Do dân số cao tuổi và ngày một già đi trên thế giới tăng nhanh, cả về số lượng lẫn tỷ lệ phần trăm dân số thế giới, thì việc chú ý đến những người đang lão hóa và những người cao tuổi trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Sự cần thiết phải xây dựng các biện pháp cụ thể và thực tế để đảm bảo rằng quyền con người của những người cao tuổi được bảo vệ và nhu cầu của họ được đáp ứng chính là một ưu tiên hàng đầu. Như ĐTC Phanxicô đã lưu ý rằng “Nhờ sự tiến bộ của y học, tuổi thọ con người đã tăng lên, nhưng xã hội lại không “trở nên cởi mở” đối với sự sống! Số người cao tuổi đã tăng lên gấp bội, thế nhưng xã hội của chúng ta lại không được tổ chức đủ tốt để tạo không gian cho họ, với sự tôn trọng đúng đắn và sự quan tâm thiết thực đối với sự yếu đuối cũng như phẩm giá của họ” (1). Phái đoàn của tôi hy vọng rằng phiên họp này của Nhóm làm việc không giới hạn về Người cao tuổi sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm thúc đẩy các biện pháp đáp ứng tốt hơn cho các nhu cầu của những người đang lão hóa và những người cao tuổi.
Các bậc cao niên ở giữa chúng ta rất dễ lâm vào cảnh nghèo đói, bệnh tật, suy nhược, cô lập xã hội, bạo lực, bỏ rơi, lạm dụng, và thiếu tiếp cận với thực phẩm đầy đủ, nhà ở đường hoàng, việc chăm sóc sức khoẻ có chất lượng, các phương tiện liên lạc đáng tin cậy và việc nuôi dưỡng tình bằng hữu. Họ cũng phải chịu đựng những khó khăn phát sinh từ thiên tai, các cuộc xung đột vũ trang và các cuộc khủng hoảng tài chính, vì việc tiếp cận của họ với các dịch vụ khẩn cấp trở nên bị giới hạn bởi việc di chuyển kém hơn và các yếu tố khác liên quan đến tuổi tác. Ngoài ra, cần phải đặc biệt chú ý đến thực tế là trong số những người cao tuổi, có những người đang cần phải được giúp đỡ nhiều hơn và có thể dễ dàng bị bỏ quên và bị gạt ra ngoài.
Thưa ngài Chủ tịch,
Phái đoàn của tôi hoan nghênh chủ đề được lựa chọn cho cuộc thảo luận này, “Sự tham gia tích cực của người cao tuổi vào sự phát triển xã hội”. Chúng ta thường thấy những người già bị loại trừ khỏi việc tham gia tích cực vào xã hội và sự phát triển, khi sự khôn ngoan của những năm tháng thực sự – như ĐTC Phanxicô đã nói – là “hồ chứa trí tuệ cho dân tộc chúng ta” (2). Các chính sách, những thông lệ và định kiến có thể gạt những người cao tuổi ra bên lề xã hội, họ là những người đã từng là trung tâm của các gia đình và các cộng đồng của chúng ta. Những nỗ lực của chúng ta trong tuần này là phải giải quyết vấn đề ấy và đồng thời đảm bảo rằng, thông qua việc tham gia tốt hơn của những người cao tuổi vào sự phát triển và đời sống của cộng đồng xã hội, chúng ta có thể vượt qua điều mà ĐTC Phanxicô đã lên án, “những thiếu sót của một xã hội được lập trình sẵn khả năng bỏ quên những người cao tuổi” (3). Do đó, cần phải có các chính sách thực tiễn nhằm tăng cường việc tham gia chính trị tích cực của người cao tuổi, sự tham gia của họ vào quá trình đưa ra quyết định, vai trò của họ như là những người đóng góp cho nền kinh tế, việc tham gia rộng rãi vào thị trường lao động, khả năng để được tận hưởng việc nghỉ hưu lành mạnh và an toàn ở một độ tuổi thích hợp, cũng như việc tiếp cận với việc huấn luyện thường xuyên và việc giáo dục cả đời.
Thưa ngài Chủ tịch,
Việc tập trung nhiều hơn vào sự đóng góp của người cao tuổi cho sự phát triển cần được kết hợp với việc chú ý hơn đến những nhu cầu của họ. Những người già nhất sống với bệnh tật, yếu đuối, suy nhược, cô lập, hoặc suy giảm nhận thức có thể không có khả năng đóng góp vào sự phát triển, tuy nhiên họ đang ở trong thời điểm cần thiết được giúp đỡ nhất. Sự yếu đuối nhất của những người cao tuổi, ĐTC Phanxicô lo ngại, đó chính là “bị ném ra ngoài” bởi một thái độ vốn cho rằng, “họ không còn cần thiết nữa, và những thứ không cần thiết sẽ bị ném đi. Những gì không cho năng xuất sẽ bị phế bỏ” (4).
Chúng tôi quan sát thấy điều này qua việc bỏ rơi và lạm dụng đối với những người cao tuổi, thiếu các nguồn lực tài chính được phân bổ cho việc chăm sóc người cao tuổi, thiếu sự liên đới liên thế hệ, và việc chấp nhận ngày càng tăng đối với vấn đề an tử cũng như các biện pháp khác vốn nhắm vào “người tiêu dùng các dịch vụ” chứ không còn đóng góp cho sự giàu có thế hệ.
Xin cám ơn ngài Chủ tịch.
(1) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Buổi Tiếp kiến chung, ngày 4/3/2015
(2) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Buổi Tiếp kiến chung, ngày 4/3/2015
(3) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Buổi Tiếp kiến chung, ngày 4/3/2015
(4) Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài phát biểu của ĐTC Phanxicô với Cộng đồng Sant’Egidio, ngày 15 tháng 6 năm 2014.