Hôm 29 tháng 10 năm 2018, Tòa Thánh đã khẳng định mối bận tâm của mình đối với việc chăm sóc các đại dương, đồng thời lưu ý đến các vấn đề chẳng hạn như ô nhiễm, việc quản lý tài nguyên, nạn buôn bán người, vấn đề di cư và mực nước dâng cao.
Các mối bận tâm đã được thể hiện bởi Đức Tổng Giám Mục Piero Pioppo, Sứ Thần Tòa Thánh tại Indonesia và người đứng đầu phái đoàn Tòa Thánh, tại hội thảo “Đại dương, Di sản của chúng ta”, diễn ra tại Bali, Indonesia, từ ngày 29 đến 30 tháng 10 năm 2018.
Dưới đây là bài phát biểu của Đức TGM Piero Pioppo:
Thưa ngài chủ tịch,
Phái đoàn Tòa Thánh vui mừng khi được tham gia cùng với tất cả các quốc gia và các tổ chức vốn tiếp tục ủng hộ chu kỳ “Đại dương của chúng ta” của Hội nghị, với một sự đánh giá đặc biệt đối với những nỗ lực để làm cho nó được trở nên “xuyên suốt”, nỗ lực kêu gọi sự tham gia của các nhân tố khác nhau.
Tôi muốn cảm ơn Chính phủ Indonesia vì đã tổ chức Hội nghị này. Indonesia, do vị trí địa lý cụ thể và lịch sử của nó, là một trong những quốc gia vốn có thể chứng minh rõ ràng về việc những vấn đề liên quan đến các đại dương là vô cùng phức tạp và có sự kết nối với nhau. Thật vậy, đại dương đòi hỏi sự chú ý của chúng ta cũng như sự sẵn sàng hợp tác để thực hiện, một mặt, một cách tiếp cận liên ngành nghiêm túc, và mặt khác, nguyên tắc bỏ trợ, liên quan đến các bối cảnh địa phương, quốc gia và khu vực cũng như cấp độ quốc tế. Mục tiêu chung đó chính là đảm bảo việc bảo vệ thực sự đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển được mô tả như là “di sản chung của nhân loại”.
Cách tiếp cận đa ngành và liên ngành mà chúng ta nên áp dụng đối với chủ đề đại dương trở nên cần thiết hơn bao giờ hết khi chúng ta nhận ra rằng chúng được đề cập cụ thể trong Mục tiêu Phát triển Bền vững 14 (SDG 14) “để bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển vì sự phát triển bền vững” và vốn đã được kết nối với các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác. Về vấn đề này, nó có thể trở nên hữu ích để phát triển mối quan hệ giữa chủ đề đại dương và Mục tiêu Phát triển Bền vững 16 vốn liên quan đến việc thúc đẩy “các xã hội hòa bình và hòa nhập vì sự phát triển bền vững”. Thật vậy, một cách tiếp cận toàn diện với sự tham gia của tất cả mọi người chỉ có thể có được những lợi ích tích cực đối với việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và đặc biệt là đối với các đại dương và khu vực ven biển.
Thưa ngài chủ tịch,
Vấn đề về biển là hết sức quan trọng đối với Tòa Thánh và Giáo hội Công giáo. Điều này được thể hiện trong nhiều sáng kiến do Giáo hội thực hiện, trong số những thứ khác, bao gồm: các hình thức hỗ trợ khác nhau dành cho các thuyền viên; việc hỗ trợ phát triển cộng đồng ngư dân và việc bảo vệ quyền lợi của họ; công việc không ngừng ủng hộ những người di cư ở nhiều quốc gia; các hoạt động với các cộng đồng đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao; cũng như việc nâng cao nhận thức về những sáng kiến có nguy cơ gây tổn hại đến đáy biển.
Thật vậy, đáng chú ý là sự quan tâm và các hoạt động liên quan đến đại dương đã gia tăng một cách đáng kể. Chẳng hạn như, việc lưu tâm đến thực tế của dòng người di cư, việc thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên biển, cũng như những vấn đề liên quan đến thương mại và vận tải biển. Để những lợi ích và hoạt động này thực sự phục vụ vấn đề công ích chung, của toàn thể gia đình nhân loại cũng như sự phát triển toàn diện và hài hòa của mỗi người và của mỗi cộng đồng, điều quan trọng là chúng phải được hướng dẫn bởi các nguyên tắc luân lý. Đặc biệt, một nghành nhân chủng học lành mạnh phải soi sáng cho mối quan hệ của chúng ta với món quà tuyệt vời và ấn tượng này – các đại dương.
Người ta không được giới hạn tầm nhìn về các đại dương vốn được đóng khung chỉ bởi công nghệ, bởi những lo ngại về vấn đề an ninh, hoặc bằng cách tìm kiếm lợi nhuận. Quả là sẽ không đủ ngay cả khi tập trung hoàn toàn vào vấn đề đa dạng sinh học và hệ sinh thái nếu như vai trò của con người bị bỏ qua một bên. Hơn nữa, chúng ta cần phải giải quyết các mối đe dọa đối với các đại dương của chúng ta một cách can đảm và cân xứng. Thông thường, nguyên nhân của những mối đe dọa này được tìm thấy trên đất liền: việc di cư nguy hiểm và bị ép buộc, tai họa của nhiều hình thức khác nhau của tội ác buôn người và vấn đề ô nhiễm biển. Hãy suy nghĩ về những vấn đề gây ra bởi tình trạng lãng phí các sản phẩm hóa chất và nhựa.
Trong việc quản lý các nguồn tài nguyên biển và đại dương, cần phải sử dụng các hành vi có trách nhiệm, cũng như tạo điều kiện cho việc hỗ trợ và hợp tác cần thiết vì sự phát triển của các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất và đồng thời bảo đảm việc giám sát hiệu quả các cam kết được thực hiện để bảo vệ an sinh nhân loại và đa dạng sinh học.
Từ quan điểm này, điều này không nên bị lãng quên, như đã được trình bày trong Sứ điệp của Đức Thánh Cha với Hội nghị Đại dương trước đây của chúng ta, rằng “các đại dương nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết cần phải giáo dục đối với giao ước giữa nhân loại và môi trường (xem Thông điệp Laudato Si’, số 209-215). Về vấn đề này, mọi nỗ lực cần được thực hiện để đào tạo những người trẻ tuổi về việc chăm sóc cho các đại dương, cũng như, ở bất cứ nơi nào có thể, giúp họ phát triển về mặt kiến thức, sự đánh giá cao và chiêm ngưỡng trước sự bao la vô tận và vĩ đại của các đại dương. Bởi vì việc chiêm ngắm công trình sáng tạo có thể dạy cho chúng ta những bài học quý giá và trở thành nguồn cảm hứng bất tận (xem Thông điệp Laudato Si’, số 85)” (Thông điệp thay mặt Đức Thánh Cha tại Hội nghị lần thứ tư ‘Các Đại dương của chúng ta’, Malta, ngày 5 tháng 10 năm 2017) .
Minh Tuệ chuyển ngữ