Tòa Thánh kêu gọi trách nhiệm đi kèm với tự do báo chí

  • Tin tức
  • Chúa Nhật, 12-03-2017 | 16:45:21

Đại diện của Tòa Thánh tại Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) hôm thứ năm cho biết quyền tự do báo chí đòi hỏi ‘trách nhiệm cao cả’.

20170312 bao chiĐức Ông Janusz S. Urbańczyk nói với OSCE rằng “điều quan trọng cần nhấn mạnh là vai trò quan trọng của giới truyền thông đi kèm với trách nhiệm cao. Bởi vì, mọi quyền – chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận – đều có các nghĩa vụ đi kèm”.

Phát biểu ngay sau phần trình bày báo cáo của đại diện OSCE về tự do báo chí, Đức Ông Urbańczyk đã trích dẫn bài phát biểu của Đức Thánh cha Phanxicô cho các nhà báo vào tháng 9 năm 2016: “Trong cuộc sống không phải mọi thứ đều đen hoặc trắng. Ngay cả trong báo chí, bạn phải biết làm thế nào để phân định màu xám của các sự kiện mà bạn được kêu gọi truyền tải … Đây là công việc – chúng tôi cũng có thể nói là một sứ vụ, khó khăn và đồng thời rất cần thiết – của một nhà báo: đến càng gần sự thật của sự việc càng tốt và không bao giờ nói hoặc viết bất cứ điều gì, theo lương tâm, được cho là không đúng sự thật. “

Dưới đây là toàn bài phát biểu của Đức Ông Urbańczyk’ :

“Cùng các diễn giả đã phát biểu trước, tôi xin cảm ơn bà Dunja Mijatović về lần cuối cùng bà thực hiện bản báo cáo sâu sắc, như mọi khi, cho Hội đồng Thường trực, về các hoạt động của Văn phòng Đại diện OSCE về Tự do Báo chí.

Phái đoàn của tôi chia sẻ một cách đặc biệt mối quan tâm của RFoM về tự do ngôn luận, truyền thông tự do và thông tin tự do. Đồng thời, Tòa Thánh xác tín, như Đức Giáo hoàng đã nhấn mạnh trong suốt buổi tiếp kiến Hội đồng Báo chí Quốc gia Italia vào ngày 22 tháng 9 năm 2016, rằng “nhà báo có một vai trò rất quan trọng và đồng thời là một vai trò trách nhiệm to lớn. Theo cách nào đó bạn [các nhà báo] viết dự thảo đầu tiên của lịch sử, khi xây dựng chương trình nghị sự tin tức và giới thiệu cho mọi người cách hiểu các sự kiện”.

Về mặt này, cần nhấn mạnh rằng tầm quan trọng của giới truyền thông luôn đi kèm với trách nhiệm to lớn. Bởi vì, mọi quyền – chẳng hạn như quyền tự do diễn đạt – đều có các nghĩa vụ đi kèm. Trên thực tế, tiêu chuẩn nghề nghiệp và đạo đức giữa các nhà báo không hạn chế hoặc làm suy giảm sự nghiệp truyền thông, nhưng giúp họ thực hiện trách nhiệm cao cả, một việc làm quan trọng vì lợi ích của tất cả mọi người, điều mà RFoM đã chú ý trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Trong cuộc gặp gỡ nói trên với các nhà báo, Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm rằng: “Trong cuộc sống không phải mọi thứ đều màu đen hoặc trắng. Ngay cả trong báo chí, bạn phải biết làm thế nào để phân định màu xám của các sự kiện mà bạn được kêu gọi truyền tải. Các cuộc tranh luận về chính trị, và thậm chí là nhiều tình huống xung đột, hiếm khi là kết quả của những động lực riêng biệt rõ ràng, nơi nó có thể được công nhận một cách dứt khoát và rõ ràng là ai sai và ai đúng. Cuối cùng, mâu thuẫn và kể cả xung đột, rõ ràng xuất phát từ sự khó khăn của việc tìm kiếm sự đúng đắn giữa các lập trường khác nhau. Đây là công việc- chúng tôi cũng có thể nói là sứ vụ, vừa khó khăn vừa cần thiết – của một nhà báo: càng đến gần sự thật của sự việc càng tốt và không bao giờ nói hoặc viết bất cứ điều gì, theo lương tâm, được cho là không đúng sự thật”.

Hơn nữa, nói về sứ mệnh quan trọng của các nhà báo – là phục vụ như một công cụ hòa giải và gặp gỡ – Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Tôi hy vọng báo chí ngày càng trở thành công cụ kiến tạo, xây dựng công ích, thúc đẩy các tiến trình hoà giải; chớ gì báo chí vượt qua những cám dỗ thúc đẩy xung đột bằng một ngôn ngữ bôi nhọ một bên trong các bên của sự việc; thay vào đó, chớ gì nó có thể tạo thuận lợi cho nền văn hóa gặp gỡ”.

Vì đây là lần cuối cùng bà Mijatović trình bày báo cáo với Hội đồng Thường trực trong tư cách là Đại diện của OSCE về Tự do Báo chí, nên Toà Thánh nhân cơ hội này xin bày tỏ sự công nhận các dấn thân và các thành tựu mà bà đã mang lại cho OSCE và các quốc gia tham gia, không chỉ đối với tự do của giới truyền thông nói chung mà còn đối với các nhà báo và sự an toàn của họ nói riêng. Tôi cũng thay mặt phái đoàn xin cảm ơn Bà Mijatović, vì sự hiểu biết sâu rộng, tính chuyên nghiệp và công việc nghiêm túc mà bà đã chứng tỏ trong suốt bảy năm phục vụ của bà cho Tổ chức này, và tôi chúc bà những điều tốt đẹp nhất  trong những nỗ lực tương lai.

Tôi cũng muốn nhân cơ hội này nói lên lòng biết ơn của Tòa Thánh đối với ngài Chủ tịch Áo quốc, vì những nỗ lực liên tục của ngài để bảo đảm việc bổ nhiệm một đại diện mới về Tự do Báo chí, cũng như bày tỏ hy vọng rằng việc bổ nhiệm này có thể được thực hiện càng sớm càng tốt và vị Đại diện trong tương lai sẽ thực hiện nhiệm vụ quan trọng của Văn phòng vì lợi ích của tất cả các quốc gia tham gia”.

Thiện Đạt

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết