Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đảm bảo với các tham dự viên tại Diễn đàn Toàn cầu về việc Giảm rủi ro thiên tai rằng Toà Thánh đã sẵn sàng đưa ra những đóng góp cụ thể khi Diễn đàn hoạt động nhằm đáp ứng trước những thách đố khẩn cấp trước mắt chúng ta.
Trong một bức thư gửi cho Tổng thống Mexico, người đang giám sát Diễn đàn Toàn cầu đang diễn ra năm nay tại Cancun, ĐHY Pietro Parolin phát biểu rằng “thay mặt cho ĐTC Phanxicô, tôi muốn bày tỏ hy vọng rằng công việc của Diễn đàn Toàn cầu sẽ được chứng minh là hữu ích, mang lại nhiều hoa trái cũng như hiệu quả để cho phép [chúng ta] cùng nhau tay trong tay kiên cường với việc phát triển một sự hợp tác chân chính, có trách nhiệm và huynh đệ dựa trên công ích”.
Diễn đàn này, với sự tham gia của hơn 5.000 chuyên gia, bao gồm các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà quản lý rủi ro thiên tai, là sự kiện hàng đầu thế giới quy tụ các bên liên quan [tìm] cam kết đối với việc giảm thiểu rủi ro thiên tai và xây dựng khả năng phục hồi của các cộng đồng và các quốc gia.
Trong bức thư của mình, ĐHY Parolin nhắc lại việc thông qua ba kế hoạch hành động vào năm 2015 mà ngài cho là có tương quan sâu sắc và quan trọng đối với tương lai của nhân loại: Khuôn khổ hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Chương trình nghị sự Phát triển Bền vững và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Năm 2017 – ĐHY Parolin chỉ ra – đại diện cho một bước tiến quan trọng trong quá trình xác định các biện pháp cụ thể và hiệu quả nhất đối với việc thực hiện các kế hoạch này.
ĐHY Parolin nhấn mạnh rằng một trong những thách thức chính đó chính là việc tích hợp các hoạt động nhằm giảm thiểu nguy cơ thảm hoạ với các sáng kiến nhằm thúc đẩy việc phát triển con người toàn diện, xóa đói giảm nghèo cũng như việc loại trừ xã hội, giảm thiểu việc biến đổi khí hậu và để thích ứng với những thay đổi ấy.
ĐHY Parolin nhiều lần trích dẫn từ các Thông điệp và các bài giảng của ĐTC Phanxicô cũng như các bài phát biểu tại các buổi Hội thảo về những vấn đề liên quan đến môi trường, và đồng thời cho rằng cần phải tính đến thứ tự chính xác đối với các ưu tiên, chẳng hạn như việc chống đói nghèo, việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc thừa nhận phẩm giá con người cũng như tính trung tâm của con người.
ĐHY Parolin nhấn mạnh rằng việc thực hiện đúng ba văn kiện nêu trên đòi hỏi một sự thay đổi về tinh thần cũng như lối sống, chỉ ra việc ám ảnh với lối sống tiêu thụ, đặc biệt là khi ít người có khả năng duy trì lối sống ấy [thì] chỉ có thể dẫn đến bạo lực và việc hủy hoại lẫn nhau.
Dưới đây là nội dung bức thư của ĐHY Parolin:
Kính thưa ngài Enrique Peña Nieto,
Tổng thống Mexico
Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu năm 2017 về việc Giảm rủi ro thiên tai.
(Cancún, 22-26 tháng 5 năm 2017)
Kính thưa ngài Tổng thống,
Cộng đồng quốc tế đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc phòng ngừa và việc phục hồi. Thật vậy, năm 2015 đã chứng kiến việc thông qua ba hiệp định, ba Kế hoạch hành động, tất cả đều liên quan chặt chẽ và quan trọng đối với tương lai của nhân loại: Khuôn khổ hành động Sendai về Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai năm 2015-2030, Chương trình nghị sự năm 2030 về Phát triển Bền vững và Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu. Năm 2017 là một bước tiến quan trọng trong quá trình xác định các biện pháp cụ thể và hiệu quả nhất đối với việc thực hiện các kế hoạch này.
Quá trình này là một trong những thách thức lớn của việc kết hợp các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai với các sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển con người toàn diện, xóa đói giảm nghèo cũng như việc loại trừ xã hội, giảm thiểu vấn đề biến đổi khí hậu và thích nghi với những thay đổi ấy.
Theo quan điểm trên, tôi muốn nhấn mạnh ba lĩnh vực quan tâm đặc biệt đối với các chủ đề cụ thể của Hội nghị này: Giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Trước tiên, cần phải tăng cường công tác phòng ngừa, giáo dục và đào tạo nhằm giảm thiểu những tổn thất về con người, cũng như về vấn đề vật chất và kinh tế do thiên tai gây ra. Những điều này, như chúng ta biết, thường là kết quả của việc quản lý yếu kém và đã trở nên trầm trọng hơn do các kế hoạch không đầy đủ, vốn đã không tính đến thứ tự ưu tiên chính xác. Việc nâng cao nhận thức về những rủi ro gây ra bởi các mối đe dọa tự nhiên đòi hỏi sự chú ý cẩn thận nhằm nâng cao nhận thức đối với những rủi ro này cũng như những khả năng khác nhau để có thể ngăn ngừa chúng. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc quản lý tốt hơn ở một số lĩnh vực. Tôi thiết nghĩ, chẳng hạn như về việc quản lý các nguồn nước (xem ĐTC Phanxicô, Diễn văn tại Diễn đàn về Quyền con người đối với nước, ngày 24 tháng 2 năm 2017), một nguồn tài nguyên quý giá cũng chính là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra các thảm họa tự nhiên. Nhiều chương trình giáo dục và cơ chế cảnh báo sớm hiện nay đã tồn tại; đã được vận dụng hiệu quả, điều này có thể làm giảm thiểu đáng kể những thiệt hại đối với cuộc sống con người do thiên tai và đồng thời hình thành một văn hoá đích thực đối với việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai cũng như khả năng phục hồi ở cấp độ toàn cầu và địa phương. Một nền văn hoá như vậy sẽ cải thiện cách đáng kể những nỗ lực chống đói nghèo và ứng phó với việc biến đổi khí hậu, đó là chưa nói đến việc thúc đẩy sự thừa nhận phẩm giá con người cũng như tính trung tâm của con người.
Một vấn đề đáng lo ngại nữa là nhu cầu cấp bách đối với các quá trình nâng cao nhận thức như vậy để đặc biệt chú ý đến những người dễ bị tổn thương nhất. Người nghèo thường phải hứng chịu thiên tai nhiều nhất, gây ra sự bất ổn cũng như kém an toàn cho các nền kinh tế và xã hội, đồng thời tấn công các môi trường sống hoặc những nơi cư ngụ vốn đã bấp bênh. Cần khuyến khích những người này trực tiếp tham gia vào các chương trình đào tạo, chia sẻ kiến thức và nâng cao nhận thức trong các lĩnh vực ngăn ngừa và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Đồng thời, cùng với công tác phòng ngừa, cần phải chú ý hơn nữa đến cách phản ứng của chúng ta đối với tác động của thiên tai, vốn không cần phải nói, đòi hỏi sự hỗ trợ về vật chất, mà còn [đòi hỏi] cả sự hỗ trợ về con người và tinh thần. Việc đánh giá “thiệt hại” do thiên tai gây ra cần phải tính đến những “thiệt hại nội tâm”, sự đau khổ của những người đã mất đi những người thân yêu và đã chứng kiến những hy sinh của cả một đời người đã trôi qua” (ĐTC Phanxicô, Phát biểu tại Mirandola , Ý, ngày 2 tháng 4 năm 2017). Vì vậy, những nỗ lực toàn diện nhằm khôi phục lại điều kiện sống xứng đáng cho những người bị ảnh hưởng bởi những thảm họa có tầm quan trọng như vậy.
Một lĩnh vực quan tâm thứ ba liên quan đến việc công nhận rằng các nạn nhân và những người dễ bị tổn thương nhất đóng vai trò thiết yếu trong các quá trình phòng ngừa, ứng phó và tái thiết. Họ là những người có mối bận tâm lớn nhất trong các kế hoạch dài hạn để tránh nguy cơ của các thiên tai. Năng lực của các cộng đồng địa phương trong việc tự huy động không bao giờ được đánh giá thấp trong các tình huống thảm khốc. Các truyền thống tôn giáo và văn hoá cũng đóng một vai trò quan trọng và đại diện cho một nguồn lực phong phú đối với công việc phục hồi. Tất cả những điều này đòi hỏi sự tham gia rộng rãi, hợp tác, hội nhập và đối thoại giữa tất cả các bên, nhất là trong cộng đồng địa phương, bao gồm cả người dân bản địa. Những mối bận tâm này chính là trọng tâm của Diễn đàn Toàn cầu về Giảm rủi ro thiên tai, nhằm mục đích xác định và chia sẻ các giải pháp sáng tạo đối với một cách tiếp cận toàn diện ở mọi cấp độ, từ địa phương đến quốc tế.
Việc thực hiện chính xác ba văn kiện nêu trên đòi hỏi sự thay đổi về tinh thần cũng như về lối sống. Khi chúng ta nhìn về tương lai của nhân loại, chúng ta không thể tự giới hạn mình vào các lĩnh vực kỹ thuật hoặc các lĩnh vực cụ thể. Chúng ta đang thực hiện các giá trị chia sẻ, trách nhiệm cũng như thể hiện tinh thần liên đới liên quan đến lợi ích của toàn thể gia đình nhân loại. Như ĐTC Phanxicô đã nhận thấy, rằng: “khi người ta trở nên tự xem mình là trung tâm và trở nên độc lập, thì lòng tham của họ càng gia tăng … Vì vậy, mối bận tâm của chúng ta không chỉ giới hạn trong mối đe doạ về các sự kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc các thảm họa thiên tai khủng khiếp mà còn phải bận tâm đến những hậu quả thảm khốc của những bất ổn xã hội. Nỗi ám ảnh với lối sống tiêu thụ, nhất là khi có ít người có khả năng duy trì nó, chỉ có thể dẫn đến bạo lực và việc phá hoại lẫn nhau “(Thông điệp Laudato Si’, số 204).
Thay mặt cho ĐTC Phanxicô, tôi muốn bày tỏ hy vọng rằng công việc của Diễn đàn Toàn cầu này sẽ trở nên hữu ích, mang lại nhiều hoa trái và hiệu quả để giúp cho việc phục hồi có thể đi đôi với sự phát triển với một sự hợp tác chân chính, có trách nhiệm và đầy tình huynh đệ được đặt nền tảng trên vấn đề công ích. Về vấn đề này, Tòa Thánh sẵn sàng đưa ra những đóng góp cụ thể của riêng mình.
Tôi vinh dự được truyền đạt tới ngài Tổng thống cũng như tất cả các tham dự viên tham dự Diễn đàn quan trọng này, lời cầu chúc tốt đẹp nhất của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với sự thành công của các cuộc thảo luận, đồng thời tin tưởng rằng chúng sẽ dẫn đến những nỗ lực quyết tâm hơn để có thể đối diện với những thách thức trước mắt chúng ta với tinh thần liên đới cũng như những mối bận tâm chung hơn bao giờ hết.
Trân trọng,
Pietro Parolin
Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh
Minh Tuệ chuyển ngữ