
Đức Ông David Charters – Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc
Vào ngày 17 tháng 2, Đức Ông David Charters, Đại biện lâm thời tạm thời của Phái đoàn Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc, đã có bài phát biểu chia sẻ trong Cuộc thảo luận chung của Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Phát triển Xã hội, được dành riêng cho chủ đề “Hệ thống bảo vệ xã hội và nhà ở giá cả phải chăng cho mọi người để giải quyết tình trạng vô gia cư”.
Trong bài phát biểu can thiệp của mình, Đức Ông Charters đã hoan nghênh sự chú ý đối với tình trạng vô gia cư, vốn đặc biệt ảnh hưởng đến các thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội và góp phần gây ra nhiều vấn đề xã hội trái ngược với phẩm giá và sự phát triển hưng thịnh của con người. Đức Ông Charters cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết cần phải đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người và đồng thời nhắc lại tầm quan trọng của Tuyên bố Copenhagen về Sự phát triển xã hội nhằm hướng tới sự phát triển xã hội về phẩm giá con người và nhân quyền bất khả nhượng của con người.
Đức Ông Charters nhấn mạnh ba hình thức sáng kiến vốn thường đóng vai trò quan trọng trong công việc của các tổ chức từ thiện Công giáo trên khắp thế giới trong việc chăm sóc những người vô gia cư cũng như giải quyết vấn đề vô gia cư: đảm bảo những người vô gia cư có được sự trợ giúp đầy đủ; nghiên cứu các nguyên nhân gây ra tình trạng vô gia cư ở cấp quốc gia, bao gồm các thực tiễn về nhà ở không công bằng; hướng tới việc giải quyết quyền có nhà ở đầy đủ tại các diễn đàn quốc tế.
Dưới đây là nội dung bài phát biểu của Đức Ông David Charters:
Thưa ngài chủ tịch,
Tòa Thánh hân hạnh được tham gia Phiên họp thứ 58 này của Ủy ban Phát triển xã hội được dành riêng cho chủ đề “Hệ thống bảo vệ xã hội và nhà ở giá cả phải chăng cho mọi người để giải quyết tình trạng vô gia cư” [1].
Chúng tôi rất biết ơn sự chú ý đã được dành cho vấn đề mang tính xã hội quan trọng này và hy vọng rằng các vấn đề thực tế được thảo luận trong suốt quá trình của Phiên họp này sẽ giúp chúng ta thực hiện các bước cụ thể để giải quyết tình trạng vô gia cư trên toàn cầu.
Khi chúng ta kỷ niệm 25 năm Tuyên bố Copenhagen về Sự phát triển xã hội, [2] chúng tôi nhắc lại với sự biết ơn nhấn mạnh cách thức “các xã hội của chúng ta cần phải phản ứng một cách hiệu quả hơn nhu cầu về mặt vật chất và tinh thần của các cá nhân, gia đình và cộng đồng nơi mà họ sinh sống tại khắp các quốc gia và khu vực đa dạng của chúng ta. [3] Phái đoàn của tôi đã lưu ý rằng gần đây để đạt được sự phát triển xã hội có ý nghĩa như tham vọng trong Tuyên bố Copenhagen, “các biện pháp nhằm mục đích xây dựng xã hội vốn quan tâm và cho phép tất cả mọi người tham gia cách tích cực vào đời sống xã hội, kinh tế, văn hóa và chính trị cần có một tầm nhìn rõ ràng dựa trên tính trung tâm của con người, phẩm giá con người và các quyền bất khả nhướng phát xuất từ phẩm giá đó” [4].
Một thành phần quan trọng của phẩm giá đó là có được quyền tiếp cận với nhà ở an toàn. Cách đây hơn 70 năm trước, Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền đã mạnh dạn tuyên bố rằng “tất cả mọi người đều có quyền có một mức sống đầy đủ đối với sức khỏe và hạnh phúc của bản thân và của gia đình mình, kể cả nhà ở” [5].
Thưa ngài chủ tịch,
Bất chấp Tuyên bố toàn cầu và Tuyên bố Copenhagen, việc thiếu nhà ở là một vấn đề nghiêm trọng ở nhiều nơi trên thế giới. [6] Nó buộc những người vô gia cư phải sống trong điều kiện không có an ninh, sự bảo vệ thiết yếu đối với cuộc sống gia đình và phẩm giá cơ bản. Tuy nhiên, vô gia cư không chỉ đơn thuần là thiếu một không gian vật lý để sống. Nó cũng phản ánh một sự mất mát đối với gia đình, bạn bè và cộng đồng. Hơn nữa, tình trạng vô gia cư – thiếu nhà ở tươm tất hoặc thiếu nhà ở phù hợp với phẩm giá của con người – bị ràng buộc chặt chẽ với các hiện tượng như thiếu việc làm, thiếu sự bảo vệ xã hội không phù hợp, thu hồi tài sản cách bất công và các chính sách cho thuê, phân biệt đối xử, nghèo đói , xung đột bạo lực, chiến tranh và thiên tai. Nó cũng được tạo ra bởi sự chia ly gia đình và những chính sách và hoàn cảnh kinh tế gây chia rẽ gia đình và khiến họ không có mạng lưới an toàn quan trọng được tìm thấy duy nhất trong một gia đình mạnh mẽ, được hỗ trợ đầy đủ. Nó cũng được tạo ra bởi sự chia ly gia đình và những chính sách và hoàn cảnh kinh tế gây chia rẽ gia đình và khiến họ không có mạng lưới an toàn quan trọng được tìm thấy duy nhất trong một gia đình vững mạnh và được hỗ trợ đầy đủ.
Hậu quả của tình trạng vô gia cư rơi vào những người đang ở trong các tình huống dễ bị tổn thương. Những người thất nghiệp, phụ nữ, trẻ em, thành viên của các dân tộc bản địa, các nhóm thiểu số tôn giáo hoặc sắc tộc, những người già, những người khuyết tật và những người không có gia đình thường phải chịu nỗi đau vô gia cư bên cạnh những gánh nặng khác mà họ đang phải gánh chịu. Tuy nhiên, “tất cả họ thường bị đối xử với sự thờ ơ như thể họ không tồn tại – như thể họ là một tình huống ‘bình thường’ vốn chẳng khiến người ta bị đánh động tâm hồn” [7]
Thưa ngài chủ tịch,
Tòa Thánh hoan nghênh các cuộc hội thảo và thảo luận cụ thể được dành riêng trong phiên họp của Ủy ban để xem xét các chương trình và dự án cụ thể nhằm xác định và chia sẻ các giải pháp. Để đóng góp cho cuộc thảo luận, Tòa Thánh tận dụng cơ hội này để làm nổi bật ba hình thức sáng kiến, rất nhiều trong số đó đã được điều hành bởi các tổ chức từ thiện Công giáo trên khắp thế giới để chăm sóc những người vô gia cư và chuyển họ vào nhà cửa riêng của họ:
- Ở “cấp độ đường phố”: Những người vô gia cư cần có thức ăn, quần áo và mái nhà che nắng che mưa. Các điểm phát chẩn đồ ăn, những nơi trú ẩn và các nhà trẻ được điều hành bởi các Giáo phận và giáo xứ, các Dòng tu và các hiệp hội tình nguyện cung cấp sự hỗ trợ “ở tiền tuyến” và tức thì. Gần đây, ĐTC Phanxicô đã tạo ra những không gian thậm chí ngay cả tại Quảng trường Thánh Phêrô để phân phát thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác cho những người vô gia cư, cũng như cung cấp các thiết bị vệ sinh và chỗ tắm rửa. Tuy nhiên, cũng rõ ràng rằng những người vô gia cư cần được theo dõi và quan tâm để đối phó với các tác động tâm lý của việc sống – và thường hoàn toàn bên ngoài – bên lề xã hội. Về vấn đề này, việc cung cấp tất cả mọi thứ từ sự chăm sóc về mặt tinh thần cho đến việc đào tạo nghề nghiệp là rất quan trọng, cũng như đảm bảo sự hội nhập hoàn toàn của họ trong xã hội rộng lớn hơn.
- Ở cấp độ quốc gia: Nguyên nhân của tình trạng vô gia cư rất đa dạng và khác nhau giữa các quốc gia và khu vực này đến khu vực khác. Các nghiên cứu sâu hơn về các nguyên nhân phức tạp và thường đan xen của tình trạng vô gia cư có tính đến không chỉ các dữ liệu vi mô và vĩ mô là cần thiết. Đặc biệt, vai trò của các thực tiễn bất công trong thị trường nhà đất đáng được quan tâm và cần được giải quyết thông qua quy định và pháp luật.
- Ở cấp độ quốc tế: Quyền được công nhận toàn cầu đối với một mức sống xứng hợp và đầy đủ cần phải được xem xét không chỉ trong Ủy ban này. Các diễn đàn nhân quyền khác nhau của Liên Hợp Quốc cần chú trọng nhiều hơn đến quyền mang tính xã hội này.
Tóm lại, Tòa Thánh cảm ơn tất cả các tham dự viên vì sự tham gia tích cực của họ trong suốt 8 ngày làm việc về sự phát triển xã hội, phẩm giá con người và nhân quyền.
Xin cám ơn ngài chủ tịch!
- E/CN.5/2020/3.
- A/CONF.166/9.
- Như trên, Điều 1
- Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Tuyên bố về Phát triển Xã hội trong Ủy ban thứ ba, ngày 1 tháng 10 năm 2019.
- Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Điều 25
- Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp ‘Laudato Si’, đoạn 152, ngày 24 tháng 5 năm 2015.
- Đức Giáo Hoàng Phanxicô, “Như thể họ không tồn tại”: Bài chia sẻ suy niệm ban sáng tại Nhà nguyện Domus Sanctae Marthae, ngày 16 tháng 3 năm 2017.
Minh Tuệ (theo Zenit)