Các cơ sở giáo dục thúc đẩy “cú pháp đối thoại” cần thiết cho cuộc gặp gỡ về văn hoá và đồng thời đưa ra những phản ứng mới đối với những thách đố của thời đại chúng ta.
Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza, Sứ Thần Tòa Thánh tại LHQ, đã đưa ra một số nhận xét trong một sự kiện cấp cao của LHQ về giáo dục.
Đức TGM Auza nhắc nhở những người hiện diện về việc hình thành các thế hệ lãnh đạo của Giáo hội Công giáo trên khắp thế giới.
“Giáo hội Công giáo có hàng trăm năm kinh nghiệm điều hành các cơ sở giáo dục, mở ra không chỉ cho người Công giáo mà còn cho tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ, và đặc biệt là thành lập các trường học trên khắp thế giới để đem lại việc giáo dục cho những người nghèo mà lẽ ra họ đã không thể được tiếp cận với giáo dục. Khi làm như vậy, Giáo Hội cố gắng góp phần xây dựng một thế giới thống nhất và hòa bình thông qua việc hình thành không thể thiếu của các thế hệ kế tiếp của các công dân và các nhà lãnh đạo”.
Đức Tổng Giám Mục Auza nói rằng thuật ngữ “cú pháp của đối thoại” của Đức Thánh Cha Phanxicô đã cung cấp “nền tảng của sự gặp gỡ và các phương tiện để hài hòa sự đa dạng văn hoá”.
“Giáo dục gieo rắc hy vọng”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh, mà nếu như không có nó “con người không thể tồn tại được”.
Các bạn trẻ và các nhà giáo dục, ĐTC Phanxicô kết luận, “vươn tới điều đó qua việc tìm ra vẻ đẹp, sự tốt lành, sự thật và hiệp thông với người khác vì lợi ích chung”.
Dưới đây là bài phát biểu của Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza:
Thưa ngài Chủ tịch,
Cảm ơn ngài vì đã dành cơ hội này để thu hút sự tham gia của các thành viên chủ chốt từ các cộng đồng giáo dục, và hơn nữa, trong các cuộc thảo luận về việc tiếp cận toàn cầu đối với vấn đề giáo dục công bằng, chất lượng đối với việc giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên quan tâm đến các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs).
Giáo hội Công giáo có hàng trăm năm kinh nghiệm điều hành các cơ sở giáo dục, mở ra không chỉ cho người Công giáo mà còn cho tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ, và đặc biệt là thành lập các trường học trên khắp thế giới để đem lại việc giáo dục cho những người nghèo mà lẽ ra họ đã không thể được tiếp cận với giáo dục. Khi làm như vậy, Giáo Hội cố gắng góp phần xây dựng một thế giới thống nhất và hòa bình thông qua việc hình thành không thể thiếu của các thế hệ kế tiếp của các công dân và các nhà lãnh đạo.
ĐTC Phanxicô đã phát biểu về “quyền được tiếp cận với giáo dục” khi ngài trình bày tại Đại hội đồng LHQ vào năm 2015. ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng nguyên tắc này “được đảm bảo trước hết bằng cách tôn trọng và củng cố quyền chính yếu của các gia đình đối với việc giáo dục con cái của họ cũng như quyền của Giáo hội và các nhóm xã hội để cộng tác và hỗ trợ các gia đình trong việc giáo dục con cái của họ. Giáo dục được hình thành theo cách này”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh, “chính là nền tảng cho việc thực hiện Chương trình Nghị sự năm 2030” [1].
Để thành công trong nhiệm vụ gian nan này, cần phải thúc đẩy nền văn hoá của sự gặp gỡ, vốn liên quan đến một bầu không khí tôn trọng đích thực, sự trân trọng, thái độ lắng nghe chân thành và tinh thần liên đới, mà không làm lu mờ hoặc làm giảm đi căn tính của một người nào đó. Một nền văn hoá như vậy có thể đáp lại trước những hình thức bạo lực, nghèo đói, bóc lột, phân biệt đối xử, gạt bỏ người khác ra bên lề xã hội, lãng phí và việc hạn chế về tự do mà các Mục tiêu Phát triển Bền vững đang tìm cách khắc phục.
Trong bối cảnh này, các cơ sở giáo dục phải tìm cách truyền đạt “cú pháp đối thoại” [2], như ĐTC Phanxicô gần đây đã tuyên bố, chính là nền tảng của sự gặp gỡ, là các phương tiện để hài hòa sự đa dạng văn hoá. Việc hình thành những thế hệ mới trong cú pháp của cuộc hội thoại trí tuệ, nhằm cùng nhau khám phá chân lý, sẽ tạo cho các sinh viên động lực để xây dựng những cầu nối và tìm ra những câu trả lời mới cho những thách đố của thời đại chúng ta.
Cách đây vài tuần, ĐTC Phanxicô đã khánh thành văn phòng Vatican dành cho tổ chức ‘Scholas Occurrentes Foundation’ do chính ngài thành lập vào năm 2013. Tổ chức này có một mạng lưới gồm một nửa triệu trường học hiện diện tại 190 quốc gia, thống nhất mục tiêu cốt lõi của việc cổ võ một “nền văn hoá của sự gặp gỡ hòa bình thông qua giáo dục, công nghệ, nghệ thuật và thể thao”. Nhân dịp này, ĐTC Phanxicô đã cảnh báo chúng ta về nguy cơ đối với việc “ưu tiên những thành phần ưu tú trong xã hội” trong vấn đề giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục. Mối nguy cơ này là có thực và hiện tại đang xảy ra, đặc biệt ở những nơi mà sự hỗ trợ của công chúng đối với giáo dục bị xói mòn và các tổ chức độc quyền được tạo ra bởi những người có khả năng chi trả cho giáo dục.[3] Một “nền giáo dục chỉ ưu tiên một số thành phần ưu tú” sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng, mở rộng khoảng cách giữa những người có và những kẻ chẳng có gì, và duy trì tình trạng cách ly khỏi nhịp điệu xã hội và kinh tế và đồng thời loại bỏ những người không được tiếp cận với vấn đề giáo dục, đặc biệt là chất lượng giáo dục.
Giáo dục gieo rắc niềm hy vọng. Con người không thể sống mà không có hy vọng, một niềm hy vọng rằng giáo dục sẽ giúp đưa đến kết quả, như các sinh viên và giáo viên hướng tới việc tìm kiếm vẻ đẹp, sự tốt lành, sự thật và hiệp thông với người khác vì lợi ích chung. Khi các nhà giáo dục lắng nghe những người trẻ, và sinh viên lắng nghe các giáo sư của mình, một thế giới thống nhất và hoà bình qua việc lắng nghe người khác với sự nhạy cảm và hiểu biết sẽ trở nên có thể đạt được.
Xin cám ơn ngài Chủ tịch!
Minh Tuệ (theo RV)
***
[1] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn tại Đại hội đồng của Tổ chức Liên Hợp Quốc, ngày 25 tháng 9 năm 2015.
[2] Đức Thánh Cha Phanxicô, Diễn văn tại Đại hội toàn thể của Hiệp hội Giáo dục Công giáo, ngày 9 tháng 2 năm 2017.
[3] Đức Thánh Cha Phanxicô, Lễ khánh thành Văn phòng Vatican tổ chức Scholas Occurrentes, ngày 9 tháng 6 năm 2017.