Đức Tổng Giám mục Ettore Balestrero, Quan sát viên thường trực của Vatican tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 34 của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và đồng thời nhấn mạnh nghĩa vụ đạo đức của tất cả các bên trong các cuộc xung đột vũ trang là tôn trọng Luật nhân đạo quốc tế để bảo vệ thường dân.
Tòa Thánh một lần nữa lên án mạnh mẽ hành vi vi phạm có hệ thống Luật Nhân đạo Quốc tế (IHL) trong bối cảnh các cuộc xung đột đang diễn ra trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Trung Đông và Ukraine, đồng thời nhắc lại rằng việc tấn công bừa bãi vào dân thường là “không thể chấp nhận được” về mặt đạo đức.
Dân thường bị tàn sát không bao giờ có thể được coi là ‘thiệt hại ngoài dự kiến’
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế lần thứ 34 của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ đang diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, Đức Tổng Giám mục Ettore Balestrero, Quan sát viên thường trực của Vatican, đã lên án rằng dân thường vẫn tiếp tục là nạn nhân trong các cuộc xung đột vũ trang do các cuộc tấn công bừa bãi vi phạm luật pháp quốc tế. “Những thường dân bị thảm sát không bao giờ có thể được coi là ‘thiệt hại ngoài dự kiến'”, vị Giám chức nói.
“Thật đáng báo động rằng, mặc dù có nghĩa vụ nghiêm ngặt trong việc phân biệt giữa mục tiêu quân sự và mục tiêu dân sự, “không có cuộc xung đột nào mà không kết thúc bằng cách nào đó tấn công bừa bãi vào dân thường”.
Việc sử dụng các loại vũ khí nổ ở khu vực đông dân cư
Đức Tổng Giám mục Balestrero cũng đã nhắc lại mối quan ngại sâu sắc của Tòa Thánh về việc sử dụng vũ khí nổ ở những khu vực đông dân cư, gây ra tình trạng di dời và tàn phá rộng rãi các thị trấn, trường học, bệnh viện, các địa điểm thờ phượng và cơ sở hạ tầng quan trọng đối với dân thường.
Ngài nhắc lại rằng việc tuân thủ Luật Nhân đạo Quốc tế “không chỉ có thể mà còn là bắt buộc”, đồng thời tái khẳng định, với lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, rằng thậm chí ngay cả trong sự tàn phá của chiến tranh, mỗi con người đều thiêng liêng.
“Chúng ta không thể coi xung đột là điều không thể tránh khỏi, cũng không thể coi mọi thứ đều được phép trong thời chiến”.
Truyền bá nhận thức của công chúng về Luật nhân đạo quốc tế
Trước bối cảnh thế giới đầy bất ổn hiện nay, Đức Tổng Giám mục Balestrero đã nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về một quá trình giáo dục nhằm phổ biến Luật Nhân đạo Quốc tế và nền tảng đạo đức của nó, đồng thời cam kết sự ủng hộ Giáo hội Công giáo trong việc”thức tỉnh lương tâm công chúng” về những vấn đề này.
Cần ngăn chặn việc vũ khí hóa AI trong các cuộc xung đột
Điều này, Đức Tổng Giám mục Balestrero nhận xét, càng quan trọng hơn nữa trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển và việc vũ khí hóa Trí tuệ nhân tạo (AI), vốn đang nhanh chóng trở thành yếu tố trung tâm trong việc tiến hành chiến sự.
Về vấn đề này, Sứ thần cho biết Tòa Thánh ủng hộ việc sử dụng có trách nhiệm các công nghệ kỹ thuật số và mạng, đồng thời kêu gọi rằng chúng phải được dành riêng “cho mục đích hòa bình, hợp tác và làm giàu lẫn nhau”.
“Việc bảo tồn tính trung tâm và phẩm giá của con người, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của nhân loại và bảo vệ giá trị tột bậc của sự sống phải luôn hiện diện vững chắc trong ý thức tập thể”.
Cam kết của Tòa Thánh
Để đóng góp vào nỗ lực nâng cao nhận thức này, Đức Tổng Giám mục Balestrero cho biết Tòa Thánh đã cam kết thực hiện 3 cam kết trong 4 năm tới: đào tạo các tuyên úy quân đội Công giáo về Luật nhân đạo quốc tế, thúc đẩy nền tảng đạo đức của luật này, đặc biệt là bảo vệ dân thường và các địa điểm tôn giáo, vun đắp đối thoại liên tôn nhằm thúc đẩy sự tôn trọng lẫn nhau, góp phần bảo vệ phẩm giá con người và thúc đẩy các giá trị vốn định hình Luật nhân đạo quốc tế.
Nhắc lại một lần nữa rằng “chiến tranh luôn là sự thất bại của nhân loại”, Đức Tổng Giám mục Balestrero kết luận bằng cách nhắc lại lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô rằng “không phải vũ khí, không phải chủ nghĩa khủng bố, không phải chiến tranh, mà chính lòng trắc ẩn, công lý và đối thoại mới là phương tiện thích hợp để xây dựng hòa bình”.
Các chủ đề được thảo luận tại Hội nghị ở Geneva
Hội nghị quốc tế lần thứ 34 của Phòng trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ diễn ra từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 10, quy tụ đại diện từ 191 Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia và 196 quốc gia tham gia Công ước Geneva. Với chủ đề ‘Vượt qua bất ổn – Tăng cường nhân đạo’, chương trình nghị sự của Hội nghị tập trung đặc biệt vào việc tuân thủ luật nhân đạo quốc tế; tăng cường bảo vệ dân thường và những người làm công tác nhân đạo; thúc đẩy hành động nhân đạo bền vững do địa phương lãnh đạo; dự đoán, chuẩn bị và thích ứng trước thách thức về khí hậu, tầm quan trọng của ‘luật thảm họa’; tác động của các công nghệ số trong chiến tranh.
Thiên Ân (theo Vatican News)