Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, kêu gọi các quốc gia thực thi các chính sách nhằm hỗ trợ và bảo vệ gia đình, vai trò làm mẹ và việc nuôi dưỡng con cái, đồng thời thúc đẩy sự bình đẳng giữa giữa phụ nữ và nam giới.
“Các chính sách hỗ trợ và bảo vệ gia đình, thiên chức làm mẹ và việc nuôi dưỡng con cái cần được thực thi song song với việc cổ võ sự bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ”.
Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc, Đức Tổng Giám mục Gabriele Caccia, đã phát biểu như trên trong khuôn khổ các phiên thảo luận của Diễn đàn Chính trị Cấp cao về việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững số 3 (SDG 3) về việc đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và thúc đẩy phúc lợi cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi vào ngày 14 tháng 7, và Mục tiêu số 5 (SDG 5) về việc đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho mọi phụ nữ và trẻ em gái vào ngày 15 tháng 7 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York.
SDG 3: Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi
Phát biểu về việc thực hiện SDG 3, Đức Tổng Giám mục Caccia nhấn mạnh rằng sức khỏe không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật, mà còn là “một trạng thái toàn diện về thể lý, tâm lý, xã hội, tinh thần và cảm xúc”, và là “một phần thiết yếu trong sự phát triển toàn diện của con người”.
Tuy nhiên, ngài than phiền rằng tiến trình đạt được mục tiêu này vẫn còn nhiều bất cập. “Những trở ngại kéo dài, bao gồm hệ thống y tế mong manh, thiếu hụt kinh phí và gánh nặng ngày càng gia tăng của các bệnh không lây nhiễm tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về y tế”.
Để vượt qua những thách thức này và thực sự đạt được sức khỏe và phúc lợi cho tất cả mọi người, Đức Tổng Giám mục Caccia nhấn mạnh rằng cần phải xây dựng các chính sách toàn diện và hợp nhất, thừa nhận mối liên hệ mật thiết giữa SDG 3 với các Mục tiêu khác.
Đức Tổng Giám mục Caccia cũng đặc biệt lưu ý rằng, để đạt được sức khỏe và phúc lợi cho tất cả mọi người cũng đòi hỏi phải đặc biệt chú ý đến những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm thai nhi, trẻ em, người cao niên, người khuyết tật, người di cư và những người sống ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.
Trong bối cảnh đó, ngài cảnh báo rằng “các chương trình nghị sự mang tính ý thức hệ hoặc lợi ích kinh tế không bao giờ được phép định hình dịch vụ y tế; hệ thống này phải luôn đặt con người làm trung tâm”.
Vì lý do đó, Đức Tổng Giám mục Caccia khẳng định rằng các tổ chức dựa trên đức tin, bao gồm các cơ sở y tế Công giáo, đóng một “vai trò thiết yếu”, và việc tăng cường hợp tác với các tổ chức này có thể giúp đảm bảo rằng việc chăm sóc y tế tiếp tục đặt con người làm trung tâm.
Khi nói đến việc đóng góp thiết thực cho lĩnh vực chăm sóc y tế, Đức Tổng Giám mục Caccia nhắc lại rằng Giáo hội Công giáo – hiện đang điều hành khoảng một phần tư tổng số cơ sở y tế trên toàn thế giới – sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ chăm sóc cho những người nghèo nhất và ở những vùng xa xôi nhất.
SDG 5: Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho mọi phụ nữ và trẻ em gái
Đại diện Thường trực của Tòa Thánh cũng hoan nghênh phiên thảo luận về Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5, liên quan đến việc đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, diễn ra vào ngày hôm sau.
“Bình đẳng giới”, ngài khẳng định, “bắt nguồn từ phẩm giá bình đẳng được Thiên Chúa ban cho mỗi người nam và nữ, vốn ‘bất khả xâm phạm và được ghi khắc trong chính bản thể của họ, điều vượt trên mọi hoàn cảnh […]. Nguyên tắc này, hoàn toàn có thể được nhận biết ngay cả bằng lý trí tự nhiên”, ngài tiếp tục, “‘nhấn mạnh đến tính ưu việt của con người và việc bảo vệ các quyền con người’”.
Đức Tổng Giám mục Caccia nói rằng việc công nhận phẩm giá bình đẳng ấy là điểm khởi đầu quan trọng để đạt được SDG 5. “Tuy nhiên”, ngài cảnh báo, “sự công nhận thôi thì chưa đủ”, bởi vì “bình đẳng đòi hỏi phải tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm việc tiếp cận giáo dục chất lượng, dịch vụ y tế và công ăn việc làm tử tế, cũng như sự tham gia của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống”.
Ngài cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào có ý nghĩa về SDG 5 đều phải giải quyết những trở ngại mang tính hệ thống đối với sự phát triển toàn diện của hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm nghèo đói, bạo lực và và loại trừ.
“Việc giải quyết những bất công này”, ngài khẳng định, “là một đòi hỏi đạo đức và là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và tiến bộ lâu dài”.
Theo tinh thần đó, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh nhấn mạnh rằng “vai trò của nam giới và phụ nữ trong gia đình và cộng đồng cần phải được bảo vệ”.
“Các chính sách hỗ trợ và bảo vệ gia đình, vai trò làm mẹ và việc nuôi dưỡng con cái”, Đức Tổng Giám mục Caccia một lần nữa khẳng định, “cần được triển khai song song với việc cổ võ sự bình đẳng giữa nam và nữ”, đồng thời nhấn mạnh rằng phẩm giá của mỗi người phụ nữ và trẻ em gái “phải luôn là trọng tâm của các nỗ lực phát triển và cần tránh những cách tiếp cận coi phụ nữ chỉ là công cụ của các chương trình nghị sự kinh tế hoặc chính trị”.
Sau cùng, Đức Tổng Giám mục Caccia nhấn mạnh rằng trong 5 năm cuối cùng trước khi hoàn thành Chương trình Nghị sự 2030, Phái đoàn Tòa Thánh “kêu gọi một cam kết đổi mới đối với sự phát triển toàn diện của mọi phụ nữ và trẻ em gái”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)