Đức Cha Miguel Guixot -Thư ký Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn – sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao thuộc Đại học nổi tiếng Al-Azhar của Ai Cập tại Cairo hôm nay thứ Tư ngày 13/7. Chuyến viếng thăm diễn ra theo mong muốn của Đức Thánh Cha Phanxicô sau cuộc gặp gỡ lịch sử của ngài với vị Đại Imam của Đại học Al-Azhar – Giáo sư Ahmad Al-Tayyib – tại Vatican ngày 23/5 vừa qua.
Trong một thông báo, Hội đồng Đối thoại Liên tôn cho biết Đức Cha Guixot sẽ tham dự một cuộc họp trù bị cùng với Đức Tổng Giám Mục Bruno Musarò – Sứ thần Tòa Thánh tại Ai Cập, và Tiến sĩ Mahmoud Hamdi Zakzouk – thành viên Hội đồng Học giả cấp cao Đại học Al-Azhar và Giám đốc Trung tâm đối thoại của trường đại học này, nhằm tìm kiếm những phương thế cho việc nối lại cuộc đối thoại giữa Đại học Al-Azhar và Hội đồng Giáo hoàng.
Hồi tháng Năm, Giáo sư Ahmad Al-Tayyib – Đại Imam của Đại học al-Azhar – đã trả lời phỏng vấn của các phương tiện truyền thông Vatican sau cuộc gặp gỡ lịch sử với Đức Thánh Cha Phanxicô.
Một thông báo từ Văn phòng báo chí Tòa Thánh cho biết trong cuộc phỏng vấn, vị Đại Imam khẳng định rằng chuyến viếng thăm của ông với tư cách là người đại diện cao nhất của Đại học Al-Alzhar với Tòa Thánh Vatican chính là kết quả của một sáng kiến của Đại học Al-Azhar và một thỏa thuận giữa Đại học Al- Azhar với Vatican, nhằm tiếp tục sứ mạng thiêng liêng của các tôn giáo, trong đó bao gồm sứ mạng “làm cho nhân loại khắp nơi luôn sống trong sự hân hoan”. Ông cho biết thêm rằng Đại học Al-Azhar có một ủy ban đối thoại liên tôn với Tòa Thánh Vatican, hoạt động của ủy ban này đã bị đình chỉ do một số hoàn cảnh cụ thể, nhưng hiện nay những hoàn cảnh đó không còn tồn tại nữa, con đường đối thoại đã được nối lại với hy vọng rằng nó sẽ được cải thiện tốt hơn so với trước kia.
“Tôi rất vui mừng với tư cách là vị lãnh tụ đầu tiên của Đại học Al-Azhar tới thăm Vatican và ngồi bên cạnh Đức Phanxicô trong một cuộc gặp gỡ để thảo luận về một số vấn đề và để thông cảm lẫn nhau”, Giáo sư Ahmad Al-Tayyib nhấn mạnh. Ông tiết lộ rằng ấn tượng đầu tiên của ông về Đức Thánh Cha Phanxicô là “Đức Phanxicô là một người luôn dấn thân vì hòa bình, một người luôn tuân giữ mọi Giáo huấn Kitô giáo – một Giáo huấn về tình yêu và hòa bình. Hơn nữa, tôi nhận thấy rằng ngài luôn tôn trọng các tôn giáo khác và luôn thể hiện sự quan tâm tới các tín đồ của các tôn giáo ấy. Ngài đã hiến dâng cuộc đời cho sứ vụ phục vụ người nghèo và những người lâm cảnh khốn cùng, ngài luôn thể hiện tinh thần liên đới với mọi cảnh đời. Đặc biệt, ngài có đời sống thật đơn sơ với tinh thần từ bỏ mọi thú vui phù du trần tục. Tất cả những điều này là những phẩm chất mà chúng tôi có thể cảm thông với ngài, và do đó chúng tôi muốn gặp gỡ ngài để cùng cộng tác với nhau nhằm phục vụ nhân loại trong những lĩnh vực rộng lớn mà chúng tôi đang chia sẻ với nhau”.
Nói đến nghĩa vụ của các nhà cầm quyền tôn giáo và các lãnh đạo tôn giáo trên thế giới hiện nay, ông khẳng định rằng những trách nhiệm này là vô cùng nặng nề và đồng thời cũng đáng lo ngại, “Bởi vì chúng tôi nhận thức, như chúng tôi cũng đã nói với Đức Giáo Hoàng, rằng tất cả mọi triết lý và các ý thức hệ xã hội hiện đại đang dẫn dắt nhân loại xa rời tôn giáo và xa rời thiên đàng. Những triết lý và những ý thức hệ ấy đã không làm cho con người hạnh phúc hoặc đưa con người thoát ra khỏi các cuộc chiến đổ máu”. Ông cũng nhấn mạnh rằng đã đến lúc các nhà lãnh đạo các tôn giáo cần chung tay cộng tác với nhau bằng những phương thế cụ thể để đem lại cho nhân loại một hướng đi mới hướng tới Lòng thương xót và hòa bình, để nhân loại chúng ta tránh khỏi cuộc đại khủng hoảng mà chúng ta đang phải hứng chịu hiện nay.
“Con người không có tôn giáo sẽ trở thành mối nguy hại đối với đồng loại của mình, và tôi tin rằng nhân loại chúng ta ngày nay đang sống trong thế kỷ 21, đã biết bắt đầu nhìn quanh và tìm kiếm những chỉ dẫn khôn ngoan để dẫn dắt họ đi đúng hướng. Tất cả những điều này đã hướng dẫn chúng ta đến với cuộc gặp gỡ và thảo luận này cũng như đạt được những thoả thuận để bắt đầu thực hiện một bước đi đúng hướng”.
Minh Tuệ (theo Radio Vatican)