Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, đại diện của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva hôm thứ Sáu 10 tháng 3 đã phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền về “đòi buộc đạo đức” của việc làm cho mọi người đều được tiếp cận thuốc chữa bệnh.
Ngài nói cần có những chính sách nhất quán để đạt được mục tiêu đó.”Liên quan đến việc theo đuổi hai mục tiêu tiếp cận thuốc và cải tiến y tế cần thiết, các chính sách nhất quán là nền tảng cho những tiến trình hữu hiệu, bền vững và công bằng đối với bảo hiểm sức khoẻ phổ quát và việc cải thiện sức khoẻ cho tất cả mọi người.”
“Để thúc đẩy nhân phẩm và áp dụng các chính sách bắt nguồn từ cách tiếp cận tôn trọng nhân quyền” – Đức Tổng Giám mục Jurkovič nói – “chúng ta cần phải đối diện và gỡ bỏ các rào cản, chẳng hạn như nạn độc quyền và độc đoán, sự thiếu cơ hội tiếp cận thuốc và thiếu khả năng tài chính, đặc biệt là cả sự lan tràn và tham lam không thể chấp nhận được của con người.”
Dưới đây là toàn văn bài phát biểu:
“Thưa Ngài Chủ Tịch,
Đối với quyền của mọi người được hưởng mức tiêu chuẩn cao nhất về sức khoẻ thể chất và tinh thần, Phái Đoàn của tôi mong muốn nêu lên những lo ngại bổ sung về nhu cầu hành động có hiệu quả nhằm đảm bảo quyền của mọi người được tiếp cận thuốc, vắc-xin, sự chẩn đoán và các thiết bị y tế. Việc phân phối hợp lý vì các lợi ích của người dân và người lao động không chỉ là hoạt động từ thiện.
Đây là một nghĩa vụ của lương tâm. Liên quan đến việc theo đuổi hai mục tiêu tiếp cận thuốc và cải tiến y tế cần thiết, các chính sách nhất quán là nền tảng cho những tiến trình hữu hiệu, bền vững và công bằng đối với bảo hiểm sức khoẻ phổ quát và việc cải thiện sức khoẻ cho tất cả mọi người. Việc thông qua các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) đã tạo ra một khuôn khổ cho phép tiến tới chỗ đạt được cả việc tiếp cận lẫn đổi mới. Đặc biệt, SDG 3 bao gồm các mục tiêu hỗ trợ “nghiên cứu và phát triển vắc xin và thuốc cho các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm chủ yếu ảnh hưởng đến các nước đang phát triển” và thúc đẩy “quyền tiếp cận các loại thuốc thiết yếu và vắc-xin phù hợp, phù hợp với Tuyên bố Doha về Hiệp định TRIPs và Y tế công cộng”.
Theo nghĩa này, Tòa Thánh ghi nhận sự có hiệu lực vào tháng 1 năm ngoái của việc sửa đổi Hiệp định TRIPs. Việc sửa đổi này tạo ra một con đường an toàn và hợp pháp cho quyền tiếp cận các loại thuốc có giá phải chăng và giúp đỡ các cơ hội điều trị cho những người dễ bị tổn thương nhất, đáp ứng được nhu cầu của họ, bao gồm những vấn đề liên quan đến HIV, lao, sốt rét cũng như các dịch bệnh khác. Việc tiếp cận các loại thuốc có giá cả phải chăng không chỉ là một thách thức đối với các nước kém phát triển nhất và các nước đang phát triển khác; nó cũng trở thành vấn đề ngày càng cấp bách hơn đối với các quốc gia thu nhập cao hơn. Các quốc gia thấy mình không thể chống lại thuốc kháng sinh. Hơn nữa, các quốc gia đang phát triển còn phải đối mặt với việc thiếu các loại thuốc mới, đặc biệt là khi ngân sách y tế công cộng bị hạn chế trên toàn thế giới.
Thưa Ngài Chủ Tịch,
Như tất cả chúng ta đều biết, sức khoẻ là một quyền cơ bản của con người, cần được thực hiện như nhiều quyền khác, và cần thiết để sống một cuộc sống đầy đủ phẩm giá. Do đó, Giáo hội Công giáo cung cấp những đóng góp quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ ở mọi nơi trên thế giới – thông qua các Hội Thánh địa phương, các dòng tu và các sáng kiến cá nhân, là những thực thể hoạt động theo trách nhiệm của mình và tôn trọng pháp luật của mỗi quốc gia.
Đóng góp này bao gồm cả việc duy trì hoạt động của 5.158 bệnh viện, 16.523 trạm xá và phòng khám, 612 trại phong cùi, và 15.679 nhà dành cho người già, người bệnh lâu năm hoặc người tàn tật. Với những thông tin trực tiếp từ các cơ sở này tại một số cộng đồng nghèo nhất, bị cô lập và bị gạt ra ngoài lề xã hội, Phái Đoàn của tôi có trách nhiệm báo cáo rằng các quyền được quy định chi tiết trong các văn kiện quốc tế và đã được đề cập đến trong các SDG, hiện nay vẫn còn nhiều điều chưa được thực hiện.
Thưa Ngài Chủ Tịch,
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bác bỏ lối suy nghĩ ích kỷ và thiển cận phá hoại tiến trình cứu vãn môi trường, xây dựng hòa bình, và giải quyết các cuộc khủng hoảng về sức khoẻ cộng đồng. Ngài nhấn mạnh rằng đối thoại “là cách duy nhất để đối phó với các vấn đề của thế giới của chúng ta và tìm kiếm các giải pháp thực sự có hiệu quả”. Đối thoại đích thực cách trung thực và minh bạch. Nó không cho phép lợi ích của từng quốc gia hoặc của các nhóm lợi ích cụ thể chi phối các cuộc thảo luận. Khoa học và kỹ thuật không phải là vô thưởng vô phạt. Nghĩa vụ đạo đức của chúng ta là tìm kiếm, đấu tranh và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn mà chúng ta mong đợi sẽ mang lại cho thế hệ tương lai của chúng ta. Xem ra con người không còn tin vào một tương lai hạnh phúc nữa, họ không còn tin vào một bình minh tốt hơn từ tình trạng hiện tại của thế giới và những khả năng kỹ thuật. Họ ý thức thực tại rằng sự phát triển khoa học và kỹ thuật không hứa hẹn cho tương lai và lịch sử hạnh phúc, và nhận thức rằng, những con đường cơ bản cho tương lai hạnh phúc phải rất khác.”
Để thúc đẩy nhân phẩm và áp dụng các chính sách bắt nguồn từ cách tiếp cận tôn trọng nhân quyền, chúng ta cần phải đối diện và gỡ bỏ các rào cản, chẳng hạn như nạn độc quyền và độc đoán, sự thiếu cơ hội tiếp cận thuốc và thiếu khả năng tài chính, đặc biệt là cả sự lan tràn và tham lam không thể chấp nhận được của con người. Nếu chúng ta có ý định xây dựng một thế giới tốt hơn và xây dựng tương lai cho các thế hệ sau, chúng ta phải khắc phục và sửa chữa những chính sách không cân đối và lệch lạc giữa các quyền sở hữu trí tuệ của nhà phát minh hoặc của nhà sản xuất với nhân quyền của con người. Như vậy, thương mại có thể được xem xét trong bối cảnh sức khoẻ cộng đồng và tiếp cận với công nghệ, do đó có liên quan chặt chẽ đến cả quyền cơ bản của con người đối với sức khoẻ và đời sống. Tất cả những nỗ lực của chúng ta phải được hướng đến mục tiêu đảm bảo nhân phẩm, chất lượng sức khoẻ và cuộc sống, và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ sau.
Xin cảm ơn Ngài Chủ tịch.“