Hôm qua 28/7, tại Hội trường Giáo xứ Chúa Cứu Thế – Tùng Lâm (GP. Đà Lạt), đã diễn ra buổi tọa đàm về cuộc đời cha Alexis Trespanier, hay còn được biết đến với cái tên thuần Việt, A-lê-xù Nguyễn Chỉnh Tề – một tu sĩ, một nhà giáo dục tài năng của Dòng Chúa Cứu Thế mà những bài học giáo dục mà ngài để lại vẫn còn giá trị cho tới ngày nay.
8h sáng, trong tiết trời se lạnh của Đà Lạt, cùng với lất phất những cơn mưa phùn, hơn 200 cựu học sinh cùng với thầy cô Trường Trung học tư thục Minh Đức đã tề tựu tại hội trường Giáo xứ Tùng Lâm. Dưới sự dẫn dắt của cha bề trên Cộng đoàn Thoma A. Phạm Phú Lộc C.Ss.R, phần trình bày của cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong C.Ss.R, buổi tọa đàm đã cùng tất cả tham dự viên ôn lại những kỷ niệm với cha Alexis Trespanier và những đóng góp của ngài cho sự nghiệp giáo dục con người.
Buổi tọa đàm còn đón tiếp sự hiện diện của cha Giuse Trần Sỹ Tín, người cũng đã từng sống với cha Trépanier khi ngài còn đang là Giám đốc Đệ tử viện.
Đôi nét về tiểu sử
Cha Alexis Trépanier sinh ngày 4/10/1912 tại Canada, khấn dòng ngày 15/8/1935. Ngay khi còn là đệ tử, ngài đã viết thư để tình nguyện qua Đông Dương theo lời mời gọi của Tòa thánh với dòng Chúa Cứu Thế nhằm “Quốc tế hóa sự hiện diện của các thừa sai tại Đông Dương, Phúc Âm hóa hàng giáo sĩ và giáo dân, để nhanh chóng địa phương hóa Giáo hội Việt Nam”.
Tuy nhiên, do nhiều biến cố, phải đến ngày 29/9/1935, ngài cùng với 6 sinh viên khác được chọn qua Việt Nam Tu học.
Đến năm 1940, ngài được chịu chức linh mục tại Hà Nội và đảm nhận chức vụ Giám đốc Đệ tử viện. Kể từ đó, cha gắn liền với ơn gọi giáo dục và đào tạo con người.
Thao thức với Giáo dục
Năm 1961, sau công cuộc Việt Nam hóa các chức vụ trong Phụ tỉnh dòng, cha Trépanier được bổ nhiệm về Giáo xứ Tùng Lâm, với óc phiêu lưu và liều lĩnh của mình, cha tiếp tục dấn thân vào ngành giáo dục để đào tạo các em học sinh trong vùng.
Năm 1962, sau khi thấy xung quanh Tùng Lâm người đến thì đông nhưng trường học lại thiếu, cha Inhaxiô Bùi Quang Diệm, Giám phụ tỉnh đã đề nghị cha Trépanier thành lập một trường trung học. Đây không phải là một công việc dễ dàng, và cha Trépanier cũng biết điều đó.
Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, chỉ từ hai lớp học ban đầu tại nhà bà Paul (An), số lượng học sinh kéo đến lớp của ngài ngày một đông. Điều đó tiếp thêm động lực cho cha trong việc xin sự giúp đỡ, tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong ngoài Việt Nam để hoàn thiện cơ sở vật chất của ngôi trường.
Sau bao nỗ lực, đến năm 1970, Trường Trung học tư thục Minh Đức được hình thành, đón tiếp hơn 500 học sinh và trở thành một trong những ngôi trường tốt nhất của thành phố Đà Lạt vào thời điểm đó.
Cái tên Minh Đức cũng được ngài chọn với ý nghĩa hết sức cao đẹp: Làm sáng nhân đức con người.
Tuy nhiên, sau biến cố 30/4 lịch sử, trường đã bị quốc hữu hóa và đổi tên thành trường Đống Đa ngày nay. Cha Tré panier cũng bị trục suốt theo các vị thừa sai Canada và không còn cơ hội trở lại Việt Nam nữa.
Những bài học giáo dục còn mãi
Nhắc lại những sự kiện về cuộc đời cha Trépanier, toàn hội trường không khỏi xúc động, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm khi còn là học sinh dưới sự dẫn dắt của cha. Người luôn được cha thương quan tâm vì không ai để ý tới, người là cậu học sinh nghịch ngợm luôn bị cha véo tai, người lại có những kỷ niệm vui tươi khi chơi thể thao cùng cha. Tất cả những kỷ niệm đó luôn đẹp đẽ trong tâm trí những cô cậu học sinh ngày nào.
Nhớ về cha Trépanier là nhớ về bài học về sự gọn gàng ngăn nắp, những bài học về lòng yêu người, yêu quê hương đất nước đã giúp những con người nơi đây trở nên nhân bản hơn.
Dù khi trường không còn, cha cũng đã không còn bên, nhưng những bài học đó vẫn còn theo những cô cậu học sinh bước ra đời, và truyền lại cho những thế hệ con cháu mình sau này.
Kết thúc buổi tọa đàm, tất cả tham dự viên cùng nhau dâng thánh lễ kỷ niệm 35 ngày cha được Chúa gọi về trong bầu không khí trang trọng, linh thiêng. Sau đó là bữa cơm thân mật và một lời hẹn gặp lại nhau vào một ngày gần nhất không xa.
(Bài và ảnh: LĐC)