Caritas Italiana, một tổ chức từ thiện của các giám mục Công giáo Ý, đã có mặt tại Afghanistan từ những năm 1990. Trong một thông cáo báo chí ngày 15 tháng 8, tổ chức cho biết trọng tâm hiện tại của họ ở Afghanistan là giúp đỡ những trẻ vị thành niên dễ bị tổn thương.
“Nhưng sự bất ổn của tình hình sẽ dẫn đến việc đình chỉ tất cả các hoạt động”, tuyên bố cho hay, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “sự lo ngại ngày càng tăng về khả năng duy trì sự hiện diện thậm chí ngay cả trong tương lai, cũng như sự an toàn của một số ít người dân Afghanistan có đức tin Kitô giáo”.
Caritas Italiana cũng cho biết một số ít Linh mục và Tu sĩ Công giáo ở Afghanistan cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rời bỏ khu vực.
Lực lượng nổi dậy Taliban đã chiếm nhiều thành phố ở Afghanistan trong tuần qua sau khi lực lượng Hoa Kỳ rút khỏi đất nước.
Với sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan, các chiến binh Taliban đã chiếm giữ thủ đô Kabul vào ngày 15 tháng 8, giành quyền kiểm soát dinh tổng thống và tuyên bố cuộc chiến ở Afghanistan kết thúc.
Sân bay Kabul được cho là đã rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ hôm Chúa nhật, khi những người đàn ông và phụ nữ Afghanistan đổ xô xuống đường bang với nỗ lực chạy trốn khỏi đất nước.
Cộng đồng Kitô giáo rất nhỏ bé ở đất nước Hồi giáo, nơi người dân Afghanistan có thể bị tẩy chay hoặc thậm chí có thể đối mặt với bạo lực và cái chết vì tuyên xưng đức tin Kitô giáo. Năm 2018, ước tính có khoảng 200 người Công giáo trong cả nước.
Chỉ có một Nhà thờ Công giáo duy nhất, nằm trong đại sứ quán Ý ở Kabul, được điều hành dưới quyền của cơ quan truyền giáo Công giáo ở Afghanistan.
“Cộng đồng Kitô giáo là một cộng đồng nhỏ bé nhưng có ý nghĩa quan trọng, trong những năm gần đây đã thể hiện sự quan tâm đến những người nghèo nhất và mong manh nhất”, Caritas Italiana cho biết.
Tổ chức này tuyên bố rằng “sau cuộc chiến kéo dài 20 năm với những tổn thất khôn lường về con người và hàng tỷ euro chi phí, sự rút lui của quân đội Hoa Kỳ đang khiến đất nước rơi vào sự trống rỗng bi thảm”.
“Như mọi khi, kẻ yếu thế nhất sẽ phải trả giá cao nhất, đã có đến hàng chục nghìn người chạy khỏi các khu vực giao tranh, trong khi Taliban hiện đang ở thủ đô Kabul”.
“Cùng với các nhân viên của các đại sứ quán, thậm chí rất ít Linh mục, nam nữ Tu sĩ ở Kabul đang chuẩn bị cho cuộc trở về bắt buộc của họ”, tổ chức từ thiện cho biết.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người cầu nguyện cho người dân Afghanistan sau giờ nguyện Kinh Truyền Tin, một lời cầu nguyện truyền thống kính Đức Mẹ, hôm Chúa nhật.
“Tôi cũng vô cùng lo lắng về tình hình tại Afghanistan. Tôi mời gọi anh chị em cùng hiệp ý với tôi cầu nguyện với Chúa tể hòa bình để tiếng ồn ào của các loại vũ khí chấm dứt và các giải pháp có thể được tìm thấy xung quanh bàn đối thoại”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói. “Chỉ có cách này, những người dân phải chịu đọa đày tại đất nước này – đàn ông, phụ nữ, người già và trẻ em – mới có thể trở về nhà cửa của họ và sống trong hòa bình và an ninh với sự tôn trọng lẫn nhau”.
Caritas Italiana cho biết họ đang đánh giá tình hình của những người tị nạn Afghanistan ở Pakistan tại biên giới Afghanistan.
“Trong thời điểm này, ngày càng có nhiều người tị nạn chạy trốn khỏi các vùng chiến sự, làm gia tăng áp lực về hướng của các quốc gia xung quanh”, Caritas Italiana cho biết. “Thậm chí ngay cả các nước phương Tây cũng sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ những người chạy khỏi đất nước này”.
Tổ chức từ thiện Ý cho biết trong những năm 2000, họ đã hỗ trợ một chương trình có quy mô lớn về viện trợ khẩn cấp, phục hồi và phát triển ở Afghanistan, bao gồm việc xây dựng 4 trường học và 100 ngôi nhà, đồng thời đưa 483 gia đình tị nạn trở về thung lũng Panshir.
Minh Tuệ (theo CNA)