YAOUNDÈ, Cameroon – Mozambique đang trải qua “sự đàn áp và chủ nghĩa toàn trị ngày càng gia tăng của nhà nước”, theo một nhà hoạt động vì hòa bình Công giáo hàng đầu.
Vào ngày 18 tháng 3, người dân Mozambique đã xuống đường ở thủ đô Maputo và các thành phố khác để bày tỏ lòng kính trọng đối với cố nhạc sĩ phản kháng Edson De Luz, được biết đến với cái tên Azagaia. Các cuộc biểu tình diễn ra trong tinh thần ôn hòa, nhưng đã bị lực lượng an ninh Mozambique trấn áp bằng hơi cay và cao su.
Johan Viljoen, Giám đốc Viện Hòa bình Denis Hurley (DHPI) trực thuộc Hội đồng Giám mục Nam Phi, phát biểu với Crux rằng đảng cầm quyền FRELIMO “từ lâu đã vượt qua giai đoạn mà nó là một phong trào phổ biến… Giờ đây, nó rõ ràng là nhóm đầu sỏ chính trị có ý định làm giàu cho bản thân càng nhiều càng tốt, chẳng cần giả vờ bình đẳng hay nhân quyền”.
Sự thối nát như vậy thường là tâm điểm trong những bản nhạc của nhạc sĩ Azagaia. Một trong những bài hát nổi tiếng của cố nhạc sĩ – “Povo no Poder” – là lời than phiền về chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Chàng nhạc sĩ trẻ cũng đã tận dụng các bài hát của mình để cáo buộc các chính trị gia của đảng cầm quyền bóc lột những công dân bình thường hầu tìm kiếm của cải cá nhân.
Rapper trẻ qua đời vào ngày 9 tháng 3, hưởng dương 38 tuổi, do ảnh hưởng của một cơn động kinh, và cái chết của anh đã gây ra các cuộc biểu tình trên khắp đất nước, gây ra phản ứng bạo lực của lực lượng an ninh.
“Người dân Mozambique trên toàn thế giới vô cùng sốc khi thấy mức độ vũ lực và bạo lực mà lực lượng an ninh sẵn sàng tung ra đối với chính người dân của họ”, ông Viljoen nói.
“Thật đáng lo ngại khi Tổng thống [Filipe] Nyusi coi bất kỳ người nào chống lại nhà nước là ‘kẻ thù của nền dân chủ'”, ông Viljoen cho biết thêm.
“Đây không phải là một sự kiện riêng lẻ và là sự kiện mới nhất trong mô hình đàn áp leo thang”, ông Viljoen nói.
Ông Viljoen cho biết Tổng thống Nyusi và chính phủ của ông đã được giúp đỡ vì cuộc chiến ở Ukraine đồng nghĩa với việc các quốc gia tài trợ đang trở nên thận trọng hơn nhiều trong các giao dịch với các nhà sản xuất dầu mỏ như Mozambique.
“Trước đây, các chính phủ tài trợ nhấn mạnh vào mức độ tối thiểu của việc quyền con người được tôn trọng. Kể từ khi chiến tranh Ukraine bùng nổ, họ khao khát các thỏa thuận dầu khí đến mức không đề cập đến nhân quyền, để không gây thù địch với nhà nước. Nhà nước giờ đây dường như nghĩ rằng họ có toàn quyền thực hiện hành vi tàn bạo đối với chính công dân của mình”, ông Viljoen phát biểu với Crux.
Việc đàn áp các cuộc biểu tình diễn ra vào thời điểm báo cáo Nhân quyền năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu chi tiết những chi tiết đáng lo ngại về các vụ vi phạm nhân quyền ở Mozambique.
“Các vấn đề quan trọng về nhân quyền bao gồm các báo cáo đáng tin cậy về: các vụ giết người trái pháp luật hoặc tùy tiện, bao gồm cả các vụ giết người ngoại tụng; mất tích cưỡng bức; điều kiện nhà tù khắc nghiệt và nguy hiểm đến tính mạng; bắt hoặc giam giữ tùy tiện; những hành vi ngược đãi nghiêm trọng trong một cuộc xung đột, bao gồm những cái chết hoặc những tổn hại dân sự một cách bất hợp pháp và lan rộng, các vụ bắt cóc, các vụ ngược đãi về thể lý, các vụ hãm hiếp, nô lệ tình dục và sử dụng binh lính trẻ em một cách bất hợp pháp bởi các chủ thể phi nhà nước; những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do ngôn luận và truyền thông, bao gồm bạo lực và đe dọa bạo lực đối với các nhà báo, và các vụ bắt giữ hoặc truy tố phi lý các nhà báo; sự can thiệp đáng kể đối với quyền tự do hội họp ôn hòa; tình trạng tham nhũng nghiêm trọng của chính phủ; và thiếu điều tra cũng như trách nhiệm giải trình đối với bạo lực trên cơ sở giới”, báo cáo nêu rõ.
Tổng thống Nyusi đã phản ứng lại những lời chỉ trích bằng cách chỉ thị Bộ nội vụ của đất nước “điều tra những lý do khiến cảnh sát tham gia vào các cuộc đối đầu sử dụng bạo lực đối với thanh thiếu niên”, theo Đài phát thanh Mozambique thuộc sở hữu nhà nước, nhưng rất ít người tin rằng cuộc điều tra sẽ dẫn đến bất kỳ kết quả đáng kể.
FRELIMO gần đây đã soạn thảo một luật về các tổ chức phi lợi nhuận mà chính phủ nói là nhằm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, nhưng những người chỉ trích cáo buộc rằng nó sẽ nhắm vào các nhóm nhân quyền.
“Đây là một nỗ lực nhằm kiểm soát xã hội dân sự. Giáo hội Công giáo được coi là một xã hội dân sự, vì vậy Giáo hội bị ảnh hưởng trực tiếp”, ông Viljoen phát biểu với Crux.
“Nguy cơ tồn tại là nhà nước không chỉ kiểm soát các tổ chức phi chính phủ trong hoạt động và các tuyên bố trên phương tiện truyền thông của họ, mà còn hạn chế các nguồn quỹ. Ở Nampula, kể từ khi UNHCR và WFP ngừng cung cấp thực phẩm cho những người di tản trong nước (IDP) do thiếu kinh phí, hiện chỉ có Caritas cung cấp. Nếu nhà nước can thiệp, sinh kế của hàng chục ngàn IDP phụ thuộc vào Caritas sẽ bị đe dọa”, ông Viljoen nói.
Ông Viljoen cho biết cuộc đàn áp gần đây nơi một quốc gia đang quay cuồng với các vụ tấn công khủng bố ở khu vực phía bắc Cabo Delgado chỉ đồng nghĩa với khả năng xảy ra bạo lực nhiều hơn.
“Bạo lực luôn sinh ra nhiều bạo lực hơn. Cuộc đàn áp hiện nay dẫn đến tình trạng bạo lực tại trung tâm thủ đô – lần này do chính nhà nước gây ra”, ông Viljoen nói.
Minh Tuệ (theo Crux)