Tinh thần khiêm tốn và sự tin tưởng: Tìm chìa khóa cho cuộc hành trình hiệp hành

Nữ tu Nathalie Becquart Dòng Truyền giáo Xavière , Phó Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mụccủa Thượng Hội đồng Giám mục, được chụp trong nhà nguyện tại văn phòng của cô tại Vatican ngày 5 tháng 1 năm 2021 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Nữ tu Nathalie Becquart Dòng Truyền giáo Xavière , Phó Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, trong bức ảnh được chụp bên trong nhà nguyện tại văn phòng tại Vatican ngày 5 tháng 1 năm 2021 (Ảnh: CNS / Paul Haring)

Khi nhiều tín hữu Công giáo cố gắng hiểu điều Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nói khi đề cập đến “một Giáo hội hiệp hành”, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh một số đặc điểm thiết yếu – đặc biệt là thái độ khiêm tốn và sự tin tưởng – trong các bài giảng và bài phát biểu nhân dịp lễ Giáng sinh và dịp đầu năm mới.

Chẳng hạn, khi chia sẻ trong Thánh Lễ Chúa Hiển Linh vào ngày 6 tháng Giêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắn nhủ các tín hữu Công giáo rằng họ cần học hỏi từ các nhà đạo sĩ, đừng ngại bước đi trên một con đường mới khi Chúa Thánh Thần truyền cảm hứng và soi dẫn họ làm điều đó.

“Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của Thượng Hội Đồng: cùng đồng hành và lắng nghe lẫn nhau, để Chúa Thánh Thần có thể đề khởi cho chúng ta những phương cách và những đường hướng mới để mang Tin Mừng đến với tâm hồn những người xa cách, thờ ơ hoặc không có niềm hy vọng, nhưng vẫn tiếp tục tìm kiếm điều mà các nhà đạo sĩ đã tìm thấy: ‘một niềm vui lớn lao’”.

Nữ tu Nathalie Becquart Dòng Thừa Sai truyền Xavière, Phó Tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, phát biểu với hãng tin CNS vào ngày 5 tháng 1 rằng: “Tôi thấy hạt giống của tính hiệp hành đã phát triển”.

Lời giải thích ngắn gọn của Nữ tu Becquart về tính hiệp hành đó là “khởi đi từ ‘tôi’ đến ‘chúng ta'”.

Tính hiệp hành có nghĩa là thừa nhận rằng việc trở thành một Kitô hữu là trở thành thành viên của cộng đoàn với những khả năng và trách nhiệm được chia sẻ, được mời gọi để lắng nghe cách Chúa Thánh Thần đang soi dẫn cho mỗi người đã được rửa tội và cộng tác nhằm tìm ra những phương tiện hữu hiệu hơn trong việc chia sẻ Tin Mừng, Nữ tu Becquart nói. “Chúng ta phải nhấn mạnh rằng điểm chung của chúng ta thông qua Bí tích Rửa tội quan trọng hơn tất cả những khác biệt về địa vị, tuổi tác, ơn gọi hay vai trò của chúng ta”.

Tuy nhiên, sự thừa nnhận đó là điều không thể nếu không có đức khiêm tốn, như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh trong bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo của Giáo triều Rôma vào ngày 23 tháng 12.

“Chỉ có sự khiêm nhường mới có thể giúp chúng ta gặp gỡ và lắng nghe, đối thoại, phân định, và cùng nhau cầu nguyện”, Đức Thánh Cha nhắn nhủ với các nhà lãnh đạo của Giáo triều Rôma. “Nếu chúng ta vẫn bị bủa vây trong những xác tín và kinh nghiệm của chính mình, cái vỏ cứng nhắc của những suy nghĩ và cảm xúc của chính chúng ta, thì sẽ rất khó để cởi mở với kinh nghiệm đó về Chúa Thánh Thần, mà như Thánh Phaolô Tông đồ nói, được sinh ra từ xác tín rằng tất cả chúng ta đều là con cái của ‘một Thiên Chúa và là Cha của tất cả mọi người, là Đấng trổi vượt trên hết và thông suốt mọi sự’.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã khởi động tiến trình cho Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng 10, và trong khi các Giáo phận trên khắp thế giới được yêu cầu bắt đầu các phiên lắng nghe tại địa phương ngay sau đó, tiến trình này dự kiến sẽ chuyển sang giai đoạn cao điểm vào năm 2022.

Trong khi các phương tiện truyền thông Công giáo ở Hoa Kỳ, chẳng hạn, đã viết rất nhiều về sự khởi đầu chậm chạp của tiến trình này ở nhiều Giáo phận, “hơn 50% Giáo phận ở Hoa Kỳ” đã chỉ định các điều phối viên và đang bắt đầu các phiên lắng nghe, Nữ tu Becquart cho biết.

Những phiên lắng nghe đó, Nữ tu Becquart cho biết, chính là trọng tâm của Thượng Hội đồng, vốn không còn là một “sự kiện” được tổ chức khi một nhóm Giám mục đại diện nhóm họp trong ba tuần ở Rôma mà là một tiến trình bắt đầu với việc các nhóm Công giáo địa phương cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ và phân định.

Mặc dù điều đó có thể không thoải mái, nhưng việc lắng nghe lẫn nhau sẽ không thể mang lại hiệu quả nếu không thừa nhận những hạn chế và thành kiến của bản thân – Nữ tu Becquart nói.

Các Giám mục, Linh mục và những người khác có vai trò lãnh đạo trong Giáo hội được mời gọi để có được tầm nhìn rộng hơn, điều này đòi hỏi sự khiêm tốn và kiên nhẫn hơn nữa trong việc lắng nghe tất cả mọi người và sẵn sàng xem xét các quan điểm và kinh nghiệm khác, Nữ tu Becquart nói.

“Kitô giáo không nói về sự hiểu biết hay kiến thức, mà nói về việc sống giống như Chúa Giêsu Kitô”, Nữ tu Becquart nói, đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rất nhiều vào việc lắng nghe người nghèo và những người ở “khu vực ngoại vi” của các cấu trúc quyền lực xã hội, kinh tế và thậm chí Giáo hội.

Một điểm khác mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ vào ngày 1 tháng 1, Lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, đó là Giáo hội cần “những người mẹ, những người phụ nữ nhìn thế giới không phải để lợi dụng bóc lột nó, nhưng để nó có thể có sự sống. Những người phụ nữ, nhìn mọi thứ bằng con tim, có thể kết hợp ước mơ và khát vọng với thực tế cụ thể, mà không bị lạc trôi vào sự trừu tượng và chủ nghĩa thực dụng khô khan”.

Nữ tu Becquart cho biết chị không tin người ta có thể nói: “Phụ nữ thế này; đàn ông thế kia, nên phụ nữ có thể mang cái này đến nhà thờ”.

“Thách thức đó là trở thành một Giáo hội với những người nam và người nữ cùng với nhau”, Nữ tu Becquart nói.

Và, Nữ tu Becquart nói, không thể phủ nhận rằng ở nhiều nơi trên thế giới và trong Giáo hội, “kinh nghiệm của phụ nữ chủ yếu là bị nam giới thống trị”, nhưng bất chấp điều đó hoặc vì thế, họ cũng có xu hướng có được “khả năng mau phục hồi”.

Theo kinh nghiệm cá nhân và trong nghiên cứu của mình, Nữ tu Becquart chia sẻ, “tính hiệp hành là con đường của sự hòa giải, của sự chữa lành”, kể cả giữa nam giới và phụ nữ hoặc giữa giáo sĩ và giáo dân.

Nhà truyền giáo Dòng Xavière biết quyền mang tính biểu tượng của việc một phụ nữ được bỏ phiếu tại Thượng Hội đồng Giám mục Công giáo, là điều mà Sơ được mong đợi với tư cách Phó Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục, nhưng Nữ tu Becquart nhấn mạnh “điều quan trọng hơn là có tiếng nói của phụ nữ ở mọi giai đoạn” chứ không chỉ là những cân nhắc cuối cùng của tiến trình này.

Minh Tuệ (theo NCROnline)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết