Vào hai ngày 02/11 và 03/11, Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle, Tổng Giám mục Manila, đã giảng tĩnh tâm cho Tổng Công Hội lần thứ XXV của Dòng Chúa Cứu Thế, đang nhóm họp tại Thái Lan. Ngài nói về tình liên đới trong sứ vụ và cho sứ vụ, tức là về tình liên đới thừa sai trong cộng đoàn thánh hiến, chứng nhân ngôn sứ cho sứ vụ loan báo Tin Mừng cứu độ.
Dưới đây là nội dung chính của bài chia sẻ trong ngày thứ nhất của hai ngày tĩnh tâm:
Hiệp thông chính là quà tặng của Thiên Chúa cho chúng ta. Chúng ta đón nhận và sống quà tặng này trong cộng đoàn. Tình liên đới chính là hiệp thông, chính là cộng đoàn. Đôi khi chúng ta bị chất vấn về đời sống cộng đoàn, và chúng ta thay đổi từ “cộng đoàn” bằng từ “nhà.”
Đời sống cộng đoàn không chỉ là sự nâng đỡ, ủng hộ, hay bối cảnh cho sứ vụ. Tình liên đới, sự hiệp thông trong đời sống cộng đoàn là sứ vụ. Chính trong ý nghĩa này chúng ta là thừa sai. Vì cộng đoàn là thừa sai. Mỗi cộng đoàn địa phương là một nhà thừa sai.
Bất cứ nơi nào chúng ta đến, xây dựng tình hiệp thông cộng đoàn thật không phải là một công việc dễ dàng. Chúng ta thấy đôi khi có những bạn trẻ lẫn lộn ước muốn làm linh mục với ơn gọi tu sĩ. Để làm linh mục thì gia nhập một cộng đoàn thánh hiến. Họ vào nhà dòng để làm linh mục. Chúng ta đôi khi cũng có sự lẫn lộn. Có những linh mục triều sống với nhau trong nhà xứ như một cộng đoàn thánh hiến, và cũng có những tu sĩ sống với nhau như linh mục triều. Chúng ta vẫn lẫn lộn thế! Ơn gọi thánh hiến luôn đồng nghĩa với đời sống cộng đoàn.
Chúng ta có các anh em tu sĩ (không chức thánh) ở giữa chúng ta. Họ là những chứng nhân nhắc nhớ chúng ta rằng đời sống thánh hiến không phải là chuyện thụ phong linh mục. Anh em là tu sĩ thừa sai mà không cần lãnh nhận chức thánh.
Tình liên đới trong đời sống cộng đoàn thánh hiến là sứ vụ. Tình liên đới ấy được đặt nền tảng trên bí tích Thánh Thể. Thánh Thể là bí tích của sự hiệp thông của Thiên Chúa với chúng ta và với toàn thể tạo thành. Chính trên này tảng này, chúng ta làm rõ ba điểm sau đây.
- Đối thoại với các nền văn hoá trong cộng đoàn
Kinh Thánh gợi ý cho chúng ta hiểu thế nào là đối thoại văn hoá (dialogue of cultures). Có nhiều cách hiểu về văn hoá. Định nghĩa kinh điển về văn hoá là sự đa phức của các hình thể suy nghĩ, hành động, cảm thức của một xã hội cho phép những thành viên trong đó tồn tại. Nó cho chúng ta cảm thức về sự hiện hữu và tính thuộc về. Nó làm cho cuộc sống có ý nghĩa. Chúng ta không thể trốn khỏi văn hoá. Chúng ta tất cả cho dù đang làm gì thì đều là sản phẩm của văn hoá. Cảm, nghĩ, hành động của chúng ta đều bị điều kiện hoá bởi chính văn hoá chúng ta đang sống. Chúng ta sẽ không nhận ra những nét đặc biệt của chúng ta cho đến khi chúng ta đến một nền văn hoá khác. Ví dụ, chúng ta kể chuyện cười và chẳng ai cười. Cười cũng là văn hoá.
Chúng ta có thể biết văn hoá của người khác khi chúng ta quan sát người ấy dùng không gian, thời gian, ngôn ngữ, cử chỉ. Ngôn ngữ không phải là từ ngữ và văn phạm nhưng chính là bước vào thế giới của một dân tộc.
Thách đố của chúng ta là làm sao sống tình liên đới trong sự đối thoại liên tục với văn hoá nơi chúng ta đang sống. Làm sao phát triển kỹ năng và nghệ thuật đối thoại. Thật không dễ dàng. Càng không dễ dàng chút nào khi chúng ta chân thành đối thoại như “chính tôi là” và “những gì đã định nghĩa nên tôi” với các anh em của mình trong cộng đoàn.
Giới kinh doanh hôm nay luôn tìm kiếm những người “thông minh văn hoá”. Họ là những người biết văn hoá của mình và cũng biết văn hoá của người khác, có khả năng đối thoại, sống chung, chia sẻ công việc với các bạn đồng nghiệp.
Chúng ta cũng tìm một cách thức sống văn hoá của chúng ta, văn hoá của những môn đệ Chúa Kitô. Có sự đa dạng phong phú trong văn hoá của chúng ta, nhưng chúng ta cần học từ nhau, hiểu nhau, thanh luyện nhau, đi với nhau, gắn kết với nhau vì lợi ích chung của sứ vụ.
Bên cạnh những văn hoá trong cộng đoàn mình, chúng ta cần gặp gỡ những văn hoá của thời đại hôm nay. Văn hoá của người trẻ, của di dân, của người nghèo, của người tàn tật. Chúng ta nói về sứ vụ, nhưng văn hoá của những người đón nhận sứ vụ loan báo Tin Mừng của chúng ta như thế nào. Chúng ta có hiểu họ khi họ nói “không” hay “có”?
Chúa Giêsu là một mẫu gương tốt dạy chúng ta sống văn hoá. Ngài có khái niệm không gian của Ngài. Ngài chạm vào người cùi. Ngài cho phép người phụ nữ bệnh nặng chạm vào Ngài. Ngài trình bày một văn hoá mới bằng cách thay đổi cách sử dụng không gian. Về thời gian, khi được biết “họ hết rượu rồi”, Ngài trả lời, “thời gian của tôi chưa đến.” Thời gian của Ngài được quyết định bởi Chúa Cha; không gian của Ngài được quyết định bởi anh chị em mình. Văn hoá của Giêsu luôn luôn là một sự mở ra cho tương quan mà nơi đó có không gian và thời gian cho tình liên đới và hiệp thông với nhau và với Thiên Chúa.
- Ảnh hưởng văn hoá chủ nghĩa cá nhân xa lạ
Chúng ta bị ảnh hưởng chủ nghĩa cá nhân xa lạ. Đây là thứ chủ nghĩa đối kháng với đời sống cộng đoàn. Khuôn mặt cá nhân chủ nghĩa luôn tìm kiếm lợi ích riêng cho bản thân, mong chờ cộng đoàn phục vụ mình, chứ không vì lợi ích chung. Chủ nghĩa này được rao bán với những ngôn từ đẹp như “tính sáng tạo,” “tự giúp mình,” tước hiệu “nhân vật của năm”. Những thần tượng anh hùng cá nhân luôn được dựng nên. Chúng ta phải tỉnh thức với văn hoá này.
Trả lời cho văn hoá chủ nghĩa cá nhân này, chúng ta có bí tích Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể là đến với nhau, là con-vocatio. Chúng ta được gọi đến cùng nhau. Chúa Giêsu yêu thích ở với dân của Ngài. Ngài có cách quy tụ mọi người rất lạ. Như nhóm Mười Hai có ngư phủ, thu thuế, nhóm nhiệt thành, và Giuđa Iscariot. Vì thế, khi chúng ta nhìn anh em mình và hỏi, “Tại sao tôi phải ở với người này?” Tốt nhất chúng ta nên hỏi Chúa. Chính vì sứ vụ của chúng ta mà cộng đoàn được hình thành. Cộng đoàn được thiết lập như thế là vì sứ vụ. Hãy mang lấy thập giá. Đừng chuyển thập giá sang cộng đoàn khác!
Thánh Thể còn là bữa ăn. Chính nơi bữa ăn, Chúa Giêsu làm mới lại tình liên đới và hiệp thông. Ngài ăn với Mátthêu, với Dacaria, với Simon Pharisiêu có cả người phụ nữ tội lỗi rửa chân Ngài bằng nước mắt. Bữa ăn thật quan trọng để Chúa hình thành một cộng đoàn mới. Nhưng trong nền văn hoá hiện nay, bữa ăn trở thành hiếm hoi. Trong đời sống cộng đoàn, chúng ta cũng vì công việc không còn thời gian ăn chung với nhau. Hãy nhớ, ăn chung với nhau cũng là sứ vụ, vì nơi bàn ăn chúng ta không chỉ chia sẻ thức ăn nhưng những câu chuyện. Những câu chuyện đan dệt nên tấm thảm hiệp thông và liên đới trong đời tu.
- Văn hoá “vứt đi”
Văn hoá “vứt đi” mà Đức Thánh Cha Phanxicô nói đến, liên kết với chủ nghĩa cá nhân và văn hoá tiêu xài phung phí. Chúng ta phải tái khám phá lại những giá trị và phẩm giá của mỗi con người. Làm việc là tốt. Làm việc thành công để phát triển và nuôi dưỡng gia đình là tốt. Nhưng nếu làm việc để thành công, và thành công gắn với giá trị vật chất, rồi hy sinh gia đình, ngay cả những phẩm giá cao quý của con người thì thật đáng buồn.
Hằng ngày vẫn có vô số người sống trên những thứ rác chúng ta vứt đi. Chúng ta có tự hỏi, những người sống trên bãi rác có cảm thấy mình cũng là rác. Quả thật, văn hoá “vứt đi” không vứt đi đồ vật mà là vứt đi con người.
Tình liên đới và hiệp thông mở ra chân trời của quà tặng. Không phải là vứt đi nhưng là trao ban. Quà tặng thì quý giá. Quà tặng được trao ban với sự dịu dàng. Mỗi người là quà tặng. Mỗi anh em trong cộng đoàn là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban cho mỗi người chúng ta. Chúng ta được mời gọi đón nhận với lòng biết ơn.
Trong cử hành Thánh Thể, “hoa màu ruộng đất và công lao của con người” là quà tặng của con người dâng lên Thiên Chúa, được thánh hoá trở thành Quà Tặng Tối Cao là chính Con Thiên Chúa, được trao ban cho con người.
Thật không có gì là vứt đi đối với Thiên Chúa. Kinh Thánh đầy những người bị vứt đi. Giuse bị anh em mình vứt đi. Đavít sợ hãi sẽ bị vua Saun giết. Giuse và Maria bị khước từ ở nhà trọ và các ngài tìm đến máng cỏ. Chúa Giêsu cũng bị vứt đi bởi ghen ghét, bởi quyền lực của những kẻ khát chính trị và những nhà lãnh đạo tôn giáo công chính tự thân. Ngài cũng bị những người bạn phản bội và chối từ. Nhưng Thiên Chúa đã ôm lấy tất cả những điều ấy với đôi tay dịu dàng của Ngài và biến tất cả thành quà tặng. Những người ấy là những khuôn mặt chính, nhân tố chính của lịch sử cứu độ.
[Đức Hồng Y Tagle kết bằng một câu chuyện]. Tôi đến trại tị nạn ở Hy Lạp. Mỗi giờ có từ một ngàn đến ba ngàn người vào trại. Sau khi thăm viếng, tôi hỏi đường ra. Người ta chỉ tôi bảng hiệu hướng dẫn. Tôi nhìn lên và thấy chữ “Exodus” (lối ra – xuất hành). Tôi liền nhắn tin cho vị Tổng thư ký Caritas: “Tôi đang đứng dưới bảng hiệu ‘Exodus’”. Ngay lập tức, tôi nhận được tin trả lời, “Chúa chắn chắn đang ở đó.” Vâng Chúa đang ở giữa dân di tản của Ngài. Ngài sẽ chọn họ và biến họ trở thành những tặng phẩm được chọn, dân được chọn.
Chúng ta hãy bắt đầu nơi cộng đoàn của chúng ta, nơi một góc nhỏ nào đó trên thế giới này. Chúng ta hãy là chứng nhân của một cộng đoàn mà các thành viên dù khác nhau về văn hoá, ngôn ngữ, tuổi tác, vẫn đang gắn kết cùng nhau vì sứ vụ chung. Điều này sẽ là một lời chứng ngôn sứ. Trong những khó khăn hằng ngày, chúng ta vẫn luôn là quà tặng cho nhau và cho người khác. Tình liên đới của đời sống cộng đoàn trao ban quà tặng chứng nhân cho một thế giới chia rẽ và vứt đi mọi thứ. Chúng ta hãy là mầu nhiệm của quà tặng của Thiên Chúa cho thế giới hôm nay.
Pattaya, ngày 3 tháng 11 năm 2016
Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh, C.Ss.R.