Tình hình nạn đói hiện nay

Theo ước tính của các cơ quan Liên Hợp Quốc, hiện nay trên thế giới có khoảng 800 triệu người bị đói hoặc thiếu dinh dưỡng. Trong khi hai phần ba của tổng số đó thuộc về châu Á (với tỷ lệ cứ 9 người thì có 1 người bị đói), thì thật ra, tiểu vùng Sahara châu Phi là vùng có tỷ lệ người dân bị đói cao nhất (cứ 4 người thì có 1 người bị đói). Nguyên nhân gây ra cái chết của 45% trẻ em dưới 5 tuổi là do suy dinh dưỡng.

bambino_affamato_uganda-580x336Theo FAO, có đến 37 quốc gia trên thế giới đang rất cần viện trợ lương thực. Trong số này, 28 quốc gia thuộc tiểu vùng Sahara châu Phi.

Thảm kịch đang hoành hành

Báo La Croix (08/3/2017) dành sự chú ý đặc biệt đến các trường hợp khẩn cấp đó. Có bốn quốc gia được nghiên cứu: Nam Sudan, phía đông bắc Nigeria, Somalia và Yemen.

Ngày 20 tháng 2, Liên Hợp Quốc đã tuyên bố nạn đói ở Nam Sudan. Ước tính có khoảng 100.000 người có thể sẽ bị chết đói. Con số này có thể sẽ lên đến một triệu trong vài tháng tiếp theo nếu không được viện trợ. Thực tế, như một cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết, “khi tình trạng đói kém được chính thức tuyên bố, thì có nghĩa là người ta đã bắt đầu chết đói.”

Nhưng không chỉ các thảm họa thiên nhiên – như nạn hạn hán tái phát – đã gây ra những thảm cảnh nhân đạo khẩn cấp. Chính những cuộc xung đột chính trị và quân sự mới thường là nguyên nhân gây ra những thảm cảnh đau khổ lớn lao. Ví dụ tại Nam Sudan. Tổng thống Salva Kiir thuộc sắc tộc Dinka, đang khi vị phó của ông thuộc sắc tộc Nuer. Họ tiến hành một cuộc chiến không khoan nhượng, tranh dành quyền lực và việc khai thác các nguồn tài nguyên dầu mỏ. Tình cảnh đó khiến cho gần 5 triệu người dân Nam Sudan (chiếm 42% dân số) bị đói.

Ở Somalia, mối đe dọa xảy ra nạn đói treo lơ lửng trên đầu hơn 6 triệu người, chủ yếu nằm ở các khu vực nông thôn. Nhưng ngay cả ở đây nữa, có một cuộc chiến tranh du kích do các “chebabs” (nghĩa đen là “thanh niên”), những người Hồi giáo theo hướng cực đoan, gây ra. Họ tấn công khủng bố vào cả trung tâm của thủ đô Mogadishu mà họ cho là phò Ả Rập và thân phương Tây.

Tại Nigeria, đặc biệt là trong vùng đông bắc, khoảng 5 triệu dân bị thiếu lương thực. Quân đội thường xuyên không thể đánh bại các băng đảng Hồi giáo của Boko Haram. Nếu các lực lượng an ninh có kiểm soát các thành phố, thì họ cũng không thể làm gì ở nông thôn và các khu rừng, nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố.

Một quốc gia không phải châu Phi nhưng cũng gây quan ngại lớn về lương thực là Yemen, nơi có đến hơn 7 triệu người đói khổ. Ở đây cũng có một cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra giữa những người ủng hộ tổng thống bị lật đổ và những người ủng hộ người tiền nhiệm của ông ta. Tình hình càng thêm phức tạp bởi sự can thiệp quân sự của Ả-rập Xê-út ủng hộ tổng thống bị lật đổ và Iran ủng hộ cựu tổng thống. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc (hôm 23/2) tường trình rằng “cả hai bên của cuộc xung đột đều gây cản trở sự phân phối viện trợ nhân đạo dưới mọi hình thức”.

Ở những nước ấy, ngoài nạn đói và nội chiến, đáng chú ý là sự vắng mặt của Nhà Nước, và nền kinh tế (bao gồm cả các hoạt động nông nghiệp và thương mại) hầu như không tồn tại. Hơn nữa, các hoạt động viện trợ nhân đạo luôn phải đối mặt với muôn vàn những thứ rào cản.

Theo UNICEF, trong bốn quốc gia được nghiên cứu, có khoảng 1,5 triệu trẻ em chết vì đói.

Các nỗ lực viện trợ nhân đạo

Phải làm gì để giúp đỡ những người dân ấy? Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đã nêu câu hỏi đó từ Somalia, nơi ông đến thăm một trại tị nạn, bởi vì, như ông nói, “chúng ta có một nghĩa vụ đạo đức phải làm mọi thứ có thể để giúp đỡ những con người này.”

Các cơ quan của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ đang thúc đẩy việc mở các hành lang nhân đạo. Nhưng ngay cả việc này cũng có những khó khăn. Sự thiếu các cơ sở hạ tầng, sự phân tán dân cư và sự không đáng tin cậy của các bên xung đột là những nguyên nhân chính. Liên quan đến sự không đáng tin cậy của các bên xung đột, Alexandre Giraud của Solidarités International  lưu ý rằng để mở các hành lang nhân đạo, phải ủy quyền cho các nhóm vũ trang, nhưng các biện pháp thực hiện của các nhóm này là cực kỳ bạo lực. Viên chức này, một chuyên gia về các vấn đề châu Phi, cũng cho biết rằng, về phương diện nhân đạo, không có bất cứ cuộc đàm phán nào có thể xảy ra với Boko Haram.

Chứng từ của G. Fominyen, một quan chức của Chương trình Lương thực Thế giới, cũng giúp chúng ta hiểu hơn thảm cảnh của Nam Sudan. Những cư dân của vùng Leer – ông nói – đã phải ăn thực vật thủy sinh khi ẩn náu sáu tháng trời trong các đầm lầy để thoát khỏi cuộc xung đột đang diễn ra.

Carolin Boyd, một viên chức Liên Hợp Quốc tại Sudan, tỏ ra thất vọng: “Từ ba năm nay, sự mất an ninh lương thực đang ngày càng gia tăng. Hàng năm chúng tôi đều nói rằng tình hình là không thể tồi tệ hơn. Tuy nhiên… “. Và, như để đưa ra bằng chứng, ông nói rằng trong vòng hai năm, cơ sở cung cấp thực phẩm mà ông phụ trách đã hai lần bị phá hủy hoàn toàn.

Nhưng các nhà chính trị và các cơ quan báo chí thường lãng quên hoặc làm ngơ các bên của rất nhiều cuộc xung đột trên thế giới. Thậm chí nạn đói, vốn có nguy cơ trở thành một bi kịch, cũng bị lãng quên.

Bruno Scapin

Vũ Hùng chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết