Thánh ý Thiên Chúa muốn bạn và tôi cảm nhận được tình yêu của Ngài và nhận ra bình an của Ngài. Đức tin Công Giáo không thể nuôi dưỡng chỉ bằng việc chu toàn lề luật. Đi xa hơn thế, chúng ta được mời gọi quảng đại đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa bằng cách yêu mến Ngài qua việc cầu nguyện và tìm kiếm cách chia sẻ tình yêu của Ngài với anh chị em mình.
Mến Chúa và yêu người là cánh cửa dẫn đến cuộc đời bình an
“Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Ðây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các con thi hành những điều Thầy truyền. Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con đi, và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con xin nơi Chúa Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều này là: các con hãy yêu mến nhau”. (Ga 15,12-17)
Trong cuộc sống hằng ngày, sẽ có nhiều cách khác nhau để tách biệt chúng ta ra khỏi Thiên Chúa. Dù tôi không có chủ ý đặt Ngài sau những lựa chọn khác, nhưng tôi có thể dễ dàng bị lôi cuốn và gạt bỏ Ngài bởi những bận rộn hằng ngày của tôi. Mọi hoạt động trong ngày, những mục tiêu theo đuổi và cả chuyện tình cảm (hay cả chuyện tiền nong). Vâng, và thậm chí mối bận tâm của tôi dành cho gia đình cũng góp phần cản trở tôi thực hiện điều răn thứ nhất: “Bấy giờ, Đức Chúa Trời phán mọi lời này, rằng: Ta là Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.” (Xuất hành 20,1-3)
Có lẽ bạn chưa bao giờ ý thức rằng ngay cả những bận rộn hoặc thậm chí những thứ đáng trân trọng như mối quan tâm dành cho gia đình cũng có thể trở thành một dạng ngẫu tượng – những thứ khiến cho ta thấy quan trọng hơn cả mối tương quan với Thiên Chúa; và theo thời gian nó sẽ đẩy chúng ta ra khỏi sự bình an của Thiên Chúa.
Vậy với một người phụ nữ hiện đại, làm thế nào có thể chu toàn điều răn thứ nhất kia ?
Tạ ơn Chúa vì chúng ta có nhiều cách thức khác nhau để làm được điều đó. Một vài người sẽ tôn thờ Chúa bằng việc kính cẩn chiêm ngắm Ngài mỗi ngày trong các Thánh lễ. Một số khác sẽ tôn vinh Chúa qua các giờ kinh phụng vụ, kinh truyền tin vào buổi trưa hay kính Lòng Chúa Thương Xót vào lúc ba giờ chiều. Một số khác sống lời Chúa bằng cách đọc Tin mừng mỗi ngày, tham gia các lớp học Kinh thánh hằng tuần, hoặc là phục vụ các thánh lễ vào ngày Chúa Nhật. Một trong những cách tôi thường hay làm để mở lòng mình ra với Thiên Chúa đó là hát Thánh ca theo năm phụng vụ với gia đình mình, hoặc ở quanh bàn ăn, hoặc ở trên xe khi đến trường và một lần nữa trên giường trước khi đi ngủ.
Đặc điểm chung của tất cả những điều này là chúng không phải những chương trình hay dự án, chúng đơn giản chỉ là những cách thức để giữ Thiên Chúa luôn được ưu tiên trước hết. Cho dù đó là những lời cầu nguyện và lòng sùng kính truyền thống hay tân thời, chúng ta đạt được sự bình an nội tâm bền vững bằng việc liên tục đặt chính mình dưới sự quan phòng của Thiên Chúa để cho tình thương của Ngài hằng ngự trị trong tâm hồn chúng ta.
Khi suy ngẫm về cuộc đời của chính tôi, tôi thấy khẳng định trên luôn luôn đúng. Trong đời sống hằng ngày, tôi nghĩ đến những người như các thầy cô giáo hoặc những người lãnh đạo nơi công sở tôi làm việc, chính họ đã cho tôi sự yêu thương và cả sự khích lệ. Những mối tương quan bằng hữu này đã nâng tôi lên những khi tôi chán nản, xoa dịu tôi những khi tôi mất bình tĩnh, tái tạo nguồn năng lực mới cho tôi, hoặc giúp tôi có lại sự bình an. Tôi cảm thấy điều này cũng đúng với mối tương quan giữa tôi và Chúa Giêsu
Còn bạn, bạn cảm thấy thế nào khi suy ngẫm về chính hành trình đức tin của bạn, về mối tình thân hữu với Giêsu? Tôi cầu nguyện rằng bạn thấy bình an và yêu thương, thay vì lo lắng và mặc cảm tội lỗi. Nhưng giả như bạn thấy mình lo lắng và tội lỗi, Đức Thánh Cha Phanxicô có một vài lời nhắn nhủ tới bạn:
Nếu nhà giảng thuyết trung thành với Phúc Âm, hiển nhiên phải thấy rằng nền luân lý Kitô giáo không phải là một dạng thức của trường phái Khắc Kỷ, hay sự từ bỏ mình, hoặc đơn thuần là một triết học thực dụng hoặc một danh sách các thứ tội lỗi. Trên hết, Phúc Âm mời gọi Chúng ta đáp lại Thiên Chúa Đấng đầy yêu thương đã cứu chúng ta, để rồi chúng ta có thể nhận ra Chúa nơi tha nhân và bước ra khỏi cái tôi của mình để tìm kiếm những gì là tốt đẹp nơi anh chị em mình.
Bất kì ai cũng cần được Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đụng chạm. Thứ tình yêu ấy hoạt động một cách huyền nhiệm nơi mỗi con người, nó vượt lên trên cả những lỗi lầm và đổ vỡ. (Tông huấn niềm vui Tin Mừng chương 39, câu 44)
Thánh ý Thiên Chúa muốn bạn và tôi cảm nhận được tình yêu của Ngài và nhận ra bình an của Ngài. Đức tin Công Giáo không thể nuôi dưỡng chỉ bằng việc chu toàn lề luật. Đi xa hơn thế, chúng ta được mời gọi quảng đại đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa bằng cách yêu mến Ngài qua việc cầu nguyện và tìm kiếm cách chia sẻ tình yêu của Ngài với anh chị em mình.
Trong thực tế, mặc dù chúng ta có khao khát bình an thế nào đi chăng nữa và mong muốn trở thành người hòa giải, thì sự vội vã, mối lo lắng, và tất cả những cuộc xung đột lớn nhỏ sẽ ngăn cản chúng ta. Bình an thì không phải là trạng thái kiên định, mà nó là điệu nhảy với thời gian, sự căng thẳng, mâu thuẫn, tiền bạc, sự hiểu lầm, sự hẹp hòi và thậm chí là sự dữ. Thực tế câu hỏi không phải là “Bạn có bình an hay không?” nhưng hãy hỏi: “Chúng ta có thể giữ chặt lấy Chúa Giêsu, Hoàng Tử Bình An, để giúp chúng ta đứng vững trên đôi chân của mình, ngay cả khi thế lực sự dữ đang cố gắng đưa mình vào những vòng xoay không ngờ trước?”
Lạy Chúa Giêsu, Ngài là nguồn bình an của con. Bắt đầu từ hôm nay, xin nhen nhóm và đổi mới những trải nghiệm của con trong tình thân hữu với Ngài để con có thể cảm nhận tình yêu thương và bình an của Ngài.
Trích từ Việc tìm kiếm bình an của Chúa trong những thử thách hằng ngày của Heidi Bratton.
Chuyển ngữ: Giới Trẻ Thừa Sai Chúa Cứu Thế Miền Nam