Tin Mừng thứ bảy 17/11/2018: Phải kiên trì cầu nguyện

“Đức Giêsu … dạy các môn đệ phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Và Người kết thúc: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8b).

2rqjdr9Sự xuất hiện chủ đề “Con Người ngự đến” và chủ đề “lòng tin” cho thấy ý hướng của tác giả Luca không phải là nói về sự cầu nguyện đơn giản theo nghĩa thông thường của một công việc đạo đức, nhưng là việc cầu nguyện trong viễn tượng chờ đợi cuộc Quang Lâm. Lời cầu nguyện sẽ có sức mạnh gìn giữ các Kitô hữu trong lòng tin, tức là trong sự trung thành với Tin Mừng ngay giữa những gian lao thử thách của các cuộc bách hại

Bài Tin Mừng kết thúc với một câu hỏi, không có câu trả lời. Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu hay tác giả Luca có một cái nhìn bi quan về tương lai. Câu hỏi này được đặt ra nhằm nhấn mạnh lời mời gọi tỉnh thức trong khi chờ đón ngày Quang Lâm.

Đối với Chúa Giêsu, tình yêu, sự trung tín, lòng nhân lành, quyền năng và sự cứu giúp của Thiên Chúa là điều hoàn toàn chắc chắn. Với câu hỏi cuối bài Tin Mừng, Ngài khơi gợi một vấn đề: sự không chắc chắn thì nằm về phía con người. Con người có thể đánh mất lòng tin khi phải trải qua thử thách khắc nghiệt của cuộc đón chờ Chúa Quang Lâm.

Nhưng đồng thời, câu hỏi cuối cùng này, đặt liền mạch với toàn bộ bài Tin Mừng, còn có giá trị gợi ý một phương thế hữu hiệu để các Kitô hữu đi qua những thử thách khắc nghiệt đó mà vẫn trung thành. Phương thế tuyệt hảo ấy, chính là cầu nguyện. Người tha thiết và kiên tâm cầu nguyện sẽ gìn giữ được lòng tin và sẽ được hưởng công lý của Thiên Chúa nhân lành.

Điểm chính yếu cần chú ý trong bài Tin Mừng là mối tương quan giữa Thiên Chúa và chúng ta, được diễn tả qua lời kêu gọi phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Khi dạy các đồ đệ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã dạy họ phải hướng về Thiên Chúa trong tư cách Người là Cha (Lc 11,2). Thiên Chúa không phải là một quan tòa bất chính, thờ ơ trước số phận và tình cảnh của chúng ta. Người là Cha của chúng ta và hằng bận tâm săn sóc chúng ta. Nếu chúng ta nản chí trong việc cầu nguyện, thậm chí là thôi không cầu nguyện nữa, thì điều đáng buồn không phải chỉ là chúng ta đã bỏ mất một công việc đạo đức có giá trị, mà chính yếu là chúng ta, trong thực tế, không còn công nhận rằng Thiên Chúa là Cha của chúng ta nữa, nhưng coi Người như là một vị thần thờ ơ lãnh đạm đối với số phận và tình cảnh của con người.

Ngọc Huỳnh

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết