ĐỌC TÁC PHẨM CỦA ĐỨC HỒNG Y WALTER KASPER
VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT (VII)
Ngày con người sa ngã phạm tội là ngày họ bỏ Thiên Chúa mà đi. Họ đã chạy trốn vào bụi gai chết chóc của cuộc đợi. Nhưng ngày con người chạy trốn Thiên Chúa cũng là ngày Thiên Chúa, với tất cả lòng xót thương vô hạn, đi tìm kiếm con người. Ngày ấy, Sách Thánh ghi lại rằng Thiên Chúa lên tiếng réo gọi con người: ‘Ađam, ngươi ở đâu?’ (x. St 3, 9).
Có thể nói, trong suốt dòng lịch sử, với tất cả lòng xót thương, Thiên Chúa cứ đằng đẵng theo đuổi và tìm kiếm con người trở về với Ngài. Đến thời viên mãn, Thiên Chúa không còn phải ở trên cao để réo gọi con người trở về với Ngài nữa, nhưng chính Thiên Chúa ở trong Người Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô đã đi vào dòng đời để nói hết tâm tư của Ngài ra, tâm tư của một Thiên Chúa giàu lòng nhân nghĩa, xót thương đối với con người.
Sứ vụ công bố lòng thương xót
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, không có sứ vụ nào khác ngoài sứ vụ công bố lòng thương xót đối với nhân loại khốn khổ, nghèo hèn và tội lỗi. Với sự xuất hiện của Đức Giêsu ở giữa dòng đời, thánh Maccô đã không ngần ngại tuyến bố: Nước Thiên Chúa, Nước của Lòng Xót Thương Thiên Chúa đã cận kề, ở đây và ngay bây giờ rồi! (x. Mc 1, 15).
Với thánh sử Luca, những gì Thiên Chúa đã phải nhờ các ngôn sứ xưa kia để nói về lòng thương xót của Ngài đối với dân Ngài, thì nay Ngài đã nói hết tất cả qua Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô. Nói cách khác, những gì Thiên Chúa đã hứa qua các ngôn sứ thì bây giờ được thành tựu nơi Người Con Một nhập thể làm người: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa….. Người bắt đầu nói với họ: ‘Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.’” (Lc 4, 18 – 19).
Với thánh sử Matthêu, sứ vụ của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đi giữa dòng đời, là sứ vụ tìm kiếm những tâm hồn mệt mỏi rã rời để cho họ được nghỉ ngơi, được mang lấy “ách nhẹ nhàng” của lòng thương xót Thiên Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28 – 30).
Sự hiện diện chữa lành do bởi lòng thương xót
Vì là hiện thân của lòng thương xót Thiên Chúa ở giữa dòng đời, nên đi đến đâu Đức Giêsu cũng đều để cho sức mạnh chữa lành và biến đổi của lòng thương xót Thiên Chúa được lan tỏa tới đó. Những người yếu nhược khi gặp được Ngài, thì họ được nâng đỡ (x. Mt 12, 20; Mc 10, 14; Lc 18, 16). Những kẻ bệnh hoạn tật nguyền khi gặp được Ngài thì liền được chữa lành cả về thể xác lẫn tinh thần (x. Mt 8, 3; 14, 14; 20, 34; Mc 1, 41; 10, 52; Lc 5, 13; 9, 11; 13, 12; 18, 42 – 43). Những kẻ đang gặp cảnh u sâu, tang chế khi gặp được Ngài thì được ủi an (Lc 7, 13; 8, 50; Mc 5, 36; Ga 11, 33 – 35; 19, 25 – 27; 20, 14 – 16). Đặc biệt, là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa ở giữa trần gian, Đức Giêsu không xa tránh những kẻ tội lỗi, trái lại luôn sẵn sàng “đồng bàn với quân thu thuế và phường tội lỗi” để họ có thể được hoán cải và được đón nhận ơn tha thứ (Mt 9, 36; 18, 14; 23, 37 – 38; Mc 2, 13 – 17; 6, 34; Lc 5, 32; 7, 34. 47 – 48; 13, 34 – 35; 19, 1 – 10; Ga 8, 10 – 11).
Tắt một lời, ở đâu có sự hiện diện của Đức Giêsu, thì ở đó con người được đụng chạm đến quyền năng của lòng thương xót Thiên Chúa. Quyền năng lòng thương xót Thiên Chúa ở nơi Ngài có thể hóa giải mọi tội lỗi và khổ đau cho con người mà Ngài gặp gỡ.
Giáo huấn về lòng thương xót Thiên Chúa
Vì có sứ vụ bày tỏ trọn vẹn tình thương xót trong thẳm sâu cõi lòng Thiên Chúa dành cho con người, nên Đức Giêsu tìm mọi cách thế để con người có thể đụng chạm được lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa. Bằng sự hiện diện đầy quyền năng và yêu thương của Ngài, bằng hoạt động không biết mệt mỏi nay đây mai đó của Ngài, Ngài diễn tả tình thương xót của Thiên Chúa đối với những con người khốn khổ, nghèo hèn về đàng vật chất lẫn tâm linh. Và cách riêng qua lời nói, qua giáo huấn và các dụ ngôn của Ngài, Ngài cho người ta thấy được rằng người ta có một Thiên Chúa tốt lành, hay tha thứ, ở trên trời (Mt 6, 10 – 13). Người Cha đầy lòng xót thương ấy được Ngài sánh ví như người mục tử tốt lành hằng chăm sóc cho đoàn chiên (Mc 6, 34). Người Cha đầy lòng chạnh thương ấy cũng được Ngài sánh ví như người Samaritanô nhân hậu, người đã vượt qua tất cả rào cản của luật lệ, thậm chí sẵn sàng quên cả công việc riêng của mình, để cứu chữa, chăm sóc cho kẻ hoạn nạn, cơ cực, khốn cùng (Lc 10, 25 – 37). Đặc biệt, Ngài cho người ta thấy Người Cha ấy là Người Cha trọn vẹn về lòng nhân hậu khi quên hết mọi lỗi lầm của đứa con hoang đàng và hằng mong ngóng nó trở về để phục hồi nhân phẩm cho nó và trao lại cho nó tất cả quyền được làm con (Lc 15, 11 – 32).
Tóm lại, dù con người tìm cách tẩy chay Thiên Chúa, dù con người tìm cách chạy vào bụi gai để lánh mặt Thiên Chúa, thì Thiên Chúa không chịu thua con người. Trong suốt dòng lịch sử này, Thiên Chúa cứ đằng đẵng theo đuổi con người tới cùng; Ngài cứ mãi lên tiếng réo gọi con người trở lại với Ngài để Ngài xót thương, để Ngài bao bọc, chở che. Tiếng réo gọi thuở xưa của Thiên Chúa: Ađam, người ở đâu? cuối cùng đọng lại nơi con người Giêsu Kitô, Đấng là hiện thân của Lòng Thương Xót Thiên Chúa. Nơi Ngài, tiếng réo gọi của Thiên Chúa đi tìm kiếm con người được vang lên cách rõ ràng, dứt khoát và cụ thể nhất.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, C.Ss.R.