Thứ Bảy Tuần thứ 31 Thường Niên (Lc 16,9-13)
Đức Giêsu nói: “Thầy bảo anh em: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè”. Phải hiểu cách nói “tiền của bất chính” như thế nào?
Đức Giêsu nói: “Phần Thầy, Thầy bảo anh em: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9). Lời dạy này nhắc chúng ta nhớ đến Lc 12,33: “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá”.
Ý nghĩa của giáo huấn thật rõ ràng. Nhưng công thức dùng diễn tả không phải là không có vấn đề, đặc biệt là liên quan đến cách diễn tả “tiền của bất chính”. Cách nói này xuất hiện hai lần trong bản văn ngắn: ở câu 9 và ở câu 11. Phải hiểu cách nói này như thế nào?
Trong các bản Targum, kiểu nói “tiền của bất chính” có nghĩa là tiền của mà người ta có được một cách bất chính. Nhưng chắc chắn đây không phải là ý nghĩa mà tác giả Luca muốn hiểu, vì không thể nào ông lại muốn khuyên các Kitô hữu tạo bạn hữu bằng những đồng tiền “bẩn”.
Có người hiểu “tiền của bất chính” ở đây là sự giàu có phù vân và hão huyền mà người ta không thể dựa vào để sống mãi được, vì nó không có giá trị thật. Cách hiểu này có phần gượng ép.
Nhiều người dựa vào ngữ cảnh để rút ra ý nghĩa mà tác giả Luca muốn gửi gắm trong cách nói “tiền của bất chính”.
Trong câu 11, tiền của bất chính không được đặt đối nghịch với tiền của ngay chính, mà là với tiền của đích thật, tức là với thực tại đích thật. Như thế, không thể hiểu tiền của bất chính theo nghĩa đối lập với tiền của được làm ra một cách lương thiện và ngay chính.
Trong câu 12 thì tiền của bất chính trở thành “của cải của người khác”, tức là của cải không thuộc về con người. Do đó, có thể hiểu “tiền của bất chính” ở đây theo nghĩa là “của cải không thuộc về chúng ta” dựa trên một giáo huấn Thánh Kinh rằng tạo thành và tất cả những của cải trong đó là thuộc về một mình Thiên Chúa (x. Tv 24,1: “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư”), còn con người chúng ta chỉ được ủy thác cai quản mà thôi.
Khi con người sở hữu của cải vật chất và làm như thể Thiên Chúa không phải là chủ thật sự của những của cải đó, thì đó là của cải bất chính.
Vậy sự bất chính ở đây không liên quan đến bản chất phù vân của tiền của, cũng không liên quan đến cách thức hành động bất chính của người ta để làm ra nó. Nhưng quan niệm về sự bất chính ở đây được gắn với khuynh hướng của con người muốn quy chiếu tiền của về chính mình, muốn sử dụng tiền của chỉ cho chính mình thôi, tự coi mình là ông chủ tuyệt đối của tiền của.
Chúng ta được mời gọi sử dụng những tài sản vật chất (vốn thường bị sở hữu và sử dụng theo nghĩa đó) để tạo lấy bạn hữu đích thực, là những người sẽ đón chúng ta vào nơi ở vĩnh cửu. Chúng ta được mời gọi sử dụng những của cải vật chất và tinh thần mà Thiên Chúa trao cho chúng ta quản lý, để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai, thay vì tận hưởng trong hiện tại ngắn ngủi này.
Lm Giuse Nguyễn Thể Hiện CSsR