Thượng Hội đồng về Hiệp hành không tước bỏ thẩm quyền của Đức Giáo hoàng, nhưng bao gồm toàn thể dân Chúa

Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Thánh Cha Phanxicô, và Đức Hồng y Kevin Farrell, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, trong bức ảnh được chụp chung trong cuộc họp mặt tiền Thượng Hội đồng của các đại biểu giới trẻ ở Rôma (Ảnh: CNS/Paul Haring)

Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Thánh Cha Phanxicô, và Đức Hồng y Kevin Farrell, Tổng Trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, trong bức ảnh được chụp chung trong cuộc họp mặt tiền Thượng Hội đồng của các đại biểu giới trẻ ở Rôma (Ảnh: CNS/Paul Haring)

Để có được sự hiểu biết phong phú hơn về Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành đang diễn ra, thật hữu ích khi nhớ lại rằng Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô bắt nguồn sâu xa từ việc đào tạo và kinh nghiệm của ngài với tư cách là thành viên của Dòng Tên. Trong khi hiện đang phục vụ với tư cách là Giám mục Rôma và Mục tử của Giáo hội hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn là một thành viên trung thành của cộng đồng Dòng Tên với sứ mệnh được thể hiện trong sự xác tín của Đấng sáng lập, Thánh Inhaxio Loyola, rằng có thể “tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự”.

Sự xác tín này là một sự phản chiếu của hình thức linh đạo được Thánh Inhaxio triển khai, dựa trên khả năng chăm chú lắng nghe kinh nghiệm của chúng ta với tư cách là những người môn đệ của Chúa Kitô. Trong kinh nghiệm lắng nghe đó, người ta “phân định được những thúc giục của ân sủng” do sự hiện diện của Chúa Thánh Thần mang lại, Đấng giúp chúng ta khám phá những đường lối huyền nhiệm của Thiên Chúa giữa những niềm vui, phước lành, nỗi buồn và bi kịch của cuộc sống.

Không phải là vô nghĩa khi động từ “phân định” xuất phát từ từ ‘discernere’ trong tiếng Latinh, mang ý nghĩa “lắng nghe”, và một cách sâu sắc hơn là lắng nghe một cách sâu sắc và cẩn trọng. Với việc lắng nghe sâu sắc và cẩn trọng này, chúng ta có thể phân biệt được lời mời gọi đích thực của ân sủng Thiên Chúa với những biến dạng của cái bản ngã và những ham muốn ích kỷ của chúng ta. Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, là mẫu mực trường cửu và tốt đẹp nhất của kiểu mẫu phân định này – việc lắng nghe sâu sắc lời mời gọi của Thiên Chúa. Trong biến cố Truyền Tin, Mẹ đã chăm chú lắng nghe lời mời gọi của Sứ thần.

Thánh Luca nắm bắt được tinh thần của sự phân định của Đức Maria trong câu nói tuyệt vời: “Đức Maria hằng ghi nhớ những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. Thánh Tôma Aquinô lưu ý rằng Đức Maria thể hiện tinh thần đức tin đích thực trong việc “suy ngẫm với lời xin vâng”. Chắc chắn chúng ta thực hiện sự phân định thánh thiện này khi chúng ta cũng bước vào việc “suy ngẫm với lời xin vâng” này, không chỉ trong sự đáp trả cá nhân mà còn trong phản ứng chung của chúng ta trước lời mời gọi của Thiên Chúa.

Trong di sản thần học phong phú này, rõ ràng là trong thời điểm hiện tại, Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi chúng ta trở thành một Giáo hội thực sự biết lắng nghe – một Giáo hội của sự phân định. Đức Thánh Cha mời gọi tất cả những người đã được rửa tội, toàn bộ Nhiệm thể của Chúa Kitô, tham gia vào một quá trình phân định liên tục mà Ngài mô tả là “Con đường Hiệp hành”. Chìa khóa để hiểu ý của Đức Thánh Cha Phanxicô khi dùng thuật ngữ “Con đường Hiệp hành”, bắt nguồn từ từ ‘synodos’ trong tiếng Hy Lạp, được Đức Thánh Cha định nghĩa là “cùng nhau đồng hành trên một cuộc hành trình chung”.

Một cộng đồng phân định

Câu chuyện về cách Giáo hội thời tiên khởi giải quyết thách thức của việc chào đón các thành viên mới gia nhập nhóm các môn đệ mang tính giáo dục phong phú. Chương 15 của Sách Công vụ Tông đồ mô tả việc các môn đệ, trong đó có Thánh Phêrô và Phaolô, vật lộn với vấn đề của những người không phải là người Do Thái mới cải đạo sang đức tin Kitô giáo. Những thành viên mới này có bị ràng buộc bởi những quy định nghiêm ngặt của giao ước Mô-sê, bao gồm cả việc thực hành cắt bì không? Hoặc, có một con đường, được ân sủng soi dẫn, qua đó các tiêu chuẩn của việc chào đón và tư cách thành viên có thể được sửa đổi một cách thích hợp mà không ảnh hưởng đến sự cam kết đối với những đòi hỏi đích thực của Tin Mừng? Sau nhiều lần cân nhắc và “lắng nghe sâu sắc”, tổ tiên không phải người Do thái của chúng ta đã có được sự thích nghi trong đức tin.

Chúng ta nên cẩn thận lưu ý rằng kết quả của sự phân định sâu sắc này không phải là làm đảo lộn hay rời xa truyền thống cổ xưa. Đúng hơn, nó xuất phát từ cái nhìn sâu sắc tràn đầy Chúa Thánh Linh rằng các quy tắc và thực hành—cần thiết để duy trì trật tự và sự hiệp thông—không được coi bản thân chúng là mục đích mà là phục vụ lợi ích lớn hơn của tổng thể. Kết quả của sự phân định này cũng cho thấy cách tổ tiên chúng ta trong Giáo hội đã nhìn cộng đồng Kitô hữu tiên khởi. Cộng đồng sống trong thời gian và không gian, và do đó nó phải đương đầu với những thách thức của những thực tại mới trong khi vẫn duy trì sự liên tục với sự khôn ngoan đích thực của truyền thống của mình.

Đối với một Giáo hội nhập thể (incarnate), kiểu phân định cẩn trọng và then chốt này luôn luôn cần thiết, như đã được nhắc lại trong các tác phẩm của Thánh Gioan Henry Newman. Chính Thánh Newman là người đã viết một cách nổi tiếng về sự phát triển đích thực trong giáo lý, để lại cho chúng ta câu châm ngôn thường được trích dẫn: “Ở một thế giới cao hơn thì khác, nhưng ở đây, sống ở cõi trần là phải thay đổi, và để trở nên hoàn hảo thì phải thường xuyên thay đổi”.

Giáo huấn của Giáo hội và tính Hiệp hành

Gần 11 năm dưới Triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô, một số chủ đề nổi bật đã trở nên rõ ràng. Đức Thánh Cha đã viết một cách mạnh mẽ về tầm quan trọng của ân sủng của Bí tích Rửa tội đối với mọi tín hữu Công giáo. Khi làm như vậy, Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta về tầm nhìn Giáo hội của Công đồng Vatican II, và đặc biệt là tài liệu tuyệt vời về Giáo hội, “Lumen Gentium”, rằng chúng ta là một dân lữ hành cùng nhau bước đi trên một cuộc hành trình dài. Mục tiêu của cuộc hành trình của chúng ta là tiếp tục công việc của Chúa Kitô trong việc xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh hơn nữa về tình yêu cao cả và nhân hậu của Thiên Chúa đến với những người ở bên lề xã hội – những người nghèo, những người khốn đốn, những người đau khổ. Trong “Amoris Laetitia”, suy tư tuyệt vời về hôn nhân và đời sống gia đình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng “không ai có thể hư mất mãi mãi”. Đức Thánh Cha dạy chúng ta rằng sức mạnh chữa lành của lòng thương xót của Thiên Chúa được mở rộng đến việc “chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta”, trái đất và toàn thể công trình sáng tạo mà Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta.

Trong thông điệp mạnh mẽ về môi trường, “Laudato Si,” Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng tất cả mọi thứ đều có mối liên hệ với nhau. “Fratelli Tutti” tập trung vào chủ đề tất cả chúng ta đều là “anh chị em” và tinh thần liên đới này hiệp nhất chúng ta trong việc tìm kiếm chân lý và lòng trung thành với Tin Mừng. Cuối cùng, Đức Thánh Cha dạy rằng khi đón nhận tình liên đới trong Chúa Kitô, chúng ta có thể cảm nghiệm được niềm hân hoan sâu xa về tình yêu của Thiên Chúa, một niềm vui được thể hiện trong Tông Huấn “Evangelii Gaudium” của ngài. Đối với con mắt tinh ý, các thuộc tính của tính Hiệp hành hiện diện trong mỗi tài liệu này. Cùng với nhau, chúng chỉ ra con đường cổ xưa của sự phân định cộng đoàn để Giáo hội một lần nữa áp dụng trong giai đoạn mang tính quyết định này.

Cũng cần lưu ý rằng lời mời gọi hiện nay của Đức Thánh Cha Phanxicô về tính hiệp hành rõ ràng là có sự tiếp nối với các Thượng Hội đồng trước đây của Giáo hội. Vào năm 1965, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã yêu cầu thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục thường kỳ để duy trì tinh thần tích cực của Công đồng Vatican II. Đức Phanxicô coi cách tiếp cận này như một phương tiện trường cửu để phục vụ sự hiệp thông và tính đồng đoàn (collegiality) của các Giám mục trên thế giới với Đức Thánh Cha.

Điều quan trọng là phải thừa nhận rằng tính Hiệp hành không phải là một ý tưởng mới lạ nào đó, mà đúng hơn, đó là một ý tưởng có nguồn gốc sâu xa từ truyền thống Công giáo của chúng ta – được chứng kiến từ xa xưa như các Thượng Hội đồng liên quan đến Thánh Augustinô, Công nghị Hippo (năm 393) và Công nghị Carthage (năm 397).

Thế nào thì không phải là tính Hiệp hành

Trong khi tôi đã nhấn mạnh ở trên những phước lành của tính hiệp hành – một thực hành tâm linh của sự phân định đích thực – có lẽ cũng hữu ích khi lưu ý việc thế nào thì không phải là tính hiệp hành. Đó không phải là một quá trình chính trị trong đó có người thắng và kẻ thua. Chúng ta không được coi tính hiệp hành như một trò chơi quyền lực trong đó những người có tầm nhìn thần học khác nhau về Giáo hội và sứ mệnh của Giáo hội tranh giành quyền kiểm soát và thống trị. Đây không phải là một cuộc trưng cầu dân ý, theo đó các Giáo lý và Giáo huấn Tin Mừng đích thực của Giáo hội phải được đưa ra tranh luận theo kiểu nghị viện để phê chuẩn hoặc không chấp thuận.

Đáng buồn thay, một số người trong Giáo hội—trong số đó có các Giám mục và các nhà văn Công giáo nổi tiếng—đã gieo mầm mống của những bất đồng về Con đường hiệp hành. Một số người cho rằng tính Hiệp hành là một chiến lược nhằm làm suy yếu sự hiệp nhất của Giáo hội trong việc giảng dạy và thờ phượng. Tôi thấy đó là một bức tranh biếm họa thời tiền sử về tính Hiệp hành.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ không mang theo một quả bóng phá hoại (wrecking ball) vào Giáo hội mà chúng ta yêu quý. Đúng hơn, Đức Thánh Cha đang hành động như một Mục tử hoàn vũ trong việc kêu gọi mỗi người đã được rửa tội đảm nhận trách nhiệm về sứ mạng của Giáo hội. Ngài đang thúc giục chúng ta đi đến nơi mà Ngài gọi là “các khu vực ngoại vi”—những nơi có sự tan vỡ đau khổ về vật chất và tinh thần, gây tổn thương không chỉ cho anh chị em chúng ta mà còn cho chính hành tinh này. Mục tiêu thực sự của con đường hiệp hành ngày nay, như được chứng minh tương tự ở thời kỳ đầu của Giáo hội, là tinh thần môn đệ và lòng trung thành hơn với Chúa Kitô.

Có lẽ cách tiếp cận như vậy đòi hỏi mỗi người chúng ta phải vượt ra khỏi “vùng an toàn” cá nhân của mình, giống như Sách Công vụ Tông đồ ghi lại việc chính Thánh Phêrô đã bị thử thách vào thời của ngài như thế nào. Thật vậy, Tin Mừng là lời mời gọi liên tục hoán cải trong cuộc sống của chúng ta, nhưng đó cũng là lời mời gọi hoán cải trong đời sống cộng đoàn của chúng ta với tư cách là những thành viên nam nữ trong Giáo hội. Tóm lại, sự phân định đích thực là điều hết sức cần thiết nếu chúng ta muốn lắng nghe và đáp lại Chúa Thánh Thần đang ngỏ lời với chúng ta ngày nay, và hoa trái thiêng liêng của sự phân định đó không gì khác hơn là một tinh thần khổ hạnh khiêm nhường cởi mở trước chân lý mà chúng ta có thể nghe được.

Được neo chặt trong lời cầu nguyện và chân lý

Trong số những vấn đề quan trọng nhất được các Giám mục tại Công đồng Vatican II đưa ra, có một vấn đề ngày nay thường bị bỏ qua. Vấn đề quan trọng đó là tầm quan trọng của việc quản trị, đặc biệt là việc quản trị Giáo hội xuất phát từ mối tương quan giữa Đức Giáo hoàng và các Giám mục của Giáo hội. Đức Giáo Hoàng và các Giám mục cùng nhau tạo thành một “Giám mục đoàn”, để tính toàn vẹn hay “tính Công giáo” của Giáo hội trong đức tin, đời sống, giáo huấn và chứng tá của Giáo hội được bảo tồn và cử hành tại mỗi Giáo hội địa phương.

Trong tinh thần liên đới với Đức Thánh Cha, mỗi Giám mục địa phương hiện thực hóa sứ mạng phổ quát của Tin Mừng như nó được thể hiện tại mỗi Giáo hội địa phương. Đối thoại và giao tiếp là điều cần thiết để các Giám mục thực hiện vai trò lãnh đạo phục vụ của mình thay mặt cho dân Chúa, luôn hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, như được phản ánh trong nguyên tắc cổ xưa và được tôn kính: “Ubi Petrus est, ibi est Ecclesia” (Ở đâu có Phêrô, ở đó có Giáo hội).

Nguyên tắc đồng đoàn và đối thoại này một lần nữa được mở rộng trong thời đại chúng ta thông qua “Con đường Hiệp hành”. Thông qua việc thực hành tính hiệp hành, toàn thể thành viên đã được rửa tội được phép thực hiện ơn gọi rửa tội của mình bằng cách tham gia vào việc phân định thánh thiện. Tính đồng nghị không có nghĩa là xói mòn thẩm quyền của Đức Thánh Cha – người nắm giữ thẩm quyền duy trì sự hiệp nhất của Giáo hội – hoặc Giám mục Đoàn hiệp nhất với ngài. Tuy nhiên, dựa vào sự khôn ngoan xuất phát từ việc thực hành phân định của toàn thể dân Chúa trong sự hiệp nhất với Đức Thánh Cha, nỗ lực tâm linh của việc lắng nghe sâu sắc nằm ở trung tâm của con đường hiệp hành sẽ đảm bảo rằng các quyết định trong Giáo hội được neo chặt vào lời cầu nguyện và chân lý.

Khi chúng ta bước vào cuộc hành trình Hiệp hành này, tôi đề nghị chúng ta nhớ đến lời cầu nguyện “Adsumus, Sancte Spiritus” (tiếng Latinh nghĩa là “Lạy Chúa Thánh Thần, này chúng con đang hiện diện trước nhan Ngài”). Đó là lời cầu nguyện bắt đầu mỗi phiên họp của Công đồng Vatican II, và chính lời cầu nguyện này đã được đọc trước mỗi phiên lắng nghe trong toàn thể Giáo hội trên toàn thế giới để chuẩn bị cho Thượng Hội đồng sắp tới. Đó là một lời cầu nguyện nài xin sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần – kêu cầu Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta để chúng ta có thể trở thành một cộng đồng và một dân tràn đầy ân sủng.

***

Lạy Chúa Thánh Thần,
này chúng con đang hiện diện trước nhan Chúa,
khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa.
Chỉ có Chúa là Đấng hướng dẫn chúng con,
xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con;
xin dạy chúng con lối đường phải đi
và cách bước đi trên lối đường đó.

Chúng con yếu đuối và tội lỗi,
xin đừng để chúng con gây xáo trộn.
Đừng để chúng con u mê sa nẻo đường lầm
cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến.

Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con
để chúng con có thể cùng tiến đến cuộc sống vĩnh cửu
và không lạc xa khỏi con đường chân lý và ngay thật.

Chúng con cầu xin Chúa,
là Đấng hoạt động mọi nơi mọi thời,
trong sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con,
mãi mãi đến muôn đời. Amen.

***

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết