Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt đầu một tiến trình kéo dài nhiều năm cho toàn thể Giáo hội, điều mà ngài gọi là “một Thượng hội đồng về hiệp hành”. Trong các bài phát biểu và trong các tài liệu được chuẩn bị trước, Đức Thánh Cha đã giải thích thuật ngữ đáng chú ý “hiệp hành” một cách rất đơn giản bằng cách truy xuất nguồn gốc Hy Lạp của từ này. “Hiệp hành”, như Đức Thánh Cha mô tả, là syn-hodos, nghĩa là đi trên cùng một con đường. Đức Thánh Cha mong muốn tầm nhìn này về việc Giáo hội đang trên đường hoặc cùng nhau thực hiện cuộc hành trình trở nên sống động.
Khi tôi lần đầu tiên nghe về hiệp hành, khái niệm này đã có một sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với tôi. Tôi nhận thấy nó đã di chuyển Giáo hội vượt ra ngoài những cấu trúc thông thường và mệt nhoài của thể chế, tổ chức và bộ máy quan liêu. Tôi nhận thấy nó nhấn mạnh một trải nghiệm về Giáo hội vốn bao gồm ý thức cộng đồng và sự kết nối lớn hơn trong quá trình mở ra của lịch sử. Công đồng Vatican II đã nắm bắt điều này với hình ảnh nổi bật về Giáo hội là Dân Chúa lữ hành trong “Lumen Gentium”. Cho đến nay, hiệp hành có vẻ tuyệt vời, thực sự, rất tuyệt vời.
Sau đó, tôi bắt đầu có những thắc mắc và do dự.
Trong các tài liệu chuẩn bị, một số yêu cầu đối với một Giáo hội hiệp hành dường như là một khát vọng cao quý, nhưng cũng hơi quá tầm với. Ví dụ, một tài liệu gợi ý rằng một Giáo hội hiệp hành sẽ góp phần vào việc tái thiết nền dân chủ trong thế giới của chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, tôi có thể gạch bỏ điều đó vì sự nhiệt tình của những người soạn thảo văn bản. Nhưng một câu hỏi sâu sắc hơn và nền tảng hơn vẫn còn tồn tại.
Thượng hội đồng về Hiệp hành là tiến trình về một tiến trình. Và điều tối khiến tôi bị tắc. Tiến trình về một tiến trình dường như không có nội dung. Điều này sẽ dẫn chúng ta đến đâu? Các câu hỏi được đặt ra bởi các tài liệu chuẩn bị cho người Công giáo trong suốt quá trình thăm dò thế giới không phải là nội dung. Những câu hỏi về việc chú ý lắng nghe, chia sẻ một cách cởi mở và mạnh dạn hành động là những câu hỏi hay. Đồng thời, chúng dường như cũng mắc phải một sự mơ hồ nào đó. Một thượng hội đồng về hiệp hành dẫn chúng ta đến đâu? Chúng ta cùng đi trên một con đường, nhưng con đường đó sẽ đưa chúng ta đến đâu? Đích đến là gì? Cuối cùng, phải chăng chúng ta chắc chắn sẽ phải thất vọng?
Khi tôi ngồi để suy ngẫm và cầu nguyện về điều này, tôi không thể có được một sự hiểu biết chính xác về “tiến trình về một tiến trình” này cho đến khi tôi nhớ lại bối cảnh lớn hơn. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng hậu Công đồng đầu tiên của chúng ta. Ngài chịu chức linh mục vào năm 1969, bốn năm sau khi Công đồng Vatican II kết thúc. Ngài đã được đào tạo trong công cuộc đổi mới do Công đồng triệu tập và được bao bọc bởi niềm hy vọng. Với thực tế đó, Công đồng sau đó đã trở thành chìa khóa diễn giải của tôi để hiểu Thượng Hội đồng đáng chú ý về hiệp hành mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề xướng.
Vào ngày 25 tháng 12 năm 1961, cách đây đúng 60 năm, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã ban hành Tông Hiến “Humanae Salutis” và triệu tập Công đồng Vatican II. Đoạn quan trọng của Tông Hiến khởi động sự đổi mới bắt đầu trong Công đồng, và vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, có thể được tìm thấy ở phần gần đầu:
Ngày nay Giáo hội đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong xã hội. Trong khi nhân loại đang ở rìa của một kỷ nguyên mới, những nhiệm vụ có tầm quan trọng và biên độ to lớn đang chờ đợi Giáo hội, cũng như trong những giai đoạn bi thảm nhất trong lịch sử của mình. Trên thực tế, đó là vấn đề của việc đưa thế giới hiện đại tiếp xúc với những nguồn năng lượng sống động và lâu dài của Tin Mừng…
Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã tận mắt chứng kiến cuộc khủng hoảng trong thế kỷ 20, với hai cuộc chiến tranh thế giới, nhiều cuộc diệt chủng, sự phát triển của vũ khí hủy diệt hàng loạt và sự bất bình đẳng đáng sợ vốn cho phép một số người phát triển thịnh vượng và nhiều người sống mòn mỏi trong cảnh nghèo đói. Theo ngài, Giáo hội có sứ mạng cấp bách là đưa thế giới “tiếp xúc với những nguồn năng lượng sống động và lâu dài của Tin Mừng”. Và Công đồng đã giải quyết bằng cách nào điều đó có thể được thực hiện. Trong bài diễn văn khai mạc ngày 11 tháng 10 năm 1962, Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã vạch rõ phạm vi của Công đồng. Đó không phải là về học thuyết. Ngài cho biết rằng mọi thứ trong Công đồng phải được đo lường “theo các hình thức và khuôn khổ của một Huấn quyền, vốn chủ yếu mang tính chất mục vụ”. Nói cách khác, tất cả mọi thứ trong Công đồng và sự đổi mới sau đó sẽ xoay quanh việc cải tổ sứ mạng của Giáo hội trên thế giới.
Nếu chúng ta tua nhanh đến năm 2021, tức là khoảng 56 năm sau khi Công đồng Vatican II kết thúc, chúng ta có thể chỉ ra một cách chính xác nhiều yếu tố quan trọng của sự đổi mới đã tồn tại trong Giáo hội. Đồng thời, chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận sự tiếp nhận còn hạn chế và không đầy đủ của chúng ta đối với tầm nhìn của Đức Gioan XXIII khi ngài triệu tập Công đồng. Giờ đây, chúng ta có phải là muối, ánh sáng và men hữu dụng đưa “thế giới hiện đại tiếp xúc với các nguồn năng lượng sống động và lâu dài của Tin Mừng” không?. Ở một khía cạnh nào đó, có lẽ chúng ta đang thực hiện sứ vụ đó, nhưng chắc chắn không đạt được mức độ đầy đủ với những gì thế giới cần. Và đó là khoảng cách mà tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô muốn giải quyết bằng cách triệu tập toàn thể Giáo hội tham gia Thượng hội đồng về Hiệp hành. Hãy để tôi giải thích.
Vị học giả người Pháp về thời kỳ các Giáo phụ về ‘Didache’ (‘Giáo huấn của Mười Hai Tông Đồ’), Jean-Paul Audet, đã xác định ba khía cạnh của Giáo hội: một tổ chức-thể chế, một cộng đồng-hiệp thông và một phong trào-sứ mạng. Nếu chúng ta xem xét các giả định về điều hành hiện tại của chúng ta và những nhận thức chung về Giáo hội Công giáo, thì khía cạnh nổi bật nhất là tổ chức-thể chế. Nó dường như là minh chứng rõ ràng nhất. Đồng thời, theo những cách thức đôi khi khôn khéo và đôi khi thiếu khôn khéo, phong trào phá bỏ thể chế đang diễn ra.
Dưới đây là một số ví dụ được rút ra chủ yếu trong bối cảnh Hoa Kỳ nhưng không giới hạn ở quốc gia này. Lực lượng chủ chốt của đời sống thể chế tôn giáo đối với các vấn đề giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội trong nhiều năm là các Nữ tu, và họ không còn hiện diện và sẵn có như trước đây. Cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục cùng với chủ nghĩa giáo sĩ rõ ràng đã gây ra một cuộc khủng hoảng về uy tín thể chế và giảm sự tín nhiệm đối với thể chế. Việc tiếp tục giảm số lượng tín hữu tham gia vào đời sống có tổ chức của Giáo hội cũng chứng tỏ quá trình phi thể chế hóa trên thực tế.
Nếu việc phi thể chế hóa là có thật, và nếu trên thực tế, chúng ta đã tập trung rất nhiều vào đời sống thể chế để thực hiện sứ mạng đưa “thế giới hiện đại tiếp xúc với các nguồn năng lượng sống động của Tin Mừng”, thì chúng ta cần phải thay đổi kế hoạch. Tôi muốn đề xuất rằng, theo cách riêng của mình, đây là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang cung cấp cho chúng ta bằng cách triệu tập Thượng hội đồng về hiệp hành. Đức Thánh Cha dường như đang dần chấm dứt sự phụ thuộc của chúng ta vào các cấu trúc, tổ chức và thể chế. Nếu vậy thì ba từ chính của ngài dành cho Thượng hội đồng — hiệp thông, tham gia, sứ vụ — hoàn toàn có ý nghĩa. Nếu chúng ta muốn mang những năng lượng của Tin Mừng đó đến với thế giới đang cần, thì chúng ta phải sát cánh cùng với nhau, hiệp thông và ý thức rõ ràng về bản sắc của chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Sự tham gia và dấn thân của chúng ta với cả Tin Mừng lẫn thế giới cho phép chúng ta hiện diện ở nơi chúng ta cần hiện diện. Cuối cùng, hoạt động này giải thoát chúng ta để nắm lấy mục tiêu hoặc sứ mạng của mình một cách dễ dàng hơn. Quay trở lại với những lời của học giả John-Paul Audet, chúng ta sẽ ít mang tính cơ cấu hơn, tập trung hơn vào cộng đồng và — vì điều đó — đúng hơn với phong trào hoặc sứ mạng mà chúng ta đang thực hiện trên thế giới.
Nếu chúng ta có thể quay trở lại việc chuẩn bị cho Thượng hội đồng về hiệp hành, tôi có một lời khuyên: Hãy sắp xếp lại câu hỏi căn bản.
Vademecum (hoặc cẩm nang) cho Thượng hội đồng cho biết: “Câu hỏi nền tảng hướng dẫn cho cuộc tham vấn này của Dân Chúa… là câu hỏi sau: Một Giáo hội hiệp hành trong việc loan báo Phúc Âm, ‘cùng nhau thực hiện cuộc hành trình’: ‘Cuộc hành trình cùng với nhau’ này xảy ra như thế nào ngày nay trong Giáo hội cụ thể của anh chị em? Chúa Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để trưởng thành trong ‘cuộc hành trình cùng với nhau’ của chúng ta?”.
Đây là những câu hỏi tuyệt vời, nhưng chúng bị giới hạn trong tiến trình này. Một câu hỏi thậm chí còn cơ bản hơn có thể thu hút chúng ta vào nội dung của cuộc hành trình cùng với nhau. Chúng ta có thể hỏi, “Với tư cách là đoàn dân lữ hành của Thiên Chúa cùng nhau thực hiện cuộc hành trình, làm thế nào chúng ta có thể đem sức mạnh trao ban sự sống của Tin Mừng cho một thế giới đang rất cần Tin Mừng?”. Câu hỏi đó sẽ tương ứng một cách chặt chẽ hơn với tầm nhìn của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII và, tôi tin rằng, của cả Đức Thánh Cha Phanxicô nữa.
Lm. Louis J. Cameli
** Cha Louis J. Cameli, một Linh mục của Tổng giáo phận Chicago, là người được Đức Hồng y Blase J. Cupich ủy nhiệm trong công việc đào tạo và truyền giáo
Minh Tuệ (theo America)