Hôm thứ Sáu, các tham dự viên tham gia Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành của Đức Thánh Cha Phanxicô được chọn để trò chuyện với giới truyền thông cho biết rằng trong khi nhiều chủ đề khác nhau đang được thảo luận, sẽ không có quyết định nào được đưa ra về các vấn đề cụ thể, và còn quá sớm trong tiến trình này để đưa ra quyết định về các vấn đề nóng bỏng, chẳng hạn như các nữ Phó tế.
Khi được hỏi trong cuộc họp báo vào ngày 20 tháng 10 rằng liệu đã đến lúc đưa ra quyết định về các Phó tế nữ hay chưa, Đức Tổng Giám mục Tarcisio Isao Kikuchi Địa phận Tokyo cho biết có “những khác biệt về ý kiến” trong Thượng Hội đồng.
Cũng có những khác biệt về mặt thuật ngữ và cách hiểu của một người về ý tưởng này “phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng văn hóa”, Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng “Chúng ta đang nói về cùng một điều, nhưng đôi khi cách hiểu lại hoàn toàn khác nhau”.
“Vì vậy, sau ba tuần, chúng ta biết rằng có những khác biệt lớn và còn quá sớm để đưa ra bất kỳ quyết định cụ thể nào vào lúc này”, Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói.
Nữ tu Mary Teresa Barron người Ireland, Chủ tịch Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền, cho biết vấn đề về các nữ Phó tế đang được “đặt lên bàn thảo luận”.
Nữ tu Barron đã từ chối đưa ra ý kiến cá nhân của mình, nhưng cho biết Thượng Hội đồng đang đánh giá vấn đề “trong sự căng thẳng mà nó gây ra trong Giáo hội” để xác định “làm thế nào để cùng nhau tiến bước”.
Đức Tổng Giám mục Gintaras Grušas Địa phận Vilnius, Lithuania, Chủ tịch Hội đồng các Hội đồng Giám mục Châu Âu (CCEE), nói với các nhà báo rằng cuộc thảo luận của Thượng Hội đồng rộng hơn nhiều so với việc “cố gắng tập trung vào một điều, thay đổi có hoặc không”.
“Việc tập trung vào các công việc mục vụ khác nhau trong Giáo hội, khám phá các công việc mục vụ khả dĩ mới trong Giáo hội, là một phần của cuộc thảo luận”, Đức Tổng Giám mục Grušas nói, nhưng đồng thời chỉ ra rằng khó có thể đưa ra quyết định.
“Chúng ta thường cố gắng giải quyết mọi việc thành trắng hay đen, có hoặc không, đi hay dừng, nhưng tôi thiết nghĩ cuộc thảo luận đang diễn ra là về vấn đề làm thế nào chúng ta sống Giáo hội theo một cách hoàn toàn khác, hoặc cùng một cách theo một cách đối thoại tốt hơn”, Đức Tổng Giám mục Grušas nói, đồng thời cho biết mục tiêu là triển khai một quy trình thảo luận và suy tư nội bộ mới, “hơn là cố gắng nói có hoặc không”.
Nữ tu Houda Fadoul, một Nữ tu người Syria đại diện cho các Giáo hội Công giáo Đông phương và Trung Đông, đã chỉ ra kinh nghiệm cá nhân của mình khi lãnh đạo một Dòng nữ ở Syria, nói rằng điều quan trọng là “mỗi người chúng ta, dù là nam hay nữ, đều đảm nhận vai trò của mình và sử dụng năng khiếu của mình trong Giáo hội, bất kể đó là gì”.
“Đối với tôi, dường như bất cứ khái niệm nào liên quan đến phụ nữ, chúng ta đều biết rõ rằng nó liên quan đến tính bổ sung, sự bình đẳng. Khi mỗi người có vị thế của mình và sử dụng năng khiếu của mình, chúng ta có thể nói về bất kỳ khái niệm nào”, Nữ tu Fadoul nói.
Hiện đang kết thúc tuần lễ thứ hai, Thượng Hội đồng đã khai mạc vào ngày 4 tháng 10 và dự kiến kết thúc vào ngày 29 tháng 10, kết thúc cuộc họp đầu tiên trong số hai cuộc họp tại Rôma. Thượng Hội đồng sẽ lên đến đỉnh điểm với Đại hội đồng lần thứ hai tại Rôma vào tháng 10 năm 2024.
Các tham dự viên hiện đang suy ngẫm về thẩm quyền trong Giáo hội, bao gồm sự cần thiết về “tinh thần đồng trách nhiệm” lớn hơn giữa hàng giáo phẩm, giáo sĩ và giáo dân, cũng như sự cần thiết cần phải tránh chủ nghĩa giáo sĩ trị và các hình thức độc đoán khác nhau trong việc lãnh đạo.
Việc truyền giáo trong thế giới kỹ thuật số cũng là một điểm thảo luận quan trọng, với việc nhiều tham dự viên lưu ý rằng giới trẻ ngày càng sử dụng mạng nhiều hơn, khiến Internet trở thành một hình thức “lãnh thổ truyền giáo” mới của Giáo hội.
Ban tổ chức Thượng Hội Đồng đã nói rằng không chỉ những người tham gia Thượng Hội đồng hiện tại soạn thảo và phê chuẩn một tài liệu tổng hợp tóm tắt cuộc thảo luận kéo dài một tháng, nhưng họ cũng sẽ công bố một lá thư gửi Dân Chúa về kinh nghiệm của tiến trình Thượng Hội đồng.
Hôm thứ Sáu, khi được hỏi về những khác biệt về quan điểm đã được bày tỏ về các vấn đề khác nhau và liệu có chủ đề nào đạt được sự đồng thuận chung trong hội trường Thượng Hội đồng hay không, Đức Tổng Giám mục Grušas cho biết Thượng hội đồng không phải là về các vấn đề cụ thể, mà đúng hơn là “chủ đề mà mọi người đều thống nhất, và Đức Thánh Cha đã thực sự thúc đẩy chúng ta tiến lên, chính là tính Hiệp hành”.
“Khi nói đến chi tiết cụ thể của việc đưa ra quyết định hoặc kết luận cho các chủ đề, tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra trong giai đoạn này hoặc vào năm 2024”, Đức Tổng Giám mục Grušas nói, đồng thời cho biết rằng những câu hỏi lớn về các chủ đề nóng bỏng như địa vị của phụ nữ và sự tham gia của các cá nhân LGBTQ+ “sẽ không biến mất, họ là một phần của Giáo hội, nhưng Thượng Hội đồng không cố gắng đưa ra quyết định về các vấn đề giáo lý hay giáo điều”.
Đức Tổng Giám mục Grušas cho biết mục tiêu là để những người tham gia quá trình này có tiếng nói của mình và để các vấn đề “nổi lên” trong suốt quá trình, nhưng vị Giám chức nhấn mạnh rằng “không có khái niệm định sẵn nào về việc chuyện này sẽ kết thúc như thế nào, điều thực sự đòi hỏi một chút niềm tin khi bước vào vùng đất chưa biết”.
“Mặc dù mọi người muốn đưa ra một số quyết định, nhưng tôi nghĩ ở đây, quá trình thực sự quan trọng hơn kết luận”, Đức Tổng Giám mục Grušas nói.
Nữ tu Fadoul đã lặp lại quan điểm này khi nói rằng Thượng Hội đồng “không bận tâm nhiều đến các chủ đề”, nhưng quan tâm đến phương pháp thảo luận trong việc gắn kết mọi người lại với nhau và lắng nghe những gì họ nói, cầu nguyện về điều đó, và sau đó đưa ra quyết định “mà không có sự thiên kiến”.
Dựa trên truyền thống văn hóa châu Á là cởi giày trước khi vào nhà, Đức Tổng Giám mục Kikuchi cho biết điều này phản ánh cảm giác của sự chào đón và hiếu khách, bởi vì “phải cởi giày và thoát khỏi cuộc sống đời thường, thoát khỏi những lo toan để bước vào nhà”.
Mục tiêu của Thượng Hội đồng, Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói, đó là “chúng ta mong muốn trở thành Giáo hội chào đón tất cả mọi người”.
“Trước hết, chào đón tất cả mọi người, sau đó hãy nói về vấn đề của các bạn trong Giáo hội. Cởi giày ra, bước vào nhà. Đừng đứng ngoài, hãy vào nhà tôi và kể về cuộc đời của bạn. Đó là những gì chúng tôi muốn giới thiệu và thực hiện trong các Giáo hội ở Châu Á”, Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói.
Đức Tổng Giám mục Kikuchi đặc biệt nêu lên mối quan ngại về sự cần thiết phải suy nghĩ về cách thu hút sự tham gia tốt hơn của người giáo dân, đặc biệt là trong các vai trò đưa ra quyết định, đồng thời lưu ý rằng thật khó để yêu cầu họ rời bỏ công việc và gia đình trong một tháng để tham gia Thượng Hội đồng.
“Chúng tôi phải thực sự suy nghĩ về cách thực hiện và tôi nghĩ điều này thực sự thiếu giáo sĩ vì chúng tôi không có gia đình”, Đức Tổng Giám mục Kikuchi nói.
Các tham dự viên cũng cho biết nhu cầu đào tạo nhiều hơn ở mọi cấp độ, đối với các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, Chủng sinh và giáo dân, là sự bận tâm chung và sẽ mất thời gian để thực hiện những thay đổi khi họ quay trở lại Giáo phận của mình và ổn định cuộc sống thường ngày.
Minh Tuệ (theo Crux)