Linh mục Peter Hughes, một nhà truyền giáo, cho biết rằng Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon cuối cùng cũng trao cho người dân Amazon cơ hội để tiếng nói của họ được lắng nghe và đồng thời kêu gọi sự tham gia của tất cả chúng ta trong việc chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta.

Thủ lĩnh nhóm sắc tộc Macuxi tại tiểu bang Roraima phía bắc Brazil phát biểu trong một hội nghị về Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon
Một trong những tham dự viên tham gia Thượng Hội đồng đặc biệt về khu vực Amazon là một linh mục Dòng Columban người Ireland, người đã trải qua hơn 5 thập kỷ với tư cách là một nhà truyền giáo tại Châu Mỹ Latinh.
Cha Peter Hughes, người đã dành phần lớn cuộc đời của mình tại Peru, đã tham gia chặt chẽ vào việc thành lập và phát triển REPAM – mạng lưới Giáo hội để bảo vệ Amazonia – cũng như trong công tác chuẩn bị cho Thượng Hội đồng đang diễn ra.
Linh mục Peter Hughes đã phát biểu với Linda Bordoni, cộng tác viên Vatican News, rằng “điều đã trở nên rõ ràng rằng Thánh ý của Thiên Chúa, như đã được bày tỏ bởi ĐTC Phanxicô, đặc biệt là qua các văn kiện của Ngài và đặc biệt là Thông điệp ‘Laudato Si’ rằng việc chăm sóc hành tinh và tất cả các dân tộc của nó “chính là trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo của chúng ta”.
Cha Hughes cho biết Giáo hội đã chọn tự cam kết đối với việc bảo vệ Amazon và người dân của nó “bởi vì tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa”.
“Đó chính là cách chúng ta tạ ơn và làm vui lòng Đấng Tạo Hóa, nó nhằm bày tỏ sự cảm kích của chúng ta đối với công trình Sáng tạo, trong tất cả các loài sinh vật sống và tất cả các biểu hiện tuyệt vời của nó trên trái đất”, Cha Hughes nói.
Lưu ý rằng Giáo hội đã đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết cần phải chăm sóc trái đất và đồng thời bảo vệ một vùng lãnh thổ vốn “vô cùng quan trọng và hiện đang bị tấn công với tất cả sự xâm lược và hủy hoại đối với môi trường cũng như những nguy hiểm đối với những con người sống ở đó trong 1000 năm qua”, Cha Hughes đề nghị tất cả chúng ta cần phải lùi một bước trở về “nền tảng của Kinh Thánh”, vốn kể về việc tạo dựng bầu trời và địa cầu.
Cha Hughes cho biết điều này sẽ cho phép chúng ta thực hiện một bước tiến lớn trong đời sống của Giáo hội tại thời điểm đặc biệt này.
“Tôi thiết nghĩ – như nhiều người đã phát biểu trong Thượng Hội đồng – đây chính là một thời điểm cực kì quan trọng trong đời sống của Giáo hội mà trong đó Thiên Chúa mời gọi tất cả chúng ta đổi mới tinh thần về đức tin và bản chất Công giáo của chúng ta, để tham gia vào việc chăm sóc Ngôi nhà chung của chúng ta”, Cha Hughes nói.
Thời điểm cho một hệ sinh thái toàn diện
Cha Hughes cũng xác định rằng điều đó đồng nghĩa với việc chăm sóc đặc biệt đối với những người dễ bị tổn thương nhất, những người nghèo – những người bị bỏ rơi – và đồng ý rằng, “con đường phía trước là điều mà ĐTC Phanxicô gọi là ‘hệ sinh thái toàn diện’ nơi mà những người nghèo và môi trường được hợp nhất và hòa nhập với nhau”.
Sự tham gia của người dân bản địa trong công tác chuẩn bị cho Thượng Hội đồng
Cha Hughes cho biết mức độ tham gia của người dân bản địa Amazon đặc biệt hết sức tích cực trong toàn bộ quá trình chuẩn bị cho Thượng Hội đồng. Ngài cho biết rằng “người dân bản địa cảm thấy vô cùng biết ơn, đặc biệt là đối với ĐTC Phanxicô”, vì đã tạo ra diễn đàn này, trong đó tiếng nói của họ cuối cùng cũng đã được lắng nghe.
87.000 tiếng nói bản địa đã được ghi nhận
Cha Hughes giải thích rằng toàn bộ quá trình chuẩn bị kéo dài gần 2 năm và trong suốt khoảng thời gian đó, 45 cuộc họp thuộc khu vực đã được tổ chức nhằm “tạo cơ hội cho toàn bộ Giáo hội tại Amazon đến với các Giám mục của họ và nói lên sự đau khổ của họ, những bận tâm, tình cảnh mà họ đang phải trải qua ngày qua ngày như là những nạn nhân của các ngành công nghiệp khai thác vốn đang đối xử thậm tệ với môi trường của họ tới mức làm tổn hại sức khỏe của họ, đất đai của họ, sông ngòi của họ”.
Những mối bận tâm của họ, nỗi sợ hãi và cảm xúc của họ, Cha Hughes nói, đã trở nên mạnh mẽ và rõ ràng trong quá trình chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục này.
“Có một bằng chứng cho điều này trong hơn 87 nghìn tiếng nói đã được ghi nhận, về ý thức về tinh thần biết ơn sâu sắc, đặc biệt là đối với ĐTC Phanxicô và Giáo hội vì đã cung cấp cho họ khả năng, lần đầu tiên ở cấp độ tuyệt vời như vậy, để có thể lên tiếng, nói lên những mối quan tâm của họ, cho cả thế giới, không chỉ đối với Giáo hội Công giáo mà còn đối với xã hội nói chung”, Cha Hughes nói.
Người dân bản địa chính là chủ thể trong lịch sử của chính họ
Lần đầu tiên, Cha Hughes lưu ý, người dân bản địa của Amazon đã trở thành “chủ thể trong lịch sử của chính họ và họ muốn có một vị trí trên bàn thảo luận. Họ yêu cầu phải được lắng nghe tại buổi thương nghị của các quốc gia”.
Vì vậy, Cha Hughes chỉ ra rằng, Thượng Hội đồng đánh dấu một thời điểm quan trọng cho sự hiện diện của người dân Amazon, không chỉ trong đời sống Giáo hội – mà còn đối với thế giới nói chung – bởi vì như chúng ta đang nghe trong Hội trường Thượng Hội đồng Giám mục, “sự tàn phá đối với môi trường không chỉ liên quan đến Giáo hội mà rõ ràng còn liên quan đến sức mạnh kinh tế, chính trị và văn hóa của tất cả chúng ta”.
Vào cuối tuần thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục kéo dài ba tuần, Cha Hughes đã nhận xét về tinh thần và bầu không khí tuyệt vời tại Đại hội đồng.
“Bầu khí quả là hết sức nghiêm túc, các tham dự viên đã chuẩn bị rất tốt, và có một sự công nhận to lớn đối với quá trình chuẩn bị”, Cha Hughes nói, đồng thời nhấn mạnh xác quyết của mình rằng việc liên tục tạo ra sự kết nối và hòa nhập với hai năm lắng nghe trước đó là vô cùng quan trọng.
“Theo nghĩa đó, tôi rất vui mừng vì có một sự kết nối và hòa nhập chặt chẽ giữa các Giám mục và chính người dân của họ”, Cha Hughes nói.
Cha Hughes kết luận bằng cách nhấn mạnh rằng “bầu khí của Thượng Hội đồng quả là như một lễ hội: một bầu khí của sự vui mừng, một bầu khí về cảm giác thực sự của việc Chúa Thánh Thần hiện diện trong Thượng Hội đồng”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)