Đức Hồng Y Oswald Gracias người Ấn Độ là một Nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm vào Đại hội đồng đặc biệt từ ngày 6-27 tháng 10 của Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Pan-Amazon. Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Hồng Y Gracias đã nhìn vào Thượng Hội đồng Giám mục và các vấn đề của nó từ viễn cảnh Ấn Độ.

Đức Hồng Y Oswald Gracias
Một Hồng y Ấn Độ tham gia Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Amazon, hiện đang diễn ra tại Vatican, chia sẻ rằng ngài bị đánh động bởi tinh thần nhiệt huyết của các Giám mục khu vực Amazonia đối với những người nghèo khổ và những người dân đau khổ của họ.
Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám mục Địa phận Bombay, đã đưa ra phát biểu nhận xét trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News.
Là một Nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục, được ĐTC Phanxicô bổ nhiệm, Đức Hồng y Gracias là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ (CBCI), vốn quy tụ các Giám mục nghi lễ Latinh của Ấn Độ cũng như hai Giáo hội nghi thức Đông phương – Giáo hội Syro-Malabar và Syro-Malankara.
Đức Hồng y Gracias từng là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ (CCBI) theo nghi thức Latinh trong 3 nhiệm kỳ và cũng là cựu Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC).
Chủ đề của Đại Hội đồng đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục về khu vực Pan-Amazon là: “Amazonia – Những đường hướng mới cho Giáo hội và vì một hệ sinh thái toàn diện”.
Thượng Hội đồng Giám mục hiện đang bước vào tuần lễ cuối cùng, với lễ bế mạc dự kiến vào ngày 27 tháng 10. Sau các phiên họp chung, các tham dự viên hiện đang cố gắng tổng hợp các kết quả của các cuộc họp của họ trong các nhóm làm việc nhỏ.
Lắng nghe những phát biểu chia sẻ khác nhau tại Thượng Hội đồng cho đến nay, Đức Hồng Y Gracias cho biết rằng ngài cảm thấy Giáo hội thực sự là một thân thể. Ngài lưu ý rằng châu Á, cũng như Ấn Độ, có những thách thức tương tự như người dân tại khu vực Amazonia.
Đức Hồng Y Gracias đã bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với ĐTC Phanxicô vì đã đề cử ngài vào Thượng Hội đồng bởi vì ngài đang học hỏi rất nhiều về những thách thức của người dân Amazon, vốn có đôi chút khác biệt nhưng về cơ bản là giống nhau, chẳng hạn như việc làm cho các giá trị Tin Mừng hiện diện và đồng thời vươn ra với những người nghèo ở những khu vực ngoại vi.
Tinh thần nhiệt huyết vì người nghèo
Một khía cạnh khác của Thượng Hội đồng Giám mục vốn đánh động Đức Hồng Y Gracias đó chính là sự quan tâm chăm sóc nhiệt tình của các Giám mục tại Amazonia cho những người nghèo khổ của họ, những người dân đang đau khổ. Các Giám mục chính là tiếng nói của những người không có tiếng nói. Họ đang lắng nghe tiếng kêu khóc của người dân chống lại tình trạng bạo lực, bóc lột, bất công và quan tâm sâu sắc đến tương lai của họ. Do đó, việc có mặt tại Thượng Hội đồng Giám mục chính là một kinh nghiệm học hỏi và cảm hứng tốt đẹp đối với Đức Hồng y Gracias.
Việc bóc lột người dân bản địa
Điều xuất hiện mạnh mẽ trong các bài phát biểu chia sẻ, theo Đức Hồng Y Gracias, đó chính là việc khai thác bóc lột đối với người dân bản địa. Ngài cho biết rằng điều này cũng đang xảy ra ở Ấn Độ.
“Các nhóm sắc tộc và bộ lạc thuộc thổ dân Ấn Độ và các bộ lạc là những người bản địa của chúng tôi. Đất của họ đang bị tước đoạt. Pháp luật đã được thông qua đã tước mất các đặc quyền mà họ có”.
Vị Hồng y 74 tuổi giải thích rằng nhiều người trong số những cư dân nguyên thủy này không có những giấy tờ phù hợp. Họ không quen với tất cả những điều này nhưng họ đã sinh sống ở vùng đất của họ trong nhiều thế kỷ. “Đột nhiên, có những người đến nói với họ rằng họ không có giấy tờ thích hợp, vì vậy đất đai của họ bị tước đoạt”.
Nạn phá rừng
Đức Hồng Y Gracias chỉ ra rằng Ấn Độ cũng có vấn đề của nạn phá rừng nhưng ở mức độ thấp hơn tại Amazonia, nơi mà vấn nạn này đang xảy ra lan tràn. Ở Ấn Độ, các công ty doanh nghiệp đang chiếm dụng đất đai. Ngài than phiền rằng mật độ phủ xanh của đất nước hiện đang dần giảm đi.
“May mắn thay, chính phủ đã lên tiếng về sự cần thiết cần phải chăm sóc khí hậu”, thế nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp đã làm khác đi.
Việc thiếu Linh mục
Vấn đề thứ ba xuất hiện trong Thượng Hội đồng Giám mục đó chính là sự thiếu hụt trầm trọng các Linh mục tại khu vực Amazonia. Các tín hữu có khi cả sáu tháng hoặc một năm không được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. May mắn thay, đây không phải là tình hình ở Ấn Độ, nhưng việc lợi dụng bóc lột đối với người dân bản địa được cảm nhận rất mạnh mẽ tại Ấn Độ.
Minh Tuệ (theo Vatican News)