“Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng”

“Sự yên ổn không phải là bổn phận đầu tiên của người công dân, và một Giám mục chỉ tránh những phiền toái và ngụy trang chừng nào có thể, mọi thứ xung đột, đối với tôi là một hình ảnh ghê tởm” (Đức Ratzinger).

Đức Giêsu đáp ứng mọi thách thức tìm chân lý

JESUS-AND-THE-POORĐức Giêsu luôn sẵn sàng trả lời những thách thức của đối thủ. Trong trường hợp khi ông Kinh sư hỏi Đức Giêsu về Điều răn nào đứng hàng đầu? Đức Giêsu trả lời ngay, dù biết cách hỏi đó có ý làm khó nhau, vì trong “rừng luật” gồm 613 điều khoản, chỉ ra điều răn đứng hàng đầu, căn bản và bao trùm hết mọi điều răn quả là một thách thức.

Ông Kinh sư phải kinh ngạc và ngưỡng mộ câu trả lời của Đức Giêsu, đó là khởi đầu của mọi cuộc đối thoại. “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Ítraen, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn các điều răn đó” (Mc 12,29-31).

Biến đối đầu thành đối thoại để học sống lòng thương xót và chân lý.

Làm sao có thể biết mình đã yêu mến Thiên Chúa và yêu người thân cận như Chúa muốn? Đó là đặt Thiên Chúa lên trên hết mọi sự và yêu thương người thân cận như bản thân mình. Nhưng ai là người thân cận của tôi? Đấy là câu hỏi của một Kinh sư khác đã hỏi và Đức Giêsu đã trả lời bằng dụ ngôn người Samari nhân hậu, để ông ta rút ra kết luận rằng “chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với nạn nhân”. (x. Lc 10, 29-37). Tin mừng đi tìm kiếm những người nghèo khổ bị bỏ rơi để công bố lòng thương xót của Thiên Chúa cho họ.

Giáo hội xây dựng trên nền tảng Tin mừng, nên luôn tiếp tục bị chất vấn về lòng thương xót và buộc phải bày tỏ lập trường dứt khoát đứng về anh chị em đau khổ như yêu sách của Tin mừng. Bởi người ta khó có thể yêu mến Thiên Chúa khi họ không đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự, thì người ta cũng khó có thể yêu thương người thân cận như chính bản thân mình. Giáo hội là của Thiên Chúa, thuộc về Chúa Kitô, Giáo hội học yêu người thân cận như Chúa Giêsu đòi buộc; dù có được ưu ái thế nào đi nữa, Giáo hội không thuộc về lợi ích thể chế chính trị, xã hội hoặc bất cứ phe nhóm nào. Cảm thức của một người ý thức Giáo hội là của  người nghèo sẽ thấy “sự yên ổn không phải là bổn phận đầu tiên của người công dân, và một Giám mục chỉ tránh những phiền toái và ngụy trang chừng nào có thể, mọi thứ xung đột, đối với tôi là một hình ảnh ghê tởm”.

Giáo hội của người nghèo và không thể vô cảm

Giáo hội Việt nam đã hơn một lần đi chung với dân tộc, song HDGMVN_2017hành với mọi người trên quê hương này, lấy “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người dân Việt Nam cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của chúng tôi, các Giám mục thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam. Giáo Hội không có chức năng làm chính trị, nhưng cũng không đứng bên lề xã hội”. Đó là những lời đầu tiên trong “Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Về Một Số Vấn Đề Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay” do ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Nhơn thay mặt HĐGM Việt Nam công bố vào ngày 25 tháng 09 năm 2008.

Việc Giáo hội tỏ rõ thái độ không vô cảm trước những bất công, áp bức mà các thể chế chính trị, xã hội hay phe nhóm đã gây ra, hơn thế, Giáo hội đã lựa chọn đứng về phía người dân Việt Nam, nhất là những người cùng khổ, cho thấy tiếng nói chung của HĐGMVN là cần thiết để góp phần xua trừ những tiêu cực trong xã hội dân sự, để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Giáo hội của người nghèo không lên tiếng bênh vực họ thì ai sẽ lên tiếng. Mà nếu Giáo hội không lên tiếng thì môi trường sỏi đá, cát biển, sông nước sẽ lên tiếng thay cho con cháu tương lai.

Một Kitô hữu lên tiếng cho người nghèo bị áp bức cũng là tiếng nói của Giáo hội Chúa Kitô

Nếu một người Công giáo dửng dưng trước những bất công, bách hại từ bất kỳ phía nào gây ra cho con người, nhất là cho những người thân cận, thì đó là bằng chứng cho thấy họ chưa là người Kitô hữu đích thật, chưa thật sự là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô; họ chưa trọn vẹn thuộc về Giáo hội vì Giáo hội ấy luôn bị thù ghét bởi bênh vực người nghèo; họ chưa thuộc về Chúa Kitô, vì Người đã từng bị ghét bỏ và bị giết chết.

Đức tin Kitô giáo không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà thờ, với cách sinh hoạt như thể tách biệt khỏi những thăng trầm của xã hội, những tang thương của cuộc sống, nhưng, như lời kết của mọi Thánh lễ, vị chủ tế luôn nói: “Chúc anh chị em ra đi bình an”, ra đi bình an không phải là cuộc ra đi trong sự an toàn, mà là đem Tin Mừng đến cho người thân cận, để Tin mừng hóa tất cả những vấn đề của họ, của dân tộc và của thế giới.

Trong Thánh lễ phong chức Linh mục ngày 14/11/2016, ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp có nhắn nhủ với các tân chức: ” Đừng quên người nghèo, đừng quên các nạn nhân của thiên tai và nhất là nạn nhân của nhân tai. Nếu các con không thể làm gì để giảm nổi khổ đau và bất hạnh của họ, ít nhất, đừng chất thêm gánh nặng trên những đôi vai gầy ấy.”

ĐGH Phanxicô mở rộng chân trời áp bức cần được tảy xóa tới cả môi sinh cho sự sống con người khi Ngài nhấn mạnh: “Chúng ta không thể dửng dưng trước bất cứ điều gì của Trái đất… Tội lỗi chống lại tự nhiên, cũng là tội lỗi chống lại chúng ta và là tội lỗi chống lại chính Thiên Chúa” ( Laudato Si, số 8).

Cuối cùng, “Giáo hội phải cật vấn những thói hư và những nguy cơ của thời đại, phải ngỏ lời với lương tâm của những kẻ có quyền hành và cả với những nhà tri thức nữa, cả với những người bằng con tim hẹp hòi và thản nhiên, muốn sống lãnh đạm trước những nỗi khốn cùng của thời đại”. Đức Ratzinger, khi đó còn là Hồng Y, trong tác phẩm “Muối cho đời”, đã mạnh mẽ kêu gọi Giáo hội cật vấn lương tri thời đại như thế.

Ngài viết tiếp những lời mãi đến mai sau vẫn còn nguyên giá trị thách thức những vị hữu trách trong Giáo hội và mỗi người tín hữu. “Với tư cách là Giám mục, tôi cảm thấy bó buộc phải chu toàn sứ mạng này. Ngoài ra, những mất mát lúc đó là quá hiển nhiên: chán nản trong đức tin, sa sút trong ơn gọi, sự xuống cấp các giá trị đạo đức giữa những người của Giáo hội, khuynh hướng bạo lực ngày càng tăng và bao điều khác nữa. Tôi nghe vang vọng bên tai những lời của Thánh kinh và của các Giáo phụ kết án một cách nghiêm khắc những mục tử mà giống như những con chó câm, và nhằm tránh xung đột, để cho sự độc hại lan tràn. Sự yên ổn không phải là bổn phận đầu tiên của người công dân, và một Giám mục chỉ tránh những phiền toái và ngụy trang chừng nào có thể, mọi thứ xung đột, đối với tôi là một hình ảnh ghê tởm” (Ratzinger, Muối cho Đời, Cerf 1997, tr. 95)

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết