Nếu đã sinh ra thì đừng như thế, nếu thế, thà đừng sinh ra còn hơn.
Thánh Mát thêu dùng bối cảnh lễ vượt qua người Do thái hân hoan tạ ơn Chúa cứu họ khỏi kiếp nô lệ Ai cập, cứu sống họ qua các tai ương và đưa họ băng qua biển đỏ vào đất hứa để làm nền cho sự bội phản, hèn hạ của Giuđa khi nộp Đức Giêsu.
Các thượng tế khi ấy muốn giết Đức Giêsu, nhưng chưa tìm ra cơ hội, nay thời cơ chợt đến, như đất hạn gặp mưa rào. Giuđa, người môn đệ Đức Giêsu đã chủ động tìm tới họ để ngả giá cho việc nộp Người: “Tôi nộp ông ấy cho quý vị, thì quý vị muốn cho tôi bao nhiêu? Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc”.
Giuđa đã không bán Đức Giêsu, nhưng là nộp Đức Giêsu cho các thượng tế để lấy số tiền ít ỏi, còm cõi chẳng đáng là bao. Các thượng tế trả cho ông ba mươi đồng là có ý coi thường Giuđa, coi thường việc nộp Đức Giêsu của Giuđa, như thể chẳng cần Giuđa, Đức Giêsu đã nằm trong tay họ rồi, bắt lúc nào là tùy ở họ. Sự việc còn đang thương lượng, Giuđa có thể nhận ra việc làm chẳng đáng bõ bèn gì của mình. Dù thế, ý đã quyết, không có chuyện thoái lui, nghĩ lại, Giuđa vẫn chấp nhận cái giá này, và từ đó cố tìm dịp thuận tiện để nộp Đức Giêsu.
Không thể hiểu được vì sao Giuđa lại quyết tâm thực hiện chuyện động trời ấy. Đức Giêsu đã không hề sử xự bất công hay thiên vị gì với ông, trái lại, từ ngày kêu gọi ông và trong suốt ba năm theo Người, Người luôn bày tỏ lòng quý mến với ông: ông là một trong Nhóm Mười Hai tín cẩn nhất, còn được tín nhiệm giao phó chức vụ thủ quỹ cho cả nhóm.
Không thể hiểu được vì sao Giuđa lại quyết tâm thực hiện chuyện động trời ấy khi cố nộp Đức Giêsu cho bằng được với cái giá chỉ như thế. Ông dư biết các thượng tế vô cùng căm hận Đức Giêsu, nếu chỉ vì tiêu xài cho cá nhân, ông phải ngả một giá thật cao, nhưng ông lại hài lòng với cái giá rẻ mạt.
Nếu chỉ với cái giá đó mà ông đang tâm nộp Đức Giêsu cho các thượng tế, ông thật là con người nô lệ cho tiền bạc cách kinh khủng.
Hoặc ông muốn thúc ép Đức Giêsu phải xưng vương và thiết lập vương quyền, khi vừa thấy Đức Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem để dồn Đức Giêsu vào thế phải hành động với quyền năng vô địch của Thiên Chúa có trong Người, để tự cứu lấy mình.
Ông, cũng như các môn đệ khác đã được Đức Giêsu báo thương khó và cái chết ba lần, dù không nhập tâm điều ấy, nhưng khi nộp Thầy, hẳn ông biết mình có thể là nguyên nhân làm ứng nghiệm những lời báo đó của Đức Giêsu.
Dù cố gắng tìm hiểu nguyên nhân việc Giuđa nộp Đức Giêsu dưới nhiều góc cạnh, nhưng bí ẩn vẫn hoàn toàn bao trùm. Dầu vậy việc ông nộp Đức Giêsu là sự thật hiển nhiên và không thể chối bỏ trách nhiệm của Giuđa trong vụ án đưa đến cái chết của Đức Giêsu.
Phần Đức Giêsu, Người đã đau đớn thở than bằng một câu: “Đã hẳn Con Người ra đi như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra còn hơn”.
Một nỗi đau uất nghẹn, một sự tổn thương lớn lao trong tâm hồn gây ra bởi người môn đệ thân tín, nhưng Đức Giêsu đọc được ý nghĩa của tấn thảm kịch ấy nằm trong kế hoạch Cứu Chuộc của Chúa Cha. Người phải chết để ứng nghiệm lời Kinh thánh; Người chấp nhận cái chết để chứng tỏ mình là Tôi Trung của Thiên Chúa; Người đón nhận cái chết để vâng phục Thánh ý Chúa Cha. Đức Giêsu biết Người sẽ phải trả giá chuộc đời, và Người, trong tư thế chủ động, sẵn sàng trả giá ấy, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người. Dùng từ “khốn” trong trường hợp này, Đức Giêsu vừa muốn nhấn đến sự hèn mạt, mất nhân cách, đáng khinh, đáng bị nguyền rủa, vừa cho thấy đó là cái họa, sự khốn quẫn, bị trừng phạt và “thà nó đừng sinh ra còn hơn” là một câu rất nặng nề.
Chính những lời Đức Giêsu ở đây cho thấy sự kinh khủng của thứ tội có chủ ý, có dáng dấp bóng hình quỷ dữ. Biết mình đang ủ tội, biết Chúa biết tội mình; đối diện với tội mình và đối diện với Đức Giêsu cùng với lời kêu gọi của Chúa mà vẫn cương quyết với lập trường của mình mà vẫn thực hiện.
Như các môn đệ đang xôn xao hỏi Đức Giêsu: “Chẳng lẽ con sao”, nhưng Đức Giêsu chỉ trả lời cho Giuđa: “Chính anh nói đó!”.
Giuđa đã phạm tội tầy đình, số phận ông thế nào, phải để cho Thiên Chúa phán quyết. Nhưng hình ảnh của Giuđa từ đó trở nên như tấm gương, như lời nhắc nhở cho những ai chai lỳ trong tội, không chịu sám hối ăn năn, không chịu trở về với Chúa: nếu đã sinh ra thì đừng như thế, nếu thế, thà đừng sinh ra còn hơn.
Jos Ngô Văn Kha CSsR