Thứ tư Tuần Bát Nhật PS: Emmau là Emmau nào?

Bổn phận người Kitô hữu là đốt lên ngọn lửa phục sinh yêu thương để sưởi ấm các tâm hồn.

tải xuống (2)Đức Giêsu Kitô phục sinh – hiện ra đem lại lòng tin và sự phấn khởi cho người này, nhưng với những người khác thì không. Làm sao đức tin vào sự phục sinh của Đức Giêsu cùng với sự nhìn nhận Người đang sống, đang hiện diện trong quyền năng của Thiên Chúa và vẫn ở cùng họ trở nên như mẫu số chung, nên căn bản cho đức tin Kitô giáo? Điều này là không thể đối với những cố gắng của con người, và càng không thể tồn tại với thời gian, nhất là được bảo đảm bằng chính mạng sống của những người loan báo Tin mừng và những cử hành hàng ngày trong phụng vụ Kitô giáo.

Hai môn đệ trên đường đi Emmau đã đánh mất niềm tin và hy vọng vào Đức Kitô. Sự mệt mỏi và tuyệt vọng hằn lên những bước chân của họ. Những bước chân từng hăng say theo gót Đức Giêsu trước đây bao nhiêu, nay nặng nề trở lui vì thất vọng.

Tâm thần não nề, họ vừa đi vừa chuyện trò với nhau, không phải để tìm ra giải pháp cho sự hoàn cảnh này, cho hướng đi của tương lai, nhưng vì bế tắc, vì không tìm ra lời giải thích hữu lý nào.

Đức Giêsu tiến đến gần và đồng hành với họ để lắng nghe những băn khoăn và thất vọng của họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản nên không nhận ra Người. Những gì họ thổ lộ có mùi vị của thế tục. Họ theo Chúa vì ngưỡng mộ Người như một vị ngôn sứ đầy uy thế và quyền năng trước mặt Thiên Chúa và con người; họ kỳ vọng Người sẽ giải phóng dân tộc, vậy mà Người lại để mình bị giết bởi giới lãnh đạo Do thái, nay là ngày thứ ba; họ biết về ngôi mộ trống.

Sự hiểu biết ấy được định hướng bởi mục tiêu trần tục, do vậy họ không tìm ra được lời giải đúng. Đức Giêsu khai tâm cho họ hiểu về những ý nghĩa của những biến cố, giải thích về mầu nhiệm Đấng Mêsia cứu chuộc bằng sự đau khổ được tiên báo xuyên suốt Kinh thánh. Đó không phải là sự thất bại, thua cuộc, nhưng là điều tất yếu trong kế hoạch cứu độ của Chúa Cha, “phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của Người.”

Lời giải thích của Đức Giêsu tạo nên hiệu quả, trí họ được mở ra, lòng họ được ấm lại, con tim họ bừng cháy. Họ nhận ra đó là Tin mừng xua tan mọi não nề, thất vọng. Như người đói khát được no thỏa, họ nài ép Người ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, “người lữ khách đồng hành” đã làm cử chỉ mà họ đã từng ấn tượng trong Bữa Tiệc Ly: “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho họ.” Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.

Bản văn không nói đó là tiệc Thánh Thể, nhưng vẫn hàm chứa sự khác biệt độc đáo để phân biệt, như một bản sắc Kitô giáo trong thái độ dùng bữa của người tín hữu và những người khác, để người tín hữu có thể nhận ra nhau trong các bữa ăn thường nhật, và nhận ra Chúa đang hiện diện, ở cùng.

Kinh nghiệm của hai môn đệ Emmau cũng là của chúng ta hôm nay. Đức tin vào Đức Kitô không phải là một đức tin tách biệt, mà phải dựa vào Kinh thánh, vào đức tin của Giáo hội, vào đức tin của các người tín hữu khác, những người đã được ơn nhận ra Đức Kitô phục sinh đang sống và luôn ở cùng mọi người cho đến tận thế, để trở nên vững mạnh, và trở nên là chỗ dựa cho những người còn yếu lòng tin.

Không ai có thể cầm giữ Người được, nhưng chính Người lại cầm giữ mình cho Giáo hội. Sự hiện diện của Người được Giáo hội bảo đảm khi nào Giáo hội còn rao giảng Lời, còn cử hành các bí tích, còn làm chứng cho Người bằng niềm vui phục sinh, còn gắn bó yêu thương nhau và củng cố đức tin cho nhau.

Đức tin vào Đức Giêsu phục sinh vừa cần có lời chứng của một tập thể, lại vừa phải có kinh nghiệm đích thân của từng cá nhân về sự hiện diện sống động của Chúa trong cuộc đời. Cần giữ mắt cho sáng, biết lắng nghe và luôn mở lòng, để sẵn sàng tiếp nhận Người.

Thế giới hôm nay đầy rẫy những tâm hồn đau khổ và tuyệt vọng vì mất niềm tin, không còn thấy ý nghĩa cuộc đời. Tuyệt vọng vì chiến tranh, bạo lực, vì sự bành trướng của những sự xấu xa và ác độc, tham lam và dối trá. Tuyệt vọng vì nghèo đói và khinh bỉ, bị loại trừ và đặt ra bên lề xã hội.

Giữa những tình cảnh tuyệt vọng ấy, bổn phận người Kitô hữu là đốt lên ngọn lửa phục sinh yêu thương để sưởi ấm các tâm hồn, dùng ánh sáng Lời Chúa để giải thích những vấn nạn trong cuộc sống và nhất là quy tụ nhau quanh bàn tiệc Thánh Thể. Bổn phận này không đòi hỏi phải có những tổ chức rộng lớn, quy mộ những phương tiện tối tân hoặc những khả năng phi thường, mà chỉ cần sự quan tâm chia sẻ những gánh nặng cho nhau, những trao đổi thân tình nhưng đầy hơi ấm của tình Chúa phục sinh cũng mang lại những kết quả có giá trị.

Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết