Kẻ bị nhiều xiềng xích gông cùm nhất, là kẻ ảo tưởng mình đang tự do.
Mọi chế độ nô lệ luôn để lại những dấu tích bi thương cho con người, nhưng có một chế độ nô lệ còn phổ biến hơn, nghiêm trọng hơn, để lại hậu quả đáng sợ hơn, là nô lệ cho tội! Tình trạng nô lệ nầy chế ngự mọi người, ở mọi nơi và mọi thời.
Trước sức mạnh của tội, người ta không ngớt tìm kiếm mọi biện pháp về cả vật chất lẫn tinh thần với hy vọng sẽ tự thoát ra khỏi sự kềm tỏa của tội và tìm được tự do nhờ chính sức mạnh ý chí. Nhưng những nỗ lực ấy chẳng khác nào cố gắng và quyết tâm của đứa trẻ cố tát hết nước trong đại dương vào một cái lỗ!
Điều thúc đẩy người ta có ảo tưởng làm chủ được chính mình, vì họ đã có một quan niệm sai lầm về sự tự do. Tự do không phải là muốn làm gì cũng được, không lệ thuộc ai trong các chọn lựa. Thực tế chứng minh ngược lại, con người là những hữu thể lệ thuộc, là những hữu thể có tương quan. Những gì con người lệ thuộc, in dấu vào trong nó, đặt nền móng cho đời sống của nó. Người ta chẳng thể sống nếu không lệ thuộc vào điều gì, vào ai, nhưng lại được tự do chọn người họ muốn lệ thuộc vào.
Trong thế giới đầy ảo tưởng và mộng du này, Đức Giêsu mời gọi chúng ta lệ thuộc vào Người, vì chỉ một mình Người có thể đem cho người ta tự do đích thật. Mọi chọn lựa bên ngoài Người đồng nghĩa với đánh mất tự do và bị nô lệ.
Lệ thuộc vào Đức Giêsu, là trở nên là môn đệ Người, để biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng chúng ta khỏi tội. Sự chọn lựa những sự lệ thuộc tích cực, tốt lành có thể làm nẩy sinh trong chúng ta nhiều tự do hơn. Nhưng nếu lựa chọn sự lệ thuộc tiêu cực,xấu xa, sẽ làm giảm tự do và còn làm tăng tình trạng nô lệ.
Khởi sự làm môn đệ Đức Giêsu là đặt lòng tin vào lời Người, luôn suy gẫm, tìm kiếm phần chân lý ẩn tàng trong lời dạy của Người, để ý nghĩa lời Người luôn sáng tỏ trong đời sống, và đặt mình và đời sống luôn ở trong lời Người.
Làm môn đệ Đức Giêsu không phải để nhằm thỏa mãn tri thức nhưng là khao khát thấu hiểu sự thật và sống sự thật sẽ cho chúng ta thấy rõ giá trị đích thực của đời sống, một đời sống đáng sống trong tự do.
Nếu những người Do thái phản ứng mạnh mẽ trước lời của Đức Giêsu,vì họ bị chạm vào sự kiêu hãnh “là người tự do” của họ.
Người Do Thái xem tự do một giá trị cao cả và coi tự do là quyền bẩm sinh. Luật qui định rằng dù nghèo hèn đến đâu, người Do Thái không thể bị hạ thấp xuống hàng nô lệ (Lv 25,39- 42). Người Do thái chân chính không làm nô lệ cho ai. Dù hoàn cảnh lịch sử nhiều lần họ bị bắt đi lưu đày hoặc đang bị người Rôma đô hộ nhưng trong thâm tâm, họ vẫn duy trì một tinh thần độc lập, họ có thể làm nô lệ thể xác, nhưng chẳng bao giờ nô lệ về tinh thần, nhất là tôn giáo.
Sự sỉ nhục lớn nhất đối với họ, là nói hay ám chỉ họ là kẻ nô lệ. Vì thế khi Đức Giêsu bảo, nếu họ làm môn đệ Người, họ sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng họ. Người Do thái phản ứng rằng, họ chưa hề làm nô lệ cho ai bao giờ, nhưng Chúa Giêsu lại nói về tình trạng nô lệ khác, “Ai phạm tội là nô lệ cho tội”,
Kẻ phạm tội dù muốn hay không, cũng buộc phải làm những gì tội lỗi muốn. Họ lâm vào tình thế vừa ghét mà cũng vừa yêu tội của mình. Thói quen phạm tội bám chặt, điều khiển và khống chế kẻ ấy không cho nó làm ngược lại. Vì vậy, khi Đức Giêsu ám chỉ sự khác nhau giữa người con luôn được trong gia đình, còn nô lệ có thể bị đuổi bất cứ lúc nào, là bởi họ đang tìm cách giết Người trong tư cách là sứ giả của Chúa Cha, đem đến chính sứ điệp của Thiên Chúa, và đó chính là điều Apraham đã không làm. Khi sứ giả của Thiên Chúa đến với Apraham, ông đã tiếp đón rất long trọng (St 18,1-8), còn họ, hai lần Đức Giêsu nhắc đến ý định xấu xa này để nhấn rằng, họ đang bị tội lỗi khống chế, và thực hiện ý định ấy, chứng tỏ họ đang nô lệ cho tội và không phải là con cái Apraham. Toàn bộ sự nghiệp của Apraham là lòng tín trung ông đặt trọn vẹn vào lời Thiên Chúa.
Làm sao họ dám xưng là con cháu Apraham, là người tự do đang khi hành vi của họ hoàn toàn trái ngược?
Jos Ngô Văn Kha CSsR