Thứ tư sau CN3 MC: Kiện toàn Lề Luật

Vì Lề Luật đã đi chệch hướng so với nguồn gốc và cùng đích của nó, nên người ta hay dùng Lề Luật để tố cáo và kết án nhau. Hoặc tệ hơn là kết án nhau nhân danh Lề Luật. Đức Giêsu phải đến để kiện toàn.

10rdLuật là tổng thể những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do mỗi quốc gia đặt ra hoặc thừa nhận. Mỗi thời kỳ, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những bộ luật dành riêng cho cộng đồng của mình, phù hợp với truyền thống, tập quán và các giá trị văn hóa, đạo đức, nhằm bảo đảm, duy trì trật tự và phát triển. Các bộ luật được hoàn thiện dần trong thời gian, theo sự phát triển của các nền văn minh và ngày càng phức tạp hơn về nội dung lẫn hình thức.

Điều cốt yếu của luật pháp là phải thực sự đặt nền tảng trên nhân vị, phải có tính bền vững và phải thực sự đem lại lợi ích cho cộng đồng, chứ không phải nhắm đến lợi ích cho một thiểu số nắm quyền. Những điều luật không còn phù hợp phải được thay thế bằng những điều luật mới.

Do thái là một quốc gia đặt đức tin vào sự mặc khải của Thiên Chúa và Lề Luật dựa trên Giao ước với Người. Hệ thống luật pháp dựa vào sách Ngũ Thư (Torah) và luật truyền khẩu (Talmud), chứ không phân tách giáo luật và dân luật. Chính Môsê đã truyền đạt cho dân phải tuân giữ và thực hành Lề Luật của Thiên Chúa: “Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói: ‘Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh!’ Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em?” (Đnl 4,6-8).

Việc giải thích luật do các thầy Rabbi đảm trách, nên thường không có sự thống nhất giữa việc hiểu biết và áp dụng lề luật chung cho mọi người. Điều này phát sinh sự khác biệt trong các quan niệm thần học và thực hành các nghi lễ như đã thấy trong các nhóm Thượng tế, Xa đốc, Biệt phái, Kinh sư và dân chúng.

Thủơ ban đầu, Lề Luật được thiết lập không phải là để hạn chế sự tự do của con người, bắt người ta tuân thủ những quy định của xã hội, nhưng nhằm giúp dân  tiến gần đến Thiên Chúa với lương tâm trong sạch và xa lánh tội lỗi. Việc thực thi Lề Luật là dấu chỉ cho biết họ vẫn trung thành với Giao ước và Thiên Chúa vẫn còn hiện diện ở giữa họ, Chúa phúc cho họ. Họ luôn tự hào là một dân tộc khôn ngoan, thông minh, một dân tộc mà mọi người là anh em với nhau.

Giữa một “rừng luật” mà Môsê truyền lại, cộng với lời các ngôn sứ, việc tìm kiếm đâu là ý nghĩa thật, là giá trị căn bản theo ý Thiên Chúa không dễ. Nhưng Đức Giêsu đã biết cách ứng dụng giá trị trọng tâm của Lề Luật vào những trường hợp cụ thể, điều này làm các thầy rabbi và những người Do thái ngộ nhận Đức Giêsu đến để phá hủy Lề Luật. Do đó Đức Giêsu phải công bố Người đến không phải để phá hủy, nhưng là để kiện toàn Lề Luật, nghĩa là không để Lề Luật trở nên phương tiện của sự ác, nên vũ khí của sự dữ, nhưng đưa ý nghĩa và giá trị của Luật đến cùng đích của nó. Bởi thế, “trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không được bỏ”. Vì Lề Luật, một khi tách lìa nguồn gốc và cùng đích nguyên khởi, sẽ có nhiều khả năng trở nên phương tiện để hãm hại người ta (x.Rm 7,13-15). Hơn thế, chính sự dữ, sự ác sẽ lợi dụng Lề Luật để thực thi điều xấu, mà sau này, chính Đức Giêsu là nạn nhân (x.Ga 19,7).

Việc kiện toàn Lề Luật của Đức Giêsu còn cho thấy cái nhìn và con tim của Người đối với con người. Không ai là vô tội trước mặt Người, Người luôn mở ra một tương lai cho con người, vì không có vị thánh nào mà không có quá khứ và cũng không có tội nhân nào mà lại không có tương lai.

Đức Giêsu còn nhấn mạnh đến sự liên kết tương tác giữa “giữ và dạy” luật kiện toàn này. Nếu chỉ biết giữ mà không dạy, hoặc chỉ dạy mà không giữ cũng vô ích.

Nếu ta chỉ biết dạy người khác phải tha thứ, mà trong bản thân ta toàn là oán thù, hoặc chỉ biết giữ sự “công chính” cho riêng mình, mà để mặc người người khác sống trong lỗi lầm, điều đó chẳng đem lại cho ta ơn cứu rỗi của Chúa.

Hội thánh không phải là một cộng đoàn mà trong đó, “chiếu theo luật thì nó phải chết”, cũng không phải gồm những người toàn thiện kiêu hãnh như những bức tường ngăn cách và loại trừ người khác, nhưng là cộng đoàn được kiện toàn bởi Luật Đức Giêsu, Luật của Tình yêu và lòng thương xót, luật mở ra ơn tha thứ cho những ai khiêm cung và biết cảm thông.

    Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết