Giôna, dù ngoan cố và cứng lòng trước lệnh truyền của Thiên Chúa, nhưng sau biến cố bị con cá lớn nuốt ba ngày rồi nhả ra, ông đã vâng phục Chúa đi giảng cho dân thành Ninivê.
Dân thành Ninivê, dù tội lỗi, nhưng đã thống hối, thay đổi đời sống trước lời cảnh cáo của Giona, đã làm Thiên Chúa đổi ý mà tha thứ. Vì Thiên Chúa chỉ muốn cứu sống người ta, chứ không muốn trừng phạt.
Đức Giêsu lại khác, Người luôn gặp sự cứng tin, hay hạch sách, chống đối của người Do thái. Cho nên Người gọi họ là “một thế hệ gian ác”.
Gian ác bởi vì họ không biết phục thiện, ngoan cố không chịu sám hối, lỳ lợm trên con đường tội lỗi, làm cho ân huệ của Chúa ra vô ích, và còn hay thử thách Đức Giêsu qua việc đòi dấu lạ để chứng thực về tư cách Mêsia và sứ mạng Thiên sai, dù không ít người trong số họ đã thấy nhiều phép lạ của Người.
Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ, nhưng không phải để biểu diễn, phô trương, để mê hoặc người ta, hay để qui về mình vinh hoa, phú quý, mà nhắm đến việc khai mở Nước Thiên Chúa và ban ơn cứu rỗi cho con người.
Sự thách đố của người Do thái giống như cơn cám dỗ của quỷ dữ lúc trước: “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt4,3). Và nếu Đức Giêsu cương quyết không làm theo lời quỷ dữ, bây giờ Người cũng dứt khoát từ chối:“Họ sẽ không được ban một dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Giôna”.
Dấu lạ ông Giôna mà Đức Giêsu nhắc tới, vừa gợi lại việc Dân thành Ninivê đã mau mắn đón nhận lời giảng của Giôna và sám hối chân thành, còn thế hệ đương thời với Người thì luôn cạnh khóe để từ khước, vừa ngầm cho biết dấu lạ cả thể sẽ được ban cho họ là việc chính Người sẽ phải chịu chết, chịu chôn trong mồ và sau ba ngày, Người sẽ sống lại, đem ơn tha tội cho những ai có lòng sám hối.
Đức Giêsu còn ví chuyện nữ hoàng Phương Nam từ phương xa tìm đến nghe những lời khôn ngoan của vua Salomon, mà “Đây còn hơn Salômôn nữa”.
Vì thế, trong ngày Phán xét, chính nữ hoàng Phương Nam và dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ.
Ta đang sống trong một xã hội mà các giá trị đạo đức bị đảo lộn, tôn giáo bị khống chế. Những kẻ cầm quyền không ngại bộc lộ bản chất gian dối, xảo trá và ác độc. Điều này tác động rất lớn cho đời sống xã hội. Người ta đua nhau vứt bỏ những chuẩn mực đạo đức, làm ăn bất chính, khi thấy những kẻ xấu xa, gian tà lại mau thành công và thành đạt hơn những người thật thà, liêm chính.
Phải chăng Thiên Chúa không còn hiện diện hoặc không còn quyền năng, bất lực trước sức mạnh gian ác của con người? Phải chăng xã hội không còn những ngôn sứ dùng lời Chúa để cảnh báo họ, hoặc binh vực những người công chính?
Hôm nay, có thể tôi cũng vội quên những kỳ công vĩ đại Chúa đã làm, vẫn muốn Chúa dùng quyền năng vô địch dọn dẹp mọi sự, và sắp xếp lại trật tự trong xã hội và trên thế giới, chí ít là muốn Người làm một dấu lạ từ trời cao để trừng phạt những kẻ gian ác, giải thoát người hiền lương, làm cho Danh Thánh Người được hiển vinh, mà không thấy Người vẫn dùng quyền năng nâng đỡ những người đang đau khổ, cứu thoát những người bị quỷ dữ thống trị, uốn nắn lòng dạ con người. Hôm nay tôi có vững tin vào Đức Giêsu, Đấng “còn hơn cả Giona, hơn cả vua Salomon” để mau mắn quy phục Lời Chúa, sám hối mọi tội lỗi, trở lại cùng Người mà được ơn tha thứ và cứu thoát, để vững tin rằng, những gì Người đã thực hiện, Người cũng sẽ đưa đến chỗ hoàn tất?
Hay tôi vẫn thuộc vào số những người cứng lòng tin trong “thế hệ gian ác này”?
Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.