Thứ Tư sau CN 2 MC: Quyền bính và địa vị, phục vụ và hiến mình

Dựa trên tiêu chuẩn nào để biết ai là môn đệ đích thật và là hiện thân của Đức Giêsu trong Giáo hội và trong thế giới hôm nay? Câu hỏi luôn dằn vặt người tín hữu, nhưng không phải ai cũng dám nói và dám khẳng định…

Washing Feet 1 (638 x 677)Quyền bính và địa vị luôn là khát khao của mọi người ở mọi thời, là tiêu chuẩn đánh giá giá trị bản thân và sự thành công của cá nhân trong cộng đồng. Có quyền bính và địa vị, người ta có thể biến nhiều ước mơ thành hiện thực, luôn được trọng vọng và kính nể. Vì thế, quyền bính và đia vị luôn là miếng mồi ngon cho người ta tranh giành, mua chuộc, ban phát, độc chiếm. Sự hả hê khi chiếm được, ganh ghét nếu không có và đố kỵ khi vuột mất, lộ rõ trên khuôn mặt người ta và đó cũng là nguyên nhân gây ra những cuộc xung đột, chiến tranh.

Ban đầu, các môn đệ Đức Giêsu đã từ bỏ mọi sự để theo Người, không phải vì lý tưởng cao đẹp nào cả, nhưng trong thâm tâm, họ chỉ muốn được Người “chia phần” thống trị, được ban thưởng nhiều quyền bính và địa vị cao cả khi Người lên nắm quyền vương đế trong Nước Thiên Chúa.

Ba lần Đức Giêsu báo trước cuộc thương khó, cái chết và sự sống lại để cứu chuộc nhân loại đã không được các môn đệ hưởng ứng, trái lại, họ còn cản ngăn và phớt lờ. Đức Giêsu biết trong lòng các môn đệ ấp ủ những gì, và nhân cơ hội bà mẹ hai ông Giacôbê và Gioan đến xin cho hai con mình được địa vị cao trọng, Người đã cho họ một bài học về quyền bính và địa vị, không phải theo kiểu con người như cách các môn đệ thèm muốn và ganh tỵ, nhưng phải là hiến thân và phục vụ theo cách mà Người sắp cho họ thấy trong cuộc thương khó của Người.

Đó là “chén” Đức Giêsu sắp uống, không phải chén rượu nồng trong men say chiến thắng của người thắng cuộc, cười hả hê khi dùng cái uy để thống trị và dùng quyền để cai quản như vua chúa trần gian, mà là “chén đắng” của sự hiến thân làm giá chuộc muôn người, thứ “chén” mà Người dành riêng cho ai dám cùng chịu đau khổ mới được chung phần trong vinh quang, cho những ai muốn chiếm địa vị cao cả trong mắt của Thiên Chúa, phải là người phục vụ anh em, là người đầy tớ mọi người, “cũng như Con Người đến không phải để người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người”.

Đức Giêsu không muốn lập một Giáo Hội không có phẩm trật. Giáo Hội, như bất cứ tổ chức nào khác, cũng cần có phẩm trật để cai quản, dạy dỗ, hướng dẫn, gìn giữ trật tự…, nhưng phẩm trật phải dựa trên căn bản là hiến thân và phục vụ như Người đã thể hiện. Đó là tiêu chuẩn đánh giá ai là môn đệ đích thật của Đức Giêsu.

Quyền bính và địa vị trong Giáo hội từ đó được hiểu là một sự dấn thân – hiến mình “làm đầy tớ” để phục vụ con người, như Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ký trong các văn kiện, Tông thư, Thông điệp, Tông huấn… của Người là “Tôi tớ của mọi tôi tớ”, vừa là lời nhắc nhở, vừa khẳng định cho mọi người hiểu về quyền bính và địa vị trong Giáo hội phải luôn theo tinh thần và cách thức của Đức Giêsu.

Lý tưởng và hiện thực là thế, nhưng địa vị và quyền bính trong Giáo hội luôn bị cám dỗ làm mất đi giá trị và ý nghĩa nguyên khởi của nó, để ngả theo tinh thần của thế gian. Vẫn còn có những ham muốn không trong sáng, những thực hành sai trái, những ganh ghét, đố kỵ, những lạm dụng, trục lợi cho bản thân hoặc ban phát để kéo bè, kết cánh… Sự thánh thiêng của quyền bính và địa vị trong Giáo hội đã bị che mờ bởi lớp bụi cá nhân và giả hình, ích kỷ và hưởng thụ, theo Chúa mà không chấp nhận đau khổ, hoặc vác thập giá nhưng không phải là thập giá Đức Kitô, cứu chuộc thế giới nhưng không chịu hiến mình.

Không vì vậy mà ta có thể lên án và hủy bỏ quyền bính và địa vị trong Giáo hội, nói khác đi, chính những lúc Giáo hội đang dần đánh mất đi giá trị và ý nghĩa căn bản của nó, thì cộng đồng dân Chúa, sẽ biết được ai là môn đệ đích thật, và dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, sẽ làm trổ sinh những người là hiện thân của Đức Kitô trong thế giới ngày nay. 

Jos. Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết