Treo thân trên Thánh giá, không còn gì để bám víu, chơ vơ giữa trời và đất, chênh vênh giữa sự sống và cái chết, Đức Giêsu vẫn không hoàn toàn rơi vào bế tắc, vì khi mọi cánh cửa khép lại, một cánh cửa mở ra…
Thánh giá vừa là hình ảnh tiêu biểu cho cuộc thương khó và sự chết của Đức Giêsu Kitô, vừa là biểu tượng cho sự chiến thắng và vinh quang của Người trên sự dữ và sự chết.
Ngày Thứ Sáu Thánh, Giáo hội tập hợp con cái tưởng niệm cuộc thương khó và sự chết của Đức Giêsu, suy niệm về mầu nhiệm sự dữ và tội lỗi đang áp bức và thống trị nhân loại, đồng thời được khích lệ, dưới ánh sáng của Lời Chúa, bước theo chân Đức Giêsu trên con đường thương khó. Nhưng điều nổi bật trong ngày này, là đưa Thánh giá lên một địa vị cao quý đáng kính trọng: Tôn vinh.
Tôn vinh Thánh giá là suy tôn tình thương Cứu Chuộc của Đức Giêsu Kitô đối với nhân loại và ca mừng Đức Kitô vinh thắng: “Lạy Chúa, chúng con tôn thờ thánh giá Chúa, hát mừng Ngài sống lại hiển vinh; ấy chính vì bởi cây thập giá, niềm hân hoan tràn ngập địa cầu.”
Vinh quang của người tín hữu là Thánh giá Đức Giêsu, và đối tượng cung chiêm chính là tình yêu thương vô biên mà Đức Giêsu đã dành cho chúng ta. Một tình yêu thánh vượt trên cả sự chết. Vì “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)
Phải để Đức Giêsu nói về tình yêu của Người được diễn tả qua những nỗi đau sâu kín trong xác thân và tâm hồn trong ngày hôm nay. Họa lại những đường nét được khắc họa cách trung thực nhất trong cuộc thương khó của Người, ta mới thấy được “Nét Đẹp Vĩnh Cửu”, mà những bức tranh tuyệt tác của các họa sĩ thiên tài cũng chỉ là phác họa.
Nét Đẹp mà chỉ Đức Giêsu thể hiện được, vì Người đã từng trải qua sự khủng khiếp của đau khổ, từng bị phản bội và từ chối, từng bị ruồng rẫy, khinh khi, từng bị bách hại và oan khiên, từng bị đánh đập và hành hình, từng bị đánh bại và mất mát, và đã chính Người đã tìm được đường ra khỏi vực sâu u tối ấy.
Nét Đẹp Vĩnh Cửu mà Đức Giêsu dùng làm chất liệu, là tình yêu Người dành cho nhân loại, được phủ bằng một lớp sơn tha thứ lấp lánh. Vì thế khi chiêm ngắm, ai cũng thấy trong từng vết thương đau của Đức Giêsu, hằn lên những vết thương của mình đang chịu, hoặc chính mình đã gây ra cho Người.
Nét Đẹp Vĩnh Cửu ấy sống động đến từng đường nét, nhất là đôi mắt u buồn nhưng luôn ánh lên tia hy vọng, phản chiếu tâm hồn đầy yêu thương và nhạy bén, cảm thông và thấu hiểu của Đức Giêsu đối với từng người, từng cuộc sống của mỗi người trong những điều éo le nhất, ê chề và câm nín nhất. Người thấu hiểu được kiếp nhân sinh này, với những thập giá mà con người phải mang vác mỗi ngày. Người chỉ ra cho người ta biết thế nào là hạnh phúc thật, là ý thức về giá trị của đau khổ và dâng hiến nó cho Người như một của lễ “toàn thiêu”.
Nét Đẹp Vĩnh Cửu của Đức Giêsu nói rằng, sự ác, sự xấu, sự dữ chính là sự thiếu vắng Sự Thánh Thiện, sự Tốt Lành và Tình Yêu. Và dù sự dữ tưởng như thắng thế, nhưng nó vẫn phải thua sự Thiện Hảo, phải xấu hổ trước sự Tốt Lành và quỵ ngã trước Tình Yêu, dù có gây ra vô số vết thương.
Sức mạnh của Đức Giêsu chính là Tình Yêu. Vì tình yêu, Người đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết, đến mức độ “hủy mình ra không”, chấp nhận số mệnh dù có bi thảm, đắng cay đến mức nào. Người đã khóc khi đứng trước mồ Ladarô (Ga 11, 35), khi đứng trước thành Giêrusalem (Lc 19,41) và “khi còn trong xác phàm nhân” (Dt 5,7), nhưng trong cuộc thương khó Người không khóc, mà câm lặng như tê dại, chạm đến chỗ nào cũng thấy đau, là lúc nỗi đau đến cực điểm.
Vì người không hề phạm tội, lại ôm lấy mọi đau khổ, nên trên thập giá, Đức Giêsu rất đau đớn. Tình yêu làm Người đau nỗi đau khôn tả, gây ra bởi từng người mà không được đáp lại.
Trong cuộc thương khó, không có bên thắng bên thua, vì như vậy, oán thù chất chồng, không bao giờ có sự hóa giải và tha thứ, không bao giờ có sự gánh tội và đền thay, không có sự cứu rỗi và kiến tạo tương lai. Trên Thánh giá, Đức Giêsu trở nên nên nguyên nhân ơn hòa giải; Người đã chiến thắng, vì tình yêu.
Treo thân trên Thánh giá, không còn gì, không bám víu vào sự gì, chơ vơ giữa trời và đất, chênh vênh giữa sự sống và cái chết, Đức Giêsu vẫn không hoàn toàn rơi vào bế tắc. Người không mất tất cả, không thất bại, Người đã thoát khỏi những quy luật nghiệt ngã vẫn ràng buộc con người với thập giá này, vì Người còn niềm tin, niềm hy vọng đặt nơi Chúa Cha, và ý chí uống cho đến cùng “chén đắng này”.
“Nét Đẹp Vĩnh Cửu” của Đức Giêsu được điểm xuyết bằng sự hiện diện “thông phần” của người mẹ, Đức Maria. Không một người mẹ nào trong thế giới này có thể hiểu hết chiều kích rộng, sâu và nhiệm mầu trong những đau khổ của người con bằng Đức Maria. Mẹ hòa quyện những đau khổ của Người Con vào những nỗi quặn thắt của cung lòng đã từng cưu mang, và cho Người lớn lên từng ngày. Mẹ hiểu sự cô đơn trống vắng trong tâm hồn con, nỗi kinh hoàng từng phút dâng lên…
Với mẹ, con mãi là con, nhưng con còn là Con Thiên Chúa. Mẹ là nữ tỳ hèn mọn của Thiên Chúa, mẹ phải thưa “xin vâng”. Vâng trong tiếng nấc nghẹn ngào, trong nỗi đau không gì diễn tả. Nhưng mẹ vẫn xin dâng, dâng nỗi đau lớn nhất trong đời và trọn cả cuộc đời mẹ hòa quyện với sự xin vâng và dâng của Con với Chúa Cha để Cứu Chuộc nhân trần…
Dù con đã chết, Trái tim Con vẫn bị đâm thâu, không còn cảm giác, nhưng vẫn phải chịu đâm thâu. Vì Tình Yêu không bao giờ hối tiếc, vì biết vì sao mình yêu, yêu bằng cách nào và yêu từ đâu. Người Mẹ ấy, với trái tim như bị đâm thâu đã hiểu vì sao Người Con lại Yêu. Yêu là mạo hiểm, là chấp nhận mọi sự có thể xảy ra, có thể bị chối từ, phản bội và giết chết.
Trái tim Người Con bị đâm thủng, lấy gì vá lại?
Trái tim Người Mẹ như bị hằn khắc, không chỉ là sự tàn nhẫn con người gây ra cho Người Con, mà còn là một Tình Yêu dễ bị tổn thương, dễ bị chảy máu cho đến đời đời, cho đến khi “họ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”. (Ga 19,37)
Suy tôn Thánh giá Chúa Kitô, chúng ta chỉ còn biết thưa:“Lạy Thiên Chúa chí thánh ! Lạy Thiên Chúa oai hùng ! Lạy Thiên Chúa muôn đời hằng hữu ! Xin thương xót chúng con.”
Và thật lạ lùng, khi mọi cánh cửa khép lại, một cánh cửa mở ra…
Jos Ngô Văn Kha CSsR