Tin hay không tin vào Đức Giêsu là Đức Kitô hôm nay vẫn là một lựa chọn, là quyết định đứng về phía Đức Giêsu hay chống lại Người.
Đức Giêsu đang sống trong một bối cảnh bất lợi và nguy hiểm. Người Do thái, tức là giới lãnh đạo Do thái ở Giuđê tìm cách giết Đức Giêsu, nên Người phải lưu trú tại miền Galilê, rồi âm thầm lên Giêrusalem dự lễ Lều.
Đám đông ở Giêrusalem kinh ngạc khi thấy Đức Giêsu tại Đền Thờ. Họ biết nhà cầm quyền thù ghét Đức Giêsu, vì vậy họ, kinh ngạc khi thấy Người can đảm xuất hiện và giảng dạy công khai như một sự thách thức nhà cầm quyền. Phải chăng nhà cầm quyền đã nhìn nhận Người là Đức Kitô?, nhưng điều ấy lại ngược với niềm tin phổ quát, không ai biết nguồn gốc của Đức Kitô, thình lình, một ngày nào đó, Người sẽ xuất hiện, còn Đức Giêsu thì họ biết.
Vì thế lúc giảng dậy trong Đền thờ, Đức Giêsu lớn tiếng nói về cái biết tuy đúng nhưng chưa đủ, chưa hoàn hảo, chưa trọn vẹn của họ. Cái biết của họ là cái biết của con người về những thực tại hữu hạn thuộc về trần gian này, không phải là cái biết về những thực tại thiêng liêng thuộc về thượng giới, là cái biết về hình thể bên ngoài, không phải là thực thể sâu xa bên trong, cái biết của người đứng ngoài cuộc, không phải bên trong cuộc. Vì họ yên trí về một vị Kitô huyền bí, nên họ chẳng bao giờ tin là có thể tìm thấy Đấng Kitô ấy, ngay trong những điều thông thường.
Làm sao họ có thể biết Đức Giêsu thật sự là ai, từ đâu đến, nếu không được Người tỏ bày?
Làm sao họ có thể biết rõ ràng, thấu đáo Thiên Chúa của họ là ai, muốn gì, nếu không được Đấng xuất phát từ nơi Thiên Chúa, được Thiên Chúa sai đến ấy, nói cho biết?
Đức Giêsu gọi Đấng sai mình đến thế gian là Đấng Chân Thật, như thể ám chỉ ngay cả Thiên Chúa mà họ tin, chỉ là Thiên Chúa giả, là Thiên Chúa đã trở nên “méo mó” vì đức tin bất toàn của họ, vì họ gán cho Thiên Chúa những điều mà chính Thiên Chúa đã không bày tỏ, so với Đức Giêsu, là người có nguồn gốc từ nơi Thiên Chúa, Người biết rõ Thiên Chúa, biết những gì Thiên Chúa muốn, biết mình được chính Đấng, là Thiên Chúa Chân Thật sai đến với họ, nói cho họ biết về Thiên Chúa.
Đức Giêsu đã minh chứng Người thật là Đấng Kitô. Và vì họ từ khước không lĩnh hội những mặc khải đúng đắn và cao cả ấy, nhất là việc Người ám chỉ họ không biết về Thiên Chúa Chân Thật như là một sự xỉ nhục, nên họ tìm cách giết Đức Giêsu, trong tư cách là Đấng Kitô đang hiện diện với họ, để tiếp tục “mơ và chờ đợi” một Đấng Kitô bí ẩn khác, có những quyền năng phi thường sẽ đến với họ và thực hiện những gì mà hiện tại, lòng họ đang ấp ủ.
Như vậy là từ miền Giuđê và nay là Giêrusalem, giới lãnh đạo Do thái đứng về phía chống đối với Đức Giêsu. Tìm cách bắt và tìm cách giết Đức Giêsu, một âm mưu đen tối đang hình thành, nhưng bây giờ họ không làm gì Người được, vì giờ của Người chưa tới.
Sách Khôn ngoan (Kn 2,1a.12-22) cho biết những lý do khiến kẻ ác muốn giết hại người lành, như một tổng kết những nguyên nhân khiến người Do thái muốn ám hại Đức Giêsu.
Vì người lành cản trở kẻ dữ làm điều ác: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo”.
Vì đời sống của người lành phê phán lối sống của kẻ dữ: “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta,…lối cư xử của nó hoàn toàn lập dị. Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ bẩn”.
Vì người lành thuộc về Thiên Chúa, kẻ ác thuộc về ma quỉ. “Nó huênh hoang vì có Thiên Chúa là Cha. Ta hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào”.
Vì muốn thử thách xem người lành có thật hiền lành không. “Ta hãy hạ nhục và tra tấn no, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào”.
Và cuối cùng: “Nếu tên công chính là Con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.”
Sách Khôn ngoan kết luận: “ Chúng suy tính như vậy thật sai lầm, vì ác độc mà chúng ra mù quáng. Chúng không biết những bí nhiệm của Thiên Chúa, chẳng trông chờ người thánh thhiện sẽ được thưởng công, cũng không tin kẻ tinh tuyền sẽ được ân thưởng”.
Tin hay không tin vào Đức Giêsu là Đức Kitô hôm nay vẫn là một lựa chọn, là quyết định đứng về phía Đức Giêsu hay chống lại Người.
Jos Ngô Văn Kha CSsR