Thứ Sáu sau CN3 PS: Còn gì hơn thế?

Hội thánh cử hành thánh lễ mỗi ngày, mọi thời, ở mọi nơi, mọi lúc là để mọi người luôn có cơ hội đón nhận Tấm Bánh Mình Chúa đem lại sự sống đời đời.

tải xuốngTrong các quan niệm của các tôn giáo cổ và tín ngưỡng thuở xưa về tế lễ, người ta dâng các tế phẩm, thường là các con vật được thiêu trọn vẹn để lên cho thần thánh, hoặc sẽ phân chia, một phần dâng cho thần, một phần cho các thày tế và một phần cho người dâng lễ, như lộc thần ban. Người ta sẽ ăn phần này với gia đình, bạn hữu để hưởng ân lộc, để kết hợp với thần, để có sự sống, sức mạnh của thần và được thần phù hộ.

Người Do thái khi dâng lễ tế cho Thiên Chúa cũng ở trong tâm thức ấy.

Khi Đức Giêsu nói về Bánh Trường sinh từ trời xuống hơn hẳn Mana xưa, người Do thái sẵn sàng đón nhận thứ Bánh Hằng Sống, hiểu theo nghĩa tượng trưng.

Việc Đức Giêsu mặc khải Người từ trời đến, tuy có gây ra cuộc tranh luận nhưng chưa đến mức căng thẳng, nhưng khi Đức Giêsu nói về thứ Bánh ấy chính là Thịt tôi đây, và Người còn quả quyết: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”, thì sự căng thẳng lên đến tột đỉnh. Họ không chấp nhận những lời này.

Theo quan niệm Kinh thánh, thịt là thành phần làm nên con người, dấu chỉ sự mỏng giòn của con người, nghĩa là số phận phải chết. Đức Giêsu, Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và sống thân phận con người, Người nhận lấy sự yếu hèn của con người và liên đới với con người từ cội nguồn đến số phận trong một bản chất chung. Đó là đức tin Kitô giáo.

Vì thế, ăn thịt Đức Giêsu xét về khía cạnh này, là nuôi dưỡng mình bằng nhân tính Người, cho đến chừng nào nhân tính của ta được tăng cường, được tẩy sạch để trở thành thuần khiết, đồng thời cũng được thánh hóa bởi thần tính của Người.

Đức Giêsu là Bánh Trường sinh nuôi con người. Bánh chỉ đem lại lợi ích, nếu nó được ăn, nếu muốn được sự sống đời đời, phải tin vào Đức Giêsu, phải ăn Thịt của Người.

“Thịt và máu” là bản thể con người xét trong toàn thể; Thịt và máu là Đức Giêsu trong tất cả những yếu tố mà cuộc sống nhân loại, cùng với những yếu tố thần linh của Người Con Thiên Chúa mà Người mạc khải.

Thánh Kinh cấm dùng máu như thức ăn, bởi máu tiêu biểu cho sự sống (St 9,4-5). Máu các tế vật tượng trưng cho chính con người với tất cả sự sống của họ, phải được dâng lên cho Thiên Chúa, vì sự sống thuộc về một mình Thiên Chúa.

Đức Giêsu muốn người ta thông hiệp với sự sống của Người, bằng cách lãnh nhận lương thực là thịt máu của Người, để được kết hiệp trong Người, để sống nhờ Người, như Đức Giêsu luôn kết hiệp với Chúa Cha, luôn ở trong Chúa Cha trong thân xác của Người.

Sự sống Đức Giêsu thông ban cho người ta bắt nguồn từ Chúa Cha. Ai ăn thịt và uống máu Người thì được tiếp nhận Đức Giêsu trong chính ngôi vị của Người, với toàn bộ nhân tính và thần tính. Họ sẽ sống nhờ Người, và nhờ đó được sống sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa. Sự sống ấy bây giờ là khởi sự, nhưng sẽ trọn vẹn ở đời sau.

Tác giả Tin mừng Gioan không nói đến Bữa Ăn Tối cuối cùng, riêng tư của Chúa với các môn đệ, nhưng lại đặt  ý nghĩa, lời giải thích của Đức Giêsu trong bữa Tiệc Thánh ấy vào đây, trong hội đường người Do thái ở Caphácnaum.

Chính Tiệc Thánh thánh hóa và nuôi dưỡng người ta bằng Thịt và Máu Đức Giêsu chứ không phải là các môn đệ, hoặc là khung cảnh nhất định. Ai cũng có cơ hội nghe và tiếp xúc với Đấng ban Thịt – Máu làm của ăn trường sinh; ai cũng được mời gọi tiếp nhận Người để được hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa, nhờ Người và trong Người, sống bằng sự sống của Người để khỏi phải chết muôn đời.

Hội thánh cử hành thánh lễ mỗi ngày, ở mọi thời, ở mọi nơi, mọi lúc là vậy, để mọi người luôn có cơ hội đón nhận Tấm Bánh Mình Chúa, sau khi đón nhận Tấm Bánh Lời Chúa.

                                                                          Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết