Thứ sáu sau CN3 MC: Đạo Tình Yêu

Lòng yêu mến Chúa không phải là một ước muốn phát xuất từ tâm hồn, mà là một ân huệ, Chúa đã đặt vào lòng chúng ta, để ta có thể yêu mến Chúa.

LoveTrước khi trở thành một giới răn, yêu thương là một ơn Chúa ban. Nếu tình yêu Chúa đâm rễ sâu vào lòng ai, người đó có khả năng yêu thương người khác ngay cả khi họ không xứng đáng để được yêu. Như cha mẹ không yêu thương con cái chỉ vì chúng xứng đáng, nhưng họ vẫn yêu con cái ngay khi chúng phạm sai lầm. Không bao giờ cha mẹ muốn điều xấu cho con cái.

Lòng yêu mến Chúa thật thì ở trên tất cả mọi sự. Vì nếu có ai làm điều gì tốt cho người khác, họ chỉ cho đi những gì họ có, còn đối với những ai đang yêu, họ trao chính họ và những điều mà họ có nữa, như lời Thánh Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Tiêu chuẩn để yêu Chúa là: “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực”.

Lòng ám chỉ trái tim, là sự nhạy bén lương tâm, là chiều sâu tình cảm bên trong con người. Yêu Chúa hết lòng không dung túng hoặc thoả hiệp với thần tượng nào khác ngoài Chúa và những điều Hội thánh dạy, không tiếp nhận những văn hóa nghịch với đức tin.

Linh hồn là phần linh thiêng của con người để tương giao với thế giới thiêng liêng thần linh, như thể xác để tương giao với thế giới vật chất. Linh hồn và thể xác là toàn bộ nhân vị có lý trí, tình cảm, và có ý chí. Yêu Chúa hết linh hồn là yêu Chúa bằng tất cả sức sống, sự sống, là hoàn toàn quy phục Chúa, để Chúa ngự trong chúng ta và sống trong chúng ta.

Trí khôn là sự hiểu biết đúng về bản chất của những sự việc. Yêu Chúa hết trí khôn là biết thờ phượng, phụng sự Chúa với tất cả tri thức sáng suốt của mình về Chúa. “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111,10), là khởi đầu tri thức (Cn 1,7). Sức lực là khả năng và sức mạnh để hành động. Có năng lực thuộc thể xác và năng lực thiêng liêng. Yêu Chúa hết sức lực là dốc trọn khả năng và sức mạnh của mình để làm đẹp lòng Chúa, làm hiển vinh Danh Chúa: “Bất cứ làm việc gì, hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa chứ không phải cho người đời” (Cl 3,23)

Làm sao để biết mình đã yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực? Đức Giêsu đưa ra một tiêu chuẩn: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21)

Lãnh nhận và vâng giữ các điều răn của Chúa là chúng ta sống Tình yêu Chúa hằng ngày qua những lựa chọn, và những lực chọn ấy cho ta biết ta thật sự thuộc về Chúa hay thuộc về thế gian.

Nếu chúng ta yêu Chúa trên tất cả mọi sự là chúng ta trung thành thờ phượng chỉ một mình Chúa, chứ không phải vì muốn được bình an, hạnh phúc, mạnh khỏe, sung sướng. Đấy là ta yêu ta, vì mình, không phải yêu Chúa, cũng vậy, nếu ta chỉ yêu kẻ thích ta và làm ơn cho kẻ mến ta, đấy chưa phải là yêu mến.

Giới răn yêu mến tha nhân như chính mình thường bị hiểu sai. Ta yêu người một cách chủ quan, ngây thơ, không thấu đáo và kém phán đoán, nên dễ bị “lừa”.

Không ai trong chúng ta lại không yêu bản thân của mình, kể cả việc yêu những tính hư nết xấu của mình. Ta đồng hóa ta với chúng. Chạm vào đó là chạm vào ta.

Có một quy tắc vàng của Cựu ước giúp ta cư xử: “Ðiều con không thích, thì đừng làm cho người ta” (Tb 4,15). Ðức Giêsu đã làm trọn quy tắc ấy và cho thấy điểm tích cực hơn: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta như vậy. Vì luật Môsê và các ngôn sứ là thế” (Mt 5,17). Và sau này Người đưa ra một tiêu chuẩn: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Đừng nhìn tha nhân với cái nhìn bị chi phối và điều khiển bởi những cảm tính và dừng lại ở mức phiến diện nơi vẻ bề ngoài. Với cái nhìn yêu thương của Chúa, ta sẽ nhìn tha nhân khởi đi từ đáy lòng, để nhìn vào chiều sâu của một con người, biết lắng nghe, biết để ý đến người khác cách vô vị lợi, và có thể nhận ra những khát vọng sâu thẳm trong lòng họ. Nếu ta cởi mở lòng mình ra với người khác, với những vấn đề của họ, ta sẽ nhận ra có một sự hiện diện đẹp lạ lùng của yêu thương bên trong ta. Đó chính là Tình yêu Chúa.

Yêu Chúa và Yêu người là hai giới răn không thể tách rời nhau, mà liên kết mật thiết với nhau, đến nỗi sẽ không có cái này nếu thiếu đi cái kia. “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-9).

Đức Giêsu đã sống trọn hảo giới răn này và diễn tả rõ ràng bằng đời sống, nhất là bằng cái chết trên thập giá, nơi đó rạng ngời giới răn Mến Chúa-Yêu Người.

                                                                       Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết