Thứ Sáu sau CN2 MC: Khuôn mặt Thiên Chúa từ bi và giầu lòng thương xót

Có một ngày bạn sẽ hiểu, sống lương thiện khó hơn sự hiểu biết và khả năng phán đoán về lương thiện. Sự hiểu biết và khả năng phán đoán là yếu tố thuộc về tri thức, còn sống lương thiện lại là một sự lựa chọn.

In Jesus' parable; wicked vineyard tenants stole crops, murdered servants, and eventually murdered the owner's son. This was an illustration of the wicked leaders who would murder God's own Son, Jesus (Matthew 21:33-46).

Lòng tham con người như vực sâu thăm thẳm hút người ta vào. Rơi vào đấy, họ không bao giờ biết chán, biết đủ, biết dừng. Tham lam dẫn đến tham vọng, từ đó họ lao theo những mưu đồ, để chiếm hữu cho bằng được. Từ một tính xấu, nó phát triển mạnh mẽ trong lòng người ta như cỏ dại, lấn át những đức tính khác, khiến tâm hồn người ta ra tối tăm, mù quáng. Nó luôn khuấy động tâm hồn, cướp đi sự bình an và để lại phía sau nó sự dằn vặt, đau khổ. Sự ghen ghét và lòng đố kỵ có thể khiến người ta có những quyết định điên rồ, bất chấp những hậu quả khôn lường để phạm tội, dù đó là tội sát nhân. Các anh em tổ phụ Giuse đã tìm mọi cách để hãm hại ông là thế.

Dụ ngôn những tá điền sát nhân cho thấy mức độ ghê sợ của lòng tham và sự đố kỵ của các thượng tế và người biệt phái đối với Đức Giêsu, vì họ biết Đức Giêsu ám chỉ đến họ.

Họ biết rõ mọi sự. Họ biết họ chỉ là những tá điền trong vườn nho của Thiên Chúa, biết phải chu toàn bổn phận và nghĩa vụ với chủ nhân, biết tham vọng của mình, biết phải có thái độ nào đối với những người chủ nhân phái tới, để nhắc nhở và khiển trách họ, biết phải sám hối và hoán cải cách nào, biết “tối hậu thư” của chủ khi phái người con “thừa tự” đến với họ và còn biết rằng “phóng lao phải theo lao” và bất chấp hậu quả. Mức độ độc ác ghê sợ ấy, không phải một lần, họ “đánh người này, giết người kia, ném đá  người nọ”, ngay cả “đứa thừa tự”, họ đồng lòng “giết quách nó đi và  đoạt lấy gia tài nó”.

Họ thừa biết “Ác giả ác báo. Ông chủ  sẽ  tru diệt chúng và cho các  tá điền khác canh tác vườn nho”. Họ biết lẽ thật, đức công bằng của vấn đề Đức Giêsu đề cập đến, biết sự công chính của chủ vườn nho khi thâu hồi tài sản và trừng phạt nghiêm minh những hành vi ngoan cố, ác độc của họ, biết vườn nho ấy sẽ bị chủ lấy lại để trao cho người khác, “để  cứ  đúng mùa, họ  nộp hoa lợi cho ông”.

Họ biết rõ mọi sự, nhưng thay vì hoán cải dựa trên những lời cảnh báo của Đức Giêsu, họ tìm cách bắt Người để bưng bít sự thật, che dấu sự gian ác.

Không lạ về lòng tham và sự độc ác tàn nhẫn của các tá điền, nhưng thật khó hiểu về sự chịu đựng kiên trì lạ lùng của ông chủ vườn nho. Tại sao ông lại không phản ứng mạnh mẽ, dứt khoát ngay lúc bọn tá điền bộc lộ ý đồ xấu xa, mà lại nấn ná, lần lữa, hy vọng họ hối cải, khiến cho nhiều đầy tớ khác và chính con yêu dấu của mình phải chết oan?

Để tìm câu trả lời, cần biết rằng, dụ ngôn Đức Giêsu kể thâu tóm cả lịch sử Israel, và cũng là lịch sử cứu độ của Thiên Chúa. Người là Đấng tín trung với Giao ước và sự khôn ngoan của Người không như con người nghĩ (x. Is 55,8-9). Người đã mạc khải bản tính của Người là “Thiên Chúa nhân từ  và đầy thương xót, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Do đó, lịch sử cứu độ chính là lịch sử của lòng thương xót mà Thiên Chúa thể hiện đối với dân Người, không phải là lịch sử của một vị Thiên Chúa nghiêm khắc, thích trừng phạt và hủy diệt loài người. Vì Thiên Chúa là Đấng hay thương xót nên Người luôn sẵn sàng tha thứ mọi sự xúc phạm và tội lỗi của loài người, như lời Thánh Vịnh: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, Chúa là Đấng từ  bi nhân hậu,  Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ  luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả  báo ta xứng với lỗi lầm” (Tv 103,3-4.9-10).

Như thế, qua dụ ngôn này, Đức Giêsu cho thấy dung mạo đích thực của Thiên Chúa là Đấng giàu thương xót, đầy nhẫn nại và sẵn lòng tha thứ, đồng thời Người không ngần ngại đề cập đến số phận bi thảm của Người. Nhưng mọi sự không chấm dứt với cái chết ấy, vì “Tảng đá bị  thợ  xây loại bỏ đã trở  nên tảng đá góc”, cuối cùng ông chủ sẽ tiêu diệt các tá điền gian ác ấy và giao vườn nho cho người khác.
Từ đó, dụ ngôn này hé mở cho thấy thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa về sự Phục sinh của Đức Giêsu, là tảng đá góc cho một tòa nhà mới là Hội thánh. Và vườn nho, chính là Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho họ nữa, mà “ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”. Đó là những kẻ tin vào Người.

Có một ngày bạn sẽ  hiểu, sống lương thiện theo Lời Đức Giêsu khó hơn sự  hiểu biết và  khả  năng phán đoán về  lương thiện. Sự  hiểu biết và  khả  năng phán đoán là yếu tố  thuộc về  tri thức, còn sống lương thiện lại là một sự  lựa chọn, một lựa chọn cần đến ơn Chúa, vì  nó  quá  sức con người.

Jos Ngô Văn Kha CSsR

 

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết