Thứ Sáu sau CN 2 PS: Cần lắm một tấm lòng

Khởi đi từ lòng thương xót của Đức Giêsu với sự quảng đại của một em bé, phép lạ xảy ra.

tải xuống (4)Đức Bênêđitô đã nói: “Phép lạ này không được làm từ không có gì, nhưng từ những gì bạn có, dù nhỏ bé, mang đặt trong bàn tay của Chúa. Chúa không đòi hỏi chúng ta những gì chúng ta không có. Chúa cho chúng ta hiểu rằng, nếu mỗi người đặt vào tay Ngài những tấm bánh, những con cá bé nhỏ, Chúa sẽ làm cho phép lạ được tiếp diễn hôm nay, bởi Ngài có quyền năng làm cho những cử chỉ yêu thương khiêm tốn của chúng ta trở thành quà tặng lớn lao cho anh chị em chúng ta.”

Đặt phép lạ bánh của Đức Giêsu vào trong khung cảnh gần tới lễ Vượt Qua, tác giả Gioan muốn gợi lên những sự kiện quan trọng trong lịch sử người Do thái. Giống như Môsê đưa con cái Israel ra khỏi Ai Cập, về Đất hứa và phép lạ manna, có một đám đông đi theo Đức Giêsu vì đã từng chứng kiến những dấu lạ Người làm cho những kẻ ốm đau. Người sẽ là Môsê mới dẫn đưa dân Chúa trong một cuộc xuất hành mối, từ kiếp nô lệ sang tự do, từ đói khát đến no thỏa, từ cõi của sự chết để vào cõi sống.

Ngước mắt lên, Đức Giêsu nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình.” Người đặt vấn đề nuôi sống đám đông ấy với Philipphê ngay. Bởi lòng trắc ẩn của Đức Giêsu  không thể chối từ hay bỏ mặc trước một nhu cầu thiết yếu cảu thân xác.

Đức Giêsu hỏi Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Đặt các môn đồ vào tình huống khó xử để cho các ông nhận thức được vấn đề, lượng giá được sức mình và gợi hướng tìm cách giải quyết khả thi. Người hỏi như vậy là để thử Philípphê về đức tin của ông đặt nơi Người, trong những hoàn cảnh khác, Đức Giêsu đã làm được nhiều dấu lạ, còn bây giờ, “Có mua đến hai trăm đồng bạc bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút”. Hoàn cảnh này thật tuyệt vọng, chẳng có thể làm gì được.

Giải pháp của Philípphê thật ra chẳng phải là giải pháp. Tiền, phương tiện vật chất chỉ là giải pháp tạm bợ, không phải là tối ưu, triệt để. Những con người đi theo Đức Giêsu hôm ấy, chắc cũng không nghĩ là mình sẽ có ngày, có lúc phải đói, mặc dù có thể họ đang có điều kiện đấy nhưng ngay lúc này, không thể giải quyết được chuyện cấp bách, no – đói, sống – chết. Hỏi thế, nhưng Đức Giêsu biết Người sắp làm gì.

Giải pháp môn đồ Anrê đưa ra cụ thể đấy, nhưng xem ra thô thiển và ngớ ngẩn “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu”.

Hoàn cảnh này bế tắc và bi đát xét về giải pháp của con người, nhưng lại làm nổi bật sự đối kháng giữa sự yếu đuối của loài người và quyền năng của Thiên Chúa; ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa chứ không phải từ con người và những giải pháp của nó. Tác giả Gioan đã nhấn đến hành vi tự mình phân phát bánh và cá đã hóa nhiều của Đức Giêsu cho đám đông, mà không cần sự giúp sức của các môn đệ nhấn đến giải pháp hoàn hảo nhất chỉ đến từ nơi Người.

Một chi tiết quan trọng khéo léo được ẩn dấu. Cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá đấy không được nêu danh, không có sự đối thoại, trao đổi, cũng chẳng biết vì sao cậu lại đồng ý đưa. Nhưng chỉ cần có thế, Đức Giêsu đã có chất liệu để thực hiện phép lạ. Nếu cậu cứ giữ bánh và cá cho riêng mình, thì sao?

Đức Giêsu không cần người ta đem đến thật nhiều, nhưng Người cần người ta đem những gì đang có. Có lẽ thế giới đã không nhận được phép lạ nuôi sống từ Chúa, vì người ta cố giữ những gì mình có, đang vứt đi những gì mình thừa thãi và bỏ mặc cho những người đang chết dần vì đói khát. Dù ít, bao giờ cũng thành nhiều trong tay Chúa.

Một bữa ăn không phải là giải pháp cho một nhân loại đang đói, nhưng một phần ăn nhỏ bé được trao cho Chúa, được đôi tay Chúa đón nhận, dâng lời tạ ơn và phân phát, nhân loại sẽ no thỏa và còn dư dật.

Dù tác giả Gioan chưa nói đến bí tích Thánh Thể, nhưng có ý dẫn vào mầu nhiệm này, khi đề cập đến cái đói – cái no, cái ban – cái nhận, sống – sự sống; cùng với những hành vi của Đức Giêsu: cầm lấy, dâng lời tạ ơn – phân phát như có ý “tập cho quen dần”, để từ những ý nghĩa và giá trị vật chất, Gioan đưa ta tới những giá trị thiêng liêng cao cả hơn, hơn cả việc dân Do thái được Chúa nuôi ăn trong hành trình sa mạc.

Nhưng dân chúng đã thoáng thấy đó là phép lạ thời Thiên sai, khi họ lại được no thỏa mana, nên dễ hiểu là họ đều cho Đức Giêsu là vị ngôn sứ phải đến, Đấng mà Cựu ước đã tiên báo.

                                                                              Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết