Thứ năm Tuần Bát Nhật Phục Sinh: Khôi phục lòng tin để trở nên chứng nhân

Tin Đức Giêsu Phục Sinh không phải là tin vào một huyền thoại, nhưng Đấng Chịu Đóng Đinh cũng chính là Đấng Phục Sinh đang sống và đang hiện diện.

images (2)Theo tác giả Luca, cuộc đời Đức Giêsu là một hành trình lên Giêrusalem. Tại đó, đỉnh điểm của Tin mừng, Người sẽ thực hiện ơn Cứu Chuộc theo ý Chúa Cha mà Kinh thánh đã tiên báo.

Cũng tại Giêrusalem, Đức Giêsu Kitô cho các môn đệ được thấy Thân Xác Phục Sinh của Người là một thực tại không thể phủ nhận, ban sứ mạng truyền giáo cho họ, trong tư cách là những chứng nhân của sự Phục Sinh.

Cuối cùng, chính tại Giêrusalem, như đích điểm của thời gian, Đức Giêsu Kitô mạc khải về tư cách Đức Chúa của Người khi Người Thăng Thiên ngay trước mắt họ. (x. Cv 1,9)

Sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô là khởi điểm cho một giai đoạn mới: truyền giáo. Bốn tác giả sách Tin mừng đều nhấn đến sứ mạng loan báo Tin mừng (x. Mt 28,19-20; Mc 16,15-20; Ga 20,21.23)

Hai môn đệ từ làng Emmau trở lại Giêrusalem gặp các tông đồ, vui mừng thuật lại những gì đã xảy ra cho họ. Họ còn đang nói thì Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em”.

Hiện ra là một từ dùng để diễn tả sự hiện diện – tỏ mình – cho thấy của Đấng bao trùm mọi sự, ở trong mọi sự, chứ không phải là sự di chuyển từ nơi này sang nơi khác, dù là vô hình. Điều này sẽ trở nên một kinh nghiệm thiêng liêng cho các môn đệ, cho Giáo hội, cho người tín hữu.

Nếu việc đánh mất lòng tin đưa đến những sự buồn sầu, hoang mang, thì  Bình An là ơn huệ đầu tiên của Đấng Phục Sinh nhằm khôi phục lòng tin và sự hoan lạc cho các môn đệ. Đây không chỉ đơn giản là lời chào, mà là việc ban tặng “Bình An Thiên Sai” đã được các ngôn sứ loan báo và chính Đức Giêsu đã hứa trước khi thọ nạn (x. Ga 14,27). Ơn bình an vô giá này được ban như hoa trái của cái chết của Đức Giêsu trên thập giá, là việc giao hòa nhân loại với Thiên Chúa trong máu Đức Giêsu Kitô (x. Rm 5,1.10)

Trái với trình thuật Đức Giêsu hiện ra với Maria Magdala, Người chỉ gọi: “Maria”. Bà nhận ra ngay đó là Chúa, reo lên “Rapbuni” và chạy tới ôm chân Chúa (x. Ga 20,16). Đối với người môn đệ Đức Giêsu thương mến, chỉ cần ngôi mộ trống (Ga 20,8) hoặc mẻ cá lạ lùng (Ga 21,4-7). Đối với hai môn đệ Emmau, là lúc bẻ bánh (Lc 24,30-35). Ở đây, các môn đệ lại kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma và hoang mang, ngờ vực.

Kém lòng tin đưa đến sự ngờ vực và hoang mang dù đang đối diện với sự thật. Trong hành trình theo Chúa, nhiều lần họ được chứng kiến những phép lạ Người làm để củng cố đức tin cho họ, nhưng họ lại hay ngờ vực đến nỗi Đức Giêsu phải trách họ về điều này (x. Lc 8,25).

Chính sự kém tin đã khiến họ ngờ vực, dù Người đang hiện diện và thậm chí, phải ăn trước mặt họ, để họ tin, dù hiện tại, Thân xác phục sinh của Người không còn bị lệ thuộc vào thức ăn để sống, vì sự sống của Người viên mãn bằng sự sống của Thiên Chúa.

Điều này cho thấy để tin vào Đức Giêsu Kitô Phục sinh, không phải là nỗ lực hoặc là sự ngu dốt, hoang tưởng của con người, và việc dám chết vì đức tin, vì Tin mừng cho thấy đức tin ấy không phải là sự lừa bịp và Tin mừng họ rao giảng không phải là giả dối.

Tin mừng dám phơi trần sự kém tin của các môn đệ cho đến lúc này, để cho thấy đức tin của Giáo hội không dựa trên chứng tá của những con người nhẹ dạ, mê tín, dễ bị lôi kéo, mà dựa trên những con người thực tế, đòi hỏi những dấu chỉ và bằng chứng cụ thể.

Tin Đức Giêsu Phục Sinh không phải là tin vào một hồn thiêng, một huyền thoại, nhưng Đấng Chịu đóng đinh cũng chính là Đấng Phục Sinh đã cho họ thấy những dấu thương tích của cuộc khổ nạn trên Thân Thể Phục Sinh của Người, những dấu vết tồn tại vĩnh viễn.

Tin Đức Giêsu Phục Sinh là tin vào những gì Kinh thánh đã chép, như là chứng tá, được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu. (x. Lc 9,31) Và tâm điểm của những lời họ loan báo Tin mừng chính là làm chứng cho sự kiện, cũng là mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô đã chết và đã Phục Sinh, đang sống và sống bằng sự sống của Thiên Chúa, và đang ở cùng họ. Nhân danh Đức Giêsu Kitô họ kêu gọi mọi người sám hối để được ơn tha thứ, là sứ điệp Tin mừng.

Tin vào những gì Hội Thánh đã và đang giảng dạy khắp nơi, là chấp nhận chứng từ của một cộng đồng môn đệ của Đức Giêsu khẳng định trước thế giới và sẵn sàng trả giá cho sự thật này bằng sống của chính mình.

Hôm nay ta phải tự chất vấn:

Tôi đã làm gì với đức tin của tôi, của gia đình và những thân hữu của tôi?

Sự kém tin của tôi là do đâu?

Lối sống của tôi có phản ánh đức tin Công giáo tinh tuyền, để trở nên chứng tá cho Chúa Phục Sinh giữa giòng đời?

Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết