Thứ Năm sau CN4 PS: Vinh quang và danh dự của các môn đệ

Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

jesus-washing-apostles-feet-380x257Sau khi rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu dạy các ông bài học phục vụ và khiêm nhường. Đó là bài học thực tế ấn tượng và sống động giữa một vị Chúa đối với những người phàm.  Việc Chúa rửa chân cho các môn đệ, ai cũng ngưỡng mộ, nhưng ít ai dám thực hành, dám cúi mình trước anh em vì lòng yêu thương và sự trân trọng, nhất là những người thua kém mình về mọi mặt, dám lấy địa vị làm nước rửa và uy thế làm khăn lau, với lòng thương cảm và gánh chung số phận, vì tôn trọng phẩm giá anh em.

Rồi Đức Giêsu căn dặn, “Tôi tớ không hơn chủ nhà, kẻ được sai không lớn hơn kẻ sai mình”. Làm môn đệ Chúa phải đặt mình ở dưới Chúa, cúi thấp hơn Chúa, cho dù môn đệ chẳng bao giờ có thể cúi thấp hơn. Nhưng nếu họ thực hành như vậy, thì thật phúc cho họ. Trong Tông huấn “Niềm vui Tin mừng”, Đức Giáo hoàng Phancicô mong muốn Giáo hội “bầm dập, tổn thương và bụi bặm trên đường phố còn hơn là một Giáo hội không khoẻ khoắn do nằm trong vỏ ốc và cứ khư khư giữ lấy sự bình an cho bản thân.”

Đức Giêsu là Con và là Tôi tớ của Chúa Cha. Người phải thực hiện những gì Chúa Cha muốn, chứ không phải những gì mình muốn. Hạ mình rửa chân cho các môn đệ, Đức Giêsu muốn cho họ thấy tư thế của người làm Con, cái phúc của kẻ làm tôi tớ khi làm hài lòng chủ mình. Ai tách mình ra khỏi tư thế ấy, không phải là môn đệ của Người, tệ hơn nữa, là kẻ giơ gót đạp Người, dù trước đó đã được Người đối xử rất chân tình.

Đó là nỗi đau của Đức Giêsu khi Người trích dẫn Tv 41,9: “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con.” Nỗi đau của Đức Giêsu còn lớn hơn cả sự tệ bạc của kẻ phản bội vì Người đã thốt lên điều đó ngay trong bữa Tiệc ly, sau hành vi hạ mình rửa chân cho các môn đệ.

Nhưng Đức Giêsu không vật vã trong nỗi phiền muộn, để trở nên cay đắng. Trong tâm tư của người được Chúa Cha sai đi, Đức Giêsu phải chọn thái độ vâng lời, dù đó là khởi đầu của tấn thảm kịch đang xảy ra, điều đó vẫn nằm trong kế hoạch của Chúa Cha.

Người chấp nhận để cho Kinh Thánh được ứng nghiệm. Và khi Kinh thánh được ứng nghiệm, là lúc hoàn tất công việc mà Chúa đã giao phó. Đó là sự cứu chuộc thế gian phải thực hiện trong tư cách của một người tôi tớ, trong sự vâng lời trọn vẹn của Người Con. Vì biết điều sẽ xảy ra, nên Đức Giêsu không còn là nạn nhân, nhưng chủ động trước hoàn cảnh. Người biết giá phải trả và sẵn sàng trả giá ấy.

Đức Giêsu không muốn cho các môn đệ nghĩ rằng, khi đứng trước hoàn cảnh bi đát của cuộc thọ nạn sắp tới, Người phải thúc thủ và không thể thoát được, nhưng Người đã chọn để chịu chết. Ngay lúc này, khi những sự việc ấy chưa xảy ra, Đức Giêsu cho các môn đệ biết, để khi sự việc xảy ra, họ sẽ tin là Người Hằng Hữu. Người sẽ bày tỏ vinh quang của bản tính Thiên Chúa nơi bản thân Người, vì Người với Chúa Cha là một.

Phần các môn đệ, nếu bài học về tinh thần Người Tôi Tớ, về thái độ của người được sai không lớn hơn người sai đi, in sâu vào trong lòng và thể hiện qua hành động của họ, Đức Giêsu cho thấy sự vinh hiển của lòng trung thành đó, khi các môn đệ truyền bá sứ điệp Tin mừng của Người khắp thế giới. Họ sẽ là những người đại diện cho chính Chúa.

Như một sứ giả của một nước, người ấy không đi trong tư cách như một người lo chuyện riêng tư, với thẩm quyền riêng của mình, nhưng người ấy ra đi với tất cả danh dự và vinh quang của quốc gia mình. Nghinh tiếp vị sứ giả tức là nghinh tiếp chính phủ phái sứ giả ấy đi. Nghe sứ giả ấy nói là nghe quốc gia ấy tuyên bố. Tôn vinh sứ giả ấy, là tôn vinh đất nước mà vị sứ giả là đại diện.

Vinh dự và trách nhiệm trọng đại của người môn đệ Đức Giêsu, khi họ đại diện cho Chúa Giêsu ở thế gian này là thế: “Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Đó là Vinh quang, danh dự và uy quyền của người môn đệ Đức Giêsu.

                                                                             Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết