Thứ năm sau CN4 MC: Những lời chứng về Đức Giêsu

Nhiệm vụ của Kinh Thánh không phải là ban sự sống, nhưng dẫn đến Đấng ban sự sống và tin vào Người.

bileNgười Do thái không chấp nhận việc Đức Giêsu nói Thiên Chúa là Cha của mình, vì như thế là ngang hàng với Thiên Chúa. Để chứng minh lời tuyên bố ấy là sự thật, Đức Giêsu cho thấy Người sẽ không tự làm chứng về mình, vì biết nguyên tắc của lề luật, chỉ công nhận là sự thật nếu có hậu thuẫn ít ra là hai nhân chứng(Đnl 17,6), nhưng Người biết có Đấng khác làm chứng cho Người, và lời chứng của Đấng ấy là chứng thật.

Trước tiên, Đức Giêsu nhắc đến Gioan Tẩy Giả, là người mà người Do thái đã biết và đã cử người đi xác minh về bản thân và lý do làm phép rửa của ông. Chính Gioan đã nhiều lần công khai làm chứng về Đức Giêsu cho toàn dân.

Gioan là ngọn đèn được thắp sáng, nhiệm vụ của ánh sáng là soi sáng, hướng dẫn. Ông đã dạy người ta con đường sám hối ăn năn để chuẩn bị đón Đấng cao trọng sắp đến và chỉ ra Người khi Người xuất hiện. Sứ điệp của Gioan đã từng khuấy động tâm hồn mọi hạng người và vẫn còn âm hưởng đến tận bây giờ (Ga 1,19-36).

Những lời rao giảng hùng hồn, dứt khoát của Gioan tạo ra nơi người Do thái một cảm giác thích thú trong một thời gian, nhưng khi những chân lý Gioan rao giảng đụng chạm đến tâm hồn tăm tối họ và phán xét hành vi của họ, thì họ khó chịu, tức tối. Vì họ không có lòng khiêm hạ và thái độ sám hối ăn năn, nên họ không tiếp nhận Lời Chúa.

Nhưng dẫu cho lời chứng của Gioan Tẩy Giả có giá trị, Đức Giêsu cũng chẳng cần dựa vào những bằng chứng của con người bất toàn làm hậu thuẫn cho những lời tuyên bố của Người. Vì Người có một lời chứng cao cả và chắc thực, là Chúa Cha, Đấng đã sai Người đến trần gian và đang hành động trong Người.

Nếu Chúa Cha hành động trong Đức Giêsu, được chứng thực bằng những lời chân lý, khôn ngoan và qua những điều tốt đẹp Người làm, thì sự tiếp nhận, lãnh hội và thọ ân của những người khi tiếp xúc, tương quan với Đức Giêsu chính là chứng cứ sống về Người.

Cuối cùng, chính Kinh Thánh, là Lời Thiên Chúa đã làm chứng cho Đức Giêsu. Đối với người Do Thái, Kinh Thánh là tất cả. Việc kính trọng Kinh Thánh, kiên trì đọc và tra cứu tỉ mỉ Kinh Thánh là điều đáng khen, nhưng nếu điều ấy không giúp họ nhận ra Đấng Cứu Thế khi Người đến, là vì họ đọc Kinh Thánh một cách sai lầm.

Họ đọc Kinh Thánh với tâm hồn khép kín, có chủ ý, không phải để “chạm đến Lời mặc khải”. Họ tìm kiếm Chúa và sự khôn ngoan của Người, không phải để củng cố và chứng nghiệm đức tin, mà để tìm những luận cứ chắc thực, hậu thuẫn cho các lập trường riêng của họ. Họ không thật sự yêu mến Chúa, nhưng chỉ yêu mến các ý niệm của họ về Chúa. Họ nhớ từng câu, từng chữ, nhưng Lời thì không thấm nhập vào trong họ. Họ chỉ thấy Kinh Thánh là lời mặc khải của Thiên Chúa được viết ra thành văn bản, quên rằng mặc khải của Chúa còn được bày tỏ trong các biến cố.

Đức Giêsu đã chỉ ra một phương pháp đúng đắn duy nhất để đọc Kinh Thánh, là đọc trong ý thức mọi điều trong Kinh thánh đều làm chứng về Người, nên phải quy hướng về Đức Giêsu và các mầu nhiệm của Người (Ga 5,39; x. Lc 24,27). Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt Kinh Thánh. Đức Giêsu là mặc khải tối cao và trọn vẹn, mọi mặc khải khác phải được soi sáng bởi ánh sáng của Người, nếu không, người ta sẽ chẳng bao giờ đâu kết lại tất cả mặc khải và tìm ra được ý nghĩa đích thật của nó.

Nhiệm vụ của Kinh Thánh không phải là ban sự sống, nhưng dẫn đến Đấng ban sự sống và tin vào Người. Nhưng người Do thái đã không muốn đến cùng Đức Giêsu để được sống, điều đó chứng tỏ họ không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Vì thế Đức Giêsu bảo Người chẳng cần người đời tôn vinh, chẳng cần hơn thua với họ trong việc lý luận, mà việc Người nói ra, vì muốn họ được cứu độ, đang khi có nhiều ngôn sứ giả, những Kitô giả luôn có nhiều người theo, vì họ luôn nói những điều phù hợp với ý muốn của họ, và chính họ cũng kiếm tìm những vinh quang giả tạo đó và tôn vinh nhau.

Tìm kiếm những vinh quang giả tạo để thỏa mãn sự tự mãn sẽ giết chết đức tin, vì người ta sẽ không còn cậy dựa vào Thiên Chúa nữa, mà vào chính mình; không còn phụng sự Thiên Chúa nữa, mà chỉ quay quắt với những ánh hào quang do mình tạo ra và chết thiêu trong đó.

Đức Giêsu kết thúc diễn từ bằng việc việc dẫn lời Môsê sẽ tố cáo họ trước Thiên Chúa. Vì người Do Thái tin những sách Môsê truyền lại cho họ chính là lời của Thiên Chúa, mà những gì Môsê viết lại hướng về Đức Giêsu. Vậy, nếu họ không tin vào những lời Đức Giêsu nói, điều đó chứng minh rằng, họ không tin vào những lời ông Môsê dạy. Vì thế, chính Môsê sẽ là người tố cáo họ trước Chúa Cha.

Jos Ngô Văn Kha CSsR

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết