Thứ Năm sau CN2 MC: Cặp mắt, trái tim và đôi bàn tay

Cái chết bình đẳng cho hai loại người, giầu có và nghèo khó, nhưng số phận của họ lại rất khác. Từ đó chúng ta mới hiểu được cái “phúc” theo như người đời thường nghĩ và cái “phúc thật” theo Đức Giêsu cũng rất khác.

riccoepuloneCặp mắt ta dần trở nên mù lòa khi ta chỉ nhìn mình với những vấn đề của mình, mà không thấy tha nhân với những nỗi khổ đau của họ; trái tim ta dần chai cứng vì chẳng còn biết chạnh thương ai ngoài chuyện yêu mình, và đôi bàn tay, vì cứ mãi nắm chặt, sẽ mất dần cảm giác, vì không còn biết cho đi.

Dụ ngôn người phú hộ và Lazaro nghèo khổ (Lc 16,19-31) cho thấy thực trạng của con người hôm nay, khi làn ranh phân cấp giầu nghèo càng rõ nét, càng chia cắt, càng khoét sâu như một vực thẳm lớn, phân cách hai số phận, số phận ở đời này và số phận đời đời, thì ý nghĩa của lời Đức Giêsu vừa cho thấy, giầu sang phú quý chưa hẳn là có phúc, và nghèo khổ chưa chắc đã là bất hạnh. Điều đó vừa cấp thiết, thúc giục mọi tín hữu phải “xây cầu” nối hai bờ vực, để khai mở con đường thông thương liên đới, trợ giúp và hiệp thông.

Bối cảnh xã hội hôm nay cho thấy hoàn cảnh con người thật bi thảm, phẩm giá con người bị xúc phạm, bị coi thường và cuộc sống đầy tủi nhục. Số đông những con người nghèo khó cơ cực ấy không phải là tập hợp những con người vô danh hoặc khuyết danh, vất vưởng tồn tại như không tồn tại, nhưng họ có một khuôn mặt, một lịch sử với cái tên là Lazaro, nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”; một người được Thiên Chúa yêu mến, nhớ đến, trợ giúp cho dù tình trạng cụ thể có như thế nào. Còn số người giàu đẳng cấp gọi là “phú hộ” ấy thật ra, lại là những con người chung chung. Họ có thể là tôi, là bạn hay có thể là bất kỳ người nào, những người giầu vật chất mà lại nghèo nhân ái, những người chỉ biết yêu tiền bạc, huyênh hoang về sự giầu có của mình, kiêu ngạo giữa đám đông bần cùng, mà không biết mối hiểm nguy kề cận, vì “Cội rễ sinh ra mọi điều gian ác là lòng ham muốn tiền bạc” (1Tm 6,10).

Tiền bạc, thay vì là một phương tiện để ta sử dụng và thực thi tình liên đới với tha nhân, nó có thể trở nên bạo chúa thống trị, biến chúng ta và cả thế giới thành nô lệ, phải tuân thủ theo tiêu chuẩn ích kỷ của nó, không còn chỗ cho tình thương.

Phú quý sính lễ nghĩa. Ngưu lại tầm ngưu. Đức Giêsu mỉa mai lối sống hào nhoáng hoang phí của người phú hộ, “mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình”, nhưng vô ích trên bình diện liên đới cộng đồng.

Giầu sang phú quý làm ông ta trở nên mù, không thấy Lazaro nghèo khổ đang bị đói khát, ghẻ chốc, con tim bọc đầy mỡ không còn rung cảm nỗi xót thương và đôi tay múp míp kia chẳng còn sức để kéo Lazaro bất hạnh ra khỏi sự tủi nhục.

Sự khoe khoang qua lối sống phủ phê, được đánh bóng bởi sự tự mãn với kiểu cách trưởng giả, như trương ra ý nghĩa xấu và giá trị ảo của chữ “phúc” mà rất nhiều người đều ước mơ, thèm khát và ganh tỵ. Nhưng đó không phải là “phúc thật”. Ngôn sứ Giêrêmia bảo kẻ cậy dựa vào đấy là: “đáng bị nguyền rủa”, vì họ sẽ “ở nơi đồng khô, cỏ cháy”, “trong vùng đất mặn không bóng người”(Gr 17,5-6). Còn Đức Giêsu từng ví hạng người với lối sống ấy, chỉ đáng làm một con mọt không hơn không kém (Lc 12,16-19), hoặc như người phú hộ trong dụ ngôn này, “rồi cũng chết”, khi đó, ông ta mới bị phơi bày cái trần trụi khốn khổ của mình (Lc 16, 23-26).

Cái chết bình đẳng cho hai con người, giầu có và nghèo khó, nhưng số phận lại rất khác. Ông phú hộ chỉ sống ích kỷ, hưởng thụ ở đời này, mà không biết sẽ trở nên “kẻ ăn mày” lòng xót thương từ những người bị ông ruồng bỏ, ở đời sau (Lc 16,27-28). Khi mắt “đã sáng ra”, thì số phận đã an bài, như lời Thánh Phaolô: “Chúng ta đã không mang theo gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn, áo mặc, hãy lấy đó làm đủ” (1Tm 6,7).

Lời Chúa hôm nay cho thấy sự thật về số phận đời đời của mỗi người tùy theo cách sống và sự trợ giúp những người nghèo khổ. Nếu ta để sức mạnh Lời Chúa đánh động tâm hồn, khơi lên sự hoán cải nội tâm, xét lại lối sống của mình trong tương quan với những người nghèo khổ và có những hành vi tích cực, thì trong đời sau, khi sự công bình được tái lập, ta sẽ được sự trợ giúp từ chính những người, hôm nay ta biết “xây những cây cầu”, mở mắt ra để nhìn, biết rung động con tim cảm thương và đôi tay biết mở ra cứu giúp.

Jos Ngô Văn Kha, C.Ss.R.

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết