Tôi sống, sống cho ai, sống để làm gì, rồi sẽ đi về đâu?
Lời Đức Giêsu là sự thật, và sự thật sẽ giải phóng người ta khỏi tội, mà tội đưa đến cái chết, vì thế Người bảo: “Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 8,51). Người Do thái không hiểu điều đó vì họ thấy ai cũng phải chết, cả tổ phụ Apraham, cả các ngôn sứ, nên khi Đức Giêsu nói ra những lời này, họ cho Người bị quỷ ám, vì đã nói những lời dối trá. Người Do thái đã bỏ qua một điều tối quan trọng nhắc đi nhắc lại cho họ mỗi khi họ đọc Sách Thánh, Thiên Chúa khi xưng mình là Đấng Tự Hữu, là: “Thiên Chúa của tổ phụ Apraham, của Isaac, của Giacóp”, có nghĩa Người là Chúa của người sống, không phải của người chết.
Họ tôn thờ một Thiên Chúa Hằng Hữu, đương nhiên phải là Hằng Sống, và những kẻ thuộc về Thiên Chúa cũng nhờ Người mà được sống. Điều người Do thái sai lầm là họ dừng lại ở một sự kiện lịch sử (đã sống và đã chết), một não trạng thuộc về thế gian này (đã chết thì không thể sống được nữa), cho nên sự hiện diện, sự tồn tại của các tổ phụ được họ hiểu là không còn có tương quan gì với Thiên Chúa nữa.
Vì vậy phải nhờ mặc khải của Đức Giêsu, người ta mới nhận biết về một thực tại khác của Thiên Chúa, không như người ta nghĩ, mà có nghĩ cũng không ra, là thực tại của những người thuộc về Thiên Chúa, họ đang sống nhờ Thiên Chúa, sống cho Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của người chết, như trước đây trong diễn từ về Bánh Hằng Sống, Đức Giêsu đã công bố: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57-58). Đức Giêsu cũng khẳng định điều ấy khi nói Người biết Chúa Cha và giữ lời Chúa Cha. Người có sự sống của Chúa Cha và ban cho ai tùy ý (Ga 5,21). Đức Giêsu còn nói: “Ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24)
Các tổ phụ đã tin tưởng tuyệt đối vào lời Thiên Chúa, không phải một lần nhưng là trọn đời. Cuộc đời của họ có sống là sống nhờ lời Thiên Chúa, và họ luôn giữ lời Thiên Chúa cho mình trong mọi ngày sống, trong mọi hoàn cảnh sống. Thế nên Thiên Chúa không thể để kẻ hiếu trung của Người hư nát trong phần mộ, nhưng sẽ đưa vào cõi sống. Chúa sẽ dạy cho họ biết đường về cõi sống, để ở bên Người hoan lạc không hề ngơi (Tv 15,10-11).
Con người không phải sống để chết, sống để dành cho cái chết, để rơi vào hưu vô. Nếu thế thì mọi sự đều phi lý và vô nghĩa. Thiên Chúa tạo thành đã không để mọi sự phải rơi vào cái phi lý và vô nghĩa đó, mà Người tạo thành và cứu chuộc để cho con người thấy và hiểu biết được cái hữu lý và ý nghĩa tròn đầy của nó. Cho nên Đức Giêsu bảo: “Apraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và mừng rỡ” (Ga 8,56). Apraham chỉ thấy bằng lòng tin (Dt 11,13-16), nhưng ông tin chắc và phấn khởi bước đi trên con đường thánh ý Chúa, con đường dẫn ông đến sự sống viên mãn vĩnh hằng của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng Chân Thật và lời Chúa là sự thật.
Nếu ý thức được điều ấy, ta sẽ có một lập trường đúng đắn cho một cách sống quân bình đối với những thực tại thế gian này, ta sống không phải cho chính mình, mà là chính Đức Giêsu sống trong ta (Gl 2,20). Xác tín ta đang sống cho Thiên Chúa trong một đời sống tiến về cõi hằng sống của Chúa, bằng không có lẽ người Do thái đã “làm đúng” khi dùng những hòn đá “thay lời muốn nói” đáp trả lại mặc khải vĩ đại của Đức Giêsu: “Thậy vậy tôi bảo các ông: trước khi có Apraham, thì tôi, tôi Hằng Hữu”.
Nếu ta nói mình biết Chúa mà không giữ lời Người, thì kể như đã chết. Không có lời hằng sống trong mình, ta sẽ sống cho ai, nếu không phải cho chính mình, sẽ làm theo ý ai, nếu không phải là ý mình. Khi bỏ Lời Chúa là Thần Khí và là sự sống, trí khôn sẽ mụ đi bởi những sự chi phối, điều khiển của tính xác thịt, ta sẽ khép mình lại trong chính mình, trở nên chai đá và đánh mất lòng tín trung, từ đó sinh ra hoài nghi, lầm lạc và cuối cùng là sẽ dễ dàng phạm thượng một khi đánh mất lòng kính sợ Thiên Chúa. Đó là hình ảnh của một người Công giáo vô thần hôm nay.
Jos Ngô Văn Kha CSsR